Trọng dân, tin dân

26/02/2015 06:16 GMT+7

Nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp của UBTVQH hôm qua 25.2 về dự thảo luật Trưng cầu ý dân cho thấy có những đánh giá khá thận trọng về dự luật này. Đa số thành viên UBTVQH đều khẳng định đây là dự luật rất quan trọng. Nhưng cũng vì tính chất quan trọng của nó mà dự luật cũng được coi là “rất phức tạp và nhạy cảm”.

Nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp của UBTVQH hôm qua 25.2 về dự thảo luật Trưng cầu ý dân cho thấy có những đánh giá khá thận trọng về dự luật này. Đa số thành viên UBTVQH đều khẳng định đây là dự luật rất quan trọng. Nhưng cũng vì tính chất quan trọng của nó mà dự luật cũng được coi là “rất phức tạp và nhạy cảm”.

Tuy nhiên không vì tính chất nhạy cảm và phức tạp đó mà phải né tránh vấn đề. Điều đáng mừng, theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự luật đã có những cơ sở vững chắc về chính trị. Cụ thể, vấn đề này đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng 11. Nghị quyết 48 Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật VN đến 2020 cũng có chỉ đạo xây dựng luật về trưng cầu ý dân. Về cơ sở pháp lý, các bản Hiến pháp 1946 cũng như Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2013 đều có quy định về trưng cầu ý dân. Gần đây nhất Hiến pháp 2013 đã xác định rõ việc nhân dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
Yêu cầu về luật Trưng cầu ý dân còn xuất phát từ thực tiễn nhu cầu của xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng và phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Theo Hội Luật gia VN, trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như là một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội hiện đại và rất nhiều nước đã ban hành luật Trưng cầu ý dân để điều chỉnh các mối quan hệ về trưng cầu ý dân. Đến nay đã có 167/214 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.
Điều trăn trở của nhiều thành viên UBTVQH tại phiên họp hôm qua là có nên giới hạn các nội dung trưng cầu không và ai sẽ là người có quyền đề nghị trưng cầu ý dân? Dự thảo luật không quy định cụ thể các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân nhưng nhiều đại biểu bày tỏ không đồng tình quy định này mà cần phải liệt kê những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân.
Có đại biểu e ngại nếu xử lý không khéo có thể làm tình hình đất nước rơi vào nguy cơ bất ổn, “tự ta làm rối ta”. Do vậy cần quy định không đưa ra trưng cầu ý dân những nội dung trái với Hiến pháp và pháp luật. Có ý kiến đề nghị để đảm bảo tính chặt chẽ của luật phải quy định “nếu ý kiến trưng cầu không hợp lý, Quốc hội có quyền bác bỏ” (?!).
Chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân phải là tập thể, không có cá nhân dù ở vị trí nào vì lo ngại “nếu đến thời điểm nào đó phụ thuộc vào một cá nhân đưa ra đề xuất có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống, thể chế chính trị”...
Những trăn trở, thận trọng ấy không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên nếu ở một góc nhìn rộng hơn những “nguy cơ” đó sẽ khó có cơ hội trở thành hiện thực nếu như truyền thống quý báu của dân tộc VN trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc tiếp tục được thể hiện trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như những năm qua. Chính sự tin tưởng, tôn trọng, lấy dân làm gốc ấy sẽ tạo thành sức mạnh giúp đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức của thời đại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.