Văn hóa mất thiêng

03/07/2017 06:08 GMT+7

Khi được đề nghị nhận định về nhiều lễ hội chọi trâu, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, nói rằng: “Trâu chưa đấu xong, đã thấy ngoài đường khoe bán thịt con trâu thắng cuộc”.

Tất nhiên, giá thịt trâu lúc đó rất cao vì bao hàm cả giá trị của lễ hội, của chiến thắng mà người dân cho là sẽ mang lại may mắn. Khi đó, văn hóa bị khai thác để làm tiền.
Không chỉ bán thịt trâu chọi, trâu không chọi giá cao, vé xem chọi trâu cũng là một khoản thu đáng kể. Chính vì thế, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, từng chia sẻ có doanh nghiệp “ăn vạ” chính quyền khi không được tổ chức chọi trâu. Họ gửi đơn thư liên tục để gây sức ép vì cho rằng đã đầu tư vào việc tổ chức quá nhiều. Vào lúc cao điểm, một tỉnh xa xôi như Yên Bái có tới 6/7 huyện tổ chức lễ hội chọi trâu.
Thậm chí, một nguồn tin cho biết, từng có cả chuyện kết nối để “thuê” trâu chọi Đồ Sơn về tổ chức lễ hội tương tự ở... Vũng Tàu. Nhưng khi trâu được đưa lên xe để đưa vào Vũng Tàu thì bị trượt chân ngã. Cho là điềm gở, người chủ trâu đã từ chối tiếp tục đưa trâu đi xa. Từ lễ hội ở địa phương, chọi trâu đã được biến thành một “ngành kinh tế”.
Không những thế, thực trạng trên còn tạo nên sự méo mó về văn hóa. Chẳng hạn, chọi trâu Đồ Sơn vốn là một phần của tín ngưỡng cầu an, cầu mùa. Nó gắn liền với việc cầu mong thủy thần phù hộ. Hoặc ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc), chọi trâu lại gắn với tín ngưỡng thờ thành hoàng, gắn với việc khao quân khi đánh thắng Triệu Đà. Vì thế, việc “di lý” chọi trâu sang vùng khác chỉ để chọi giải trí về cơ bản là một hoạt động phi văn hóa. Khi đó, một hoạt động văn hóa mang tính thiêng đã bị làm sai lạc. Chưa kể, sức ép có lãi cũng khiến các không gian cho chọi trâu mở rộng, tổ chức cả tại sân vận động. Trong khi đó, nhiều năm trước, chọi trâu vốn chỉ được tổ chức trong không gian nhỏ của cộng đồng.
Những thực hành văn hóa sai vì lợi nhuận như vậy vốn không phải hiếm. Còn nhớ, trong một nghiên cứu của UNESCO, đã từng có cảnh báo về việc nhiều di sản phi vật thể bị biến tướng vì mang ra kinh doanh và làm du lịch. Một trong số đó là nghi lễ cồng chiêng, vốn là giao tiếp với thần linh, đã bị mang ra đánh ở những không gian công cộng cho du lịch. Một dạng khác là bắt biểu diễn giới thiệu hội Gióng, trong khi đó là nghi lễ trang trọng mang tính tâm linh của cộng đồng...

“Nền kinh tế chọi trâu” đã làm văn hóa chọi trâu mất thiêng. Khi chọi trâu Đồ Sơn là một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì điều mất mát ấy khó có thể tính hay bù đắp được bằng tiền. Chưa kể, chúng ta cũng đứng trước nguy cơ được “bêu dương” trong báo cáo nghiên cứu của UNESCO một lần nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.