Từ câu chuyện cô Chanh

19/01/2018 04:58 GMT+7

Có một sự ngưỡng mộ khi đọc được câu chuyện làm du lịch của cô gái tên Lương Thị Chanh, 28 tuổi, người dân tộc Giáy ở bản Tả Van Giáy, xã Tả Van. H.Sa Pa, tỉnh Lào Cai trên Báo Thanh Niên hôm qua.

Cô này chỉ mới học hết lớp 5 trường làng, vậy mà biết dạy tiếng Anh cho cả gia đình để mọi người cùng làm du lịch homestay trong chính ngôi nhà của mình.
Homestay là loại hình du lịch không còn mới mẻ và hiện khá phổ biến, nhưng điều đáng khâm phục là cô Chanh đã mạnh dạn vay ngân hàng 250 triệu đồng để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, quy hoạch lại ngôi nhà cổ của gia đình cho phù hợp với du khách, trong đó đa số là người ngoại quốc. Thương hiệu Hoa Chanh Homestay ra đời từ đó. Làm ăn ắt phải có rủi ro, trường hợp của cô Chanh cũng không phải ngoại lệ. Do cô phải nghỉ hộ sản, số du khách đến homestay thưa dần rồi... vắng hẳn. Không có nguồn thu mà số nợ ngân hàng cứ treo lơ lửng trước cửa nhà, thế là Chanh phải xuống Sa Pa và cả Hà Nội để “tái xúc tiến thương mại” với lời xin lỗi chân thành đến khách hàng về sự ngưng trệ của homestay nhà mình. Và thế là du khách quay trở lại với cô Chanh, đồng nghĩa với việc gia đình “tái thu nhập”, thời gian sau số tiền vay ngân hàng được thanh toán sòng phẳng.
Câu chuyện làm du lịch vi mô của cô Chanh gợi nhớ đến chuyện vĩ mô của ngành du lịch VN thời gian qua. Theo đó, khoảng 80% du khách nước ngoài đến VN lần đầu “một đi không trở lại”. Một câu hỏi được đặt ra là, trước “tổn thất” nặng nề như vậy, những quan chức lãnh trọng trách điều hành ngành du lịch VN đã làm gì để lôi kéo 80% số du khách ấy tiếp tục tìm đến nước ta, như cách mà một cô gái có trình độ tiểu học đã làm?
Có người cho rằng, vì mắc nợ ngân hàng nên cô Chanh buộc phải tìm mọi cách kiếm tiền trả nợ. Điều đó đúng, vì nếu không trả được nợ, có thể cái cơ ngơi Hoa Chanh Homestay trên miền Tây Bắc ấy sẽ biến mất. Còn với ngành du lịch VN, áp lực là gì? Và làm gì để tương xứng với kỳ vọng biến “ngành công nghiệp không khói” trở thành một trong những mũi nhọn của nền kinh tế VN, như chủ trương của chính phủ đã đề ra?
Nếu xét về yếu tố “tiêu chuẩn hóa” để được nhận vào làm việc trong ngành du lịch, cô Chanh chẳng có cơ hội nào, vì ngay cả hướng dẫn viên lữ hành tối thiểu phải học hết lớp 12 và phải có thẻ hành nghề. Nhưng từ sự nhiệt tâm với nghề, cô gái dân tộc ít người ấy đã làm một việc “không tưởng” nhằm đạt được ước mơ của chính mình. Một lần nữa xin khâm phục cô Chanh!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.