Văn hóa biển

08/07/2007 00:20 GMT+7

Đã có hơn 40 tham luận được trình bày tại cuộc Hội thảo khoa học về "Văn hóa biển miền Trung"diễn ra trong hai ngày 5 và 6.7.2007 tại Quảng Ngãi. Nhân đây tôi xin nêu thêm một vấn đề nhức nhối.

Người ta có thể viện dẫn những tộc người thiểu số ở những chốn rừng thiêng heo hút cách biệt với thế giới văn minh, con em họ không có điều kiện đến trường, "cái chữ" với họ nhiều khi trở thành xa xỉ, nhưng họ vẫn bảo tồn được vốn văn hóa bản địa qua các hoạt động thờ cúng cũng như qua cách sống cách cảm cách nghĩ về nhân sinh và vũ trụ của mình. Đúng là có chuyện đó thật. Nhưng nếu không có văn minh, văn hóa bản địa sẽ có nguy cơ bị cô lập và tàn lụi. Nhất là trong thế giới ngày nay, khi văn minh là anh em ruột của giáo dục, thì ta có thể nói mà không sợ nhầm, là nếu ở đâu trẻ em chỉ được hưởng một nền giáo dục thấp, ở đâu trẻ em không được học hành tử tế, thì cũng đừng mong ở đó bảo tồn và phát triển được văn hóa bản địa của mình.

Chúng ta đã có một nền văn hóa  biển độc đáo. Nhưng hiện nay, có lẽ trong khi quá chú mục nghiên cứu và khai thác những tinh hoa của văn hóa  biển truyền thống, nhiều lúc chúng ta đã vô tình quên đi môi trường và dưỡng chất nuôi sống nền văn hóa ấy: đó là môi trường giáo dục, là dưỡng chất giáo dục. Tôi đã có nhiều dịp về một số làng chài vùng biển Quảng Ngãi, và cái đập vào mắt tôi đầu tiên là: ở đó nhiều trẻ con quá! Trẻ con là tương lai của đất nước, tương lai của một vùng đất, nhưng tương lai ấy sẽ như thế nào thì không thể nghĩ một cách đơn giản được. Những gia đình ở vùng biển thường sinh nhiều con. Một trong những nhu cầu tự thân đầu tiên ở một làng biển là nhu cầu nhân lực đi biển. Và nhân lực ấy phải là con trai, là đàn ông. Vì thế, phải sinh càng nhiều bé trai càng tốt, và nếu chưa có con trai, thì phải đẻ tới chừng nào có thì thôi! Từ xa xưa, cuộc sống biển giã đã "đặt hàng" như vậy với những gia đình làng biển. Công cuộc mưu sinh gắn liền với biển luôn đầy bất trắc, và người dân biển chấp nhận điều đó. Nhưng cũng vì cuộc mưu sinh khắc nghiệt ấy mà người dân biển rất khó có điều kiện cho con em mình học hành tới nơi tới chốn, dù bây giờ thì họ biết, ngay trong nghề đi biển, thì có học vẫn hơn là không học, học nhiều vẫn hơn là học ít. Kinh nghiệm đi biển, kinh nghiệm đánh cá sẽ được nhân lên nếu người đi biển vừa có kinh nghiệm vừa có kiến thức. Nhưng ở đây phải cảnh báo ngay điều này: giáo dục phổ cập ở những vùng biển đang xuống cấp nghiêm trọng. Tôi chỉ đơn cử một địa phương không xa thành phố Quảng Ngãi: đó là xã Nghĩa An - một xã biển vốn xưa là một cù lao, nay là bán đảo vì đã có cây cầu nhỏ nối với đất liền. Xã biển này - nơi có nhiều ngư dân từng là nạn nhân của bão Chanchu - có một trường PTCS. Theo báo cáo tổng kết niên học 2006-2007 do thầy hiệu trưởng trình bày thì trong số gần 1.300 học sinh của trường, niên học vừa qua đã có 130 em bỏ học, "đạt tỷ lệ" 10%. Một "tỷ lệ" đau lòng! Nhưng chưa hết: 90% các em còn theo học ở trường đạt một chất lượng học tập rất thấp. Nếu có những trường PTTH ở miền núi thi tốt nghiệp trung học đỗ… 0%, thì những trường vùng biển như thế này cũng chẳng hơn là mấy! Nhiều em bé ở Nghĩa An mới học tới lớp 6 lớp 7 đã bỏ học. Nhìn những ngôi nhà "nạn nhân bão Chanchu" mới mọc lên ở Nghĩa An từ tiền đóng góp của những tấm lòng nhân ái trong cả nước, rồi nhìn lại những đứa trẻ đội nắng đội mưa tới trường mong "kiếm chút chữ" trong một môi trường giáo dục chất lượng thấp, những người làm văn hóa sẽ nghĩ suy gì ? Liệu có thể bảo tồn được văn hóa  bản địa, có thể xây dựng và phát triển "văn hóa mới" trong một môi trường giáo dục như vậy? Lâu nay, những người nghiên cứu văn hóa ở ta thường tách văn hóa  khỏi môi trường sống thực tế và trong hiện tại của nhân dân, chỉ chú mục vào một số lễ hội truyền thống, cố gắng "tái tạo" một số lễ hội này, và yên tâm rằng văn hóa bản địa, như văn hóa biển chẳng hạn, đang tồn tại. Trong khi thực tế, "văn hóa biển" hiện lên hằng ngày ở những làng chài lại là "văn hóa" nhậu nhẹt, cờ bạc, lô đề, cho vay và vay nặng lãi - một sự bần cùng hóa thật sự về văn hóa. Khi giáo dục xuống cấp, thì làm sao giữ gìn "tôn tạo" được văn hóa? Làm sao người dân sống có văn hóa, khi họ chỉ được hưởng một nền giáo dục chất lượng thấp với giá cao ? Và khi họ từ chối "mua chữ" với rất nhiều lý do, ấy là khi văn hóa đang "đội nón ra đi" ở những vùng biển những làng chài. Cùng với sự cạn kiệt tài nguyên biển do khai thác một cách "ít học" và "thiếu văn hóa", thì "sa mạc hóa" trong giáo dục dẫn tới "sa mạc hóa" trong văn hóa và lối sống văn hóa ở nhiều vùng biển là nguy cơ có thật. Với mặt bằng giáo dục thấp, làm sao giữ được văn hóa cao?

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.