Văn hóa kinh doanh

05/02/2009 00:22 GMT+7

Hầu như năm nào tôi cũng có dịp ra phi trường Tân Sơn Nhất (TSN) để lên máy bay đi công tác trong nước và nước ngoài. Nhà tôi ở quận 8 (TP.HCM), đi taxi đến phi trường tốn khoảng 100.000 đồng, từ phi trường về nhà cũng ngần ấy tiền.

Tháng 5.2008 (lúc này nhà ga quốc tế mới đã được đưa vào sử dụng), từ châu u trở về, sau khi làm thủ tục hải quan xong, tôi đẩy hành lý ra cửa Ga đến để đón taxi về nhà, vì quá ngán ngẩm trước cảnh bắt khách, chèo kéo xô bồ xô bộn của mấy anh tài xế taxi nên tôi lẳng lặng đẩy hành lý lên Ga đi trên tầng lầu để đón taxi.

Ở Ga đi, sau khi thả khách xuống, tất cả taxi đều đánh xe không ra khỏi phi trường nên mấy bác tài sẽ vui vẻ đón khách, không hề ra giá cũng chẳng nề hà chuyện đi xa hay gần. 6 tháng sau, từ Hàn Quốc bay về trong một chuyến công tác khác, lúc đó đã gần 12 giờ đêm, tôi sử dụng "chiêu" cũ là đón taxi ở Ga đi nhưng "bể mánh" vì các anh bảo vệ la hét, cương quyết không cho taxi đón khách, đuổi như đuổi tà. Thế là tôi đành xuống lại Ga đến để đón xe và sự bực bội bắt đầu từ đây. Sau khi biết tôi về quận 8, anh tài xế ra giá 200.000 đồng (?). Tôi nói với anh ta rằng xe có đồng hồ mét không, nếu có thì tính tiền theo đồng hồ, đồng ý thì tôi đi! Cuốc xe ấy tôi trả tổng cộng 130.000 đồng, tính luôn lệ phí xe ra khỏi sân bay và tiền "boa" cho tài xế.

Thật tình mà nói, cái chuyện tài xế taxi làm giá đối với hành khách như ở phi trường TSN hình như chỉ có ở Việt Nam. Không biết cái lệ hét giá và trả giá bao giờ mới chấm dứt, chỉ biết rằng nó đã tồn tại nhiều năm qua, tạo nên một bộ mặt nhếch nhác ở cửa khẩu quốc tế - một nơi lẽ ra phải sáng sủa và minh bạch.

Rất nhiều Việt kiều về thăm quê hương và cả người nước ngoài đều ngớ người ra khi tưởng mình đang ở... chợ chứ không phải phi trường quốc tế, vì chỉ có đi chợ mới phải trả giá. Hình ảnh "chợ taxi" như ở TSN bạn sẽ không bao giờ bắt gặp ở các phi trường quốc tế trên thế giới, ít nhất là những nước tôi đã có dịp ghé thăm: từ châu Á qua châu Úc, từ châu u qua Bắc Mỹ. Thú thật, những phi trường quốc tế của nước ta như TSN, Nội Bài, Đà Nẵng... xem ra vẫn còn quá khiêm nhường so với phi trường ở các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia hay Singapore, nếu xét về mặt quy mô lẫn phong cách phục vụ.

Ở đó, du khách có thể ra khỏi sân bay một cách dễ dàng, nhanh chóng bằng nhiều loại phương tiện công cộng, chứ không phải chỉ có taxi. Còn ở ta, cụ thể là phi trường TSN, thì sao? Bạn không còn sự lựa chọn nào khác ngoài taxi, nếu xét về mặt thuận lợi. Nghe nói ở phi trường cũng có Honda ôm nhưng bất tiện vì đa số khách đều mang hành lý cồng kềnh, nhất là Việt kiều. Có phải vì vậy mà cánh tài xế taxi dồn khách vào thế bí, buộc phải đi với "giá chặt chém" nếu không muốn ngủ lại ở phi trường hoặc... đi bộ về nhà? Sau một chuyến bay dài mệt mỏi, ai cũng có tâm lý muốn về nhà ngay. Ấy vậy mà còn phải căng đầu ra để đối phó với giá cả taxi thì thử hỏi tâm trạng của du khách sẽ như thế nào? Còn chuyện khách đi xa hay gần là lẽ thường tình, tài xế taxi ở các nước trên thế giới không bao giờ khó chịu khi phải chở một vị khách chỉ đi một đoạn ngắn. Đó là văn hóa kinh doanh, giống như khi ta bước vào một đại siêu thị kim khí điện máy chỉ để mua 2 viên pin tiểu, người bán hàng tính tiền xong vẫn nở nụ cười thân thiện và nói "cảm ơn".

Chuyện taxi từ chối chở khách đi gần hình như chỉ có ở phi trường TSN - nơi lúc nào cũng có đông đảo người sử dụng dịch vụ taxi, một môi trường kinh doanh béo bở, không bù lại cho số taxi chạy lòng vòng kiếm khách ở bên ngoài, chỉ cần một cuộc gọi tức thì có 2-3 chiếc taxi ào tới đón.

Hồi giữa mùa hè 2008, đến giờ đi ăn trưa, bọn tôi gồm 6 người buộc phải đón taxi vì trời mưa như thác đổ. Lên chiếc taxi Vinasun 7 chỗ, tôi thành thật nói anh tài xế là chỉ đi một đoạn ngắn thôi, mong anh thông cảm. Anh tài xế nói không có vấn đề gì. Từ cơ quan trên đường Cống Quỳnh (quận 1) đến quán cơm ở đường Lương Hữu Khánh (cũng thuộc quận 1) chỉ khoảng... 600 mét. Đến nơi, đồng hồ tính tiền chỉ 14.000 đồng (đúng theo quy định khi di chuyển dưới 2 km), thấy ái ngại, chúng tôi đưa cho anh tài xế 20.000 đồng và "boa" luôn số tiền thừa, không quên nói lời "cảm ơn bác tài". Gương mặt bác tài rất vui.

Tôi muốn kể lại câu chuyện trên để nói về văn hóa và sự sòng phẳng trong kinh doanh, điều mà hệ thống taxi ở phi trường TSN còn thiếu đồng thời để lại quá nhiều tai tiếng, cần phải chấn chỉnh. Và, chúng ta tin rằng ban lãnh đạo phi trường TSN - cửa khẩu số 1 của Việt Nam - sẽ có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những gì báo giới đã phản ảnh.

Còn đối với hành khách, chúng ta cũng cần góp phần làm lành mạnh hóa môi trường bằng cách có thái độ dứt khoát với mấy anh lái taxi ở sân bay: chỉ đi với điều kiện tính tiền theo đồng hồ, không thì thôi, tìm cách nào đó về nhà cho dù có vất vả một chút. Cuối cùng, chỉ xin mạo muội nhắn gửi đến những cán bộ điều hành cùng các anh lái taxi rằng phi trường TSN là bộ mặt của quốc gia, bộ mặt ấy có sáng sủa, văn minh hay không là một phần do chính mục đích kinh doanh và thái độ hành nghề của chúng ta quyết định.

Đoàn Duy Xuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.