Từ vụ án Hồ Duy Hải

04/12/2019 05:00 GMT+7

Vụ án Hồ Duy Hải không xét đi, xử lại nhiều lần, bị cáo phải ngồi tù nhiều năm như một số vụ án oan sai khác.

Tuy nhiên, nó thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội khi bị cáo bị tuyên án tử hình bởi cấp sơ thẩm và phúc thẩm, và lệnh tiêm thuốc độc chỉ được tạm đình chỉ vào ngày 4.12.2014, một ngày trước giờ thi hành, bởi Chủ tịch nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lúc đó là Phó thủ tướng, cũng đã có văn bản yêu cầu xem xét lại vụ án. Cuối tháng 12.2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát các vụ án bị khiếu nại là oan sai, trong đó có vụ Hồ Duy Hải. Sau đó, đoàn giám sát đã báo cáo kết quả giám sát và chính thức kiến nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án. Kiến nghị này cuối cùng đã được VKS chấp thuận bằng một quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với cả hai bản án sơ, phúc thẩm.
Tiếp cận kỹ hồ sơ mới thấy vụ án Hồ Duy Hải có ý nghĩa đặc biệt đối với nền tư pháp nói chung và tư pháp hình sự nói riêng của nước ta, nổi bật lên là khâu trọng yếu nhất trong tố tụng hình sự: thu thập chứng cứ.
Theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”, tòa án buộc phải kết tội và lượng hình chỉ và duy nhất dựa vào sự thật khách quan, thể hiện qua chứng cứ của vụ án. “Suy đoán vô tội” còn có nghĩa là: trách nhiệm thu thập chứng cứ để buộc tội là của cơ quan công tố, ở Việt Nam đó là VKS; bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội.
Trong vụ án này, theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có một loạt sai sót, thiếu sót liên quan đến việc thu thập, giám định và đánh giá chứng cứ.
Điều đáng nói hơn cả là việc Chủ tịch nước đã chấp nhận đơn thỉnh nguyện của bị cáo và gia đình bị cáo, quyết định đình chỉ thi hành án tử vào ngày cuối cùng, tiếp theo đó là việc Quốc hội đã tổ chức giám sát toàn bộ vụ án, và cuối cùng VKS quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.
Truy cứu và xét xử tội phạm hình sự cho đến nay là trách nhiệm chủ yếu của các cơ quan tiến hành tố tụng, là cơ quan điều tra, VKS và tòa án. Sau khi có bản án phúc thẩm, nếu không có kháng nghị xuất phát từ tòa án hay VKS thì bản án đó phải có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, kể từ Hiến pháp 2013, một nguyên tắc mới, quan trọng đã được hiến định tại khoản 3, điều 2: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Chính là để thực hiện nhiệm vụ “kiểm soát quyền lực” này, Chủ tịch nước đã quyết định đình chỉ thi hành án tử để xem xét lại.
Vụ án Hồ Duy Hải đem lại một tín hiệu đáng mừng: quy định của Hiến pháp 2013 về việc “kiểm soát quyền lực” đã và đang đi vào cuộc sống. Cần xem đây là một quy trình bình thường của nền tư pháp nước nhà, là hướng đi đúng để tiến tới một “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, xây dựng một “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, như đã khẳng định tại Hiến pháp và các nghị quyết của Đảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.