Văn hóa yêu thể thao là văn hóa hòa bình

11/12/2014 04:40 GMT+7

Có thể nói, những giọt máu đã rơi của cổ động viên VN tại sân khách Shah Alam (Malaysia) ở trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014 là một nỗi buồn… Nhưng liệu đó có phải là kết quả mong muốn của hàng trăm ngàn cổ động viên người Malaysia?

Liệu những phản ứng của người dân VN như vừa qua có phải là quá đủ? Chúng ta đòi hỏi gì ở những người bạn, cũng yêu bóng đá không kém, cùng chung khu vực Đông Nam Á - vùng trũng của bóng đá? Và đặc biệt đó là những người yêu chuộng hòa bình?

Hàng loạt động thái của người Malaysia, của những cá nhân có trách nhiệm, của những người đứng đầu thể thao nước này thực hiện trong sự cầu thị. Đó là lời xin lỗi của Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Khairy Jamaluddin. Đó còn là lời chia sẻ đầy chân thành của Hoa hậu Thế giới Malaysia Dewi Liana Seriestha đang tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Đó là việc cảnh sát Malaysia tiến hành bắt giữ khẩn cấp 5 người và truy tìm 12 CĐV say máu ăn thua, quen thói bạo lực và quyết nghị có thể cấm đến sân vĩnh viễn. Đó là những hành động rốt ráo, thể hiện sự chân thành và quyết tâm chuộc lỗi…

Hàng loạt thông điệp phản hồi của người Việt rất nhân văn: bỏ qua những cảm xúc tiêu cực, bỏ qua những hành động ăn thua, bỏ qua những suy nghĩ sẽ làm “một trận” cho nhẹ đi sự bực tức… Đó là những hình ảnh hòa bình, là những thông điệp tha thứ, là sự chia sẻ và đồng cảm… Người Việt không dừng ở đó mà còn biết lo xa hơn: nhắn nhủ các cầu thủ biết bình tĩnh, an tâm về sự ứng xử của những người yêu bóng đá VN ở trận bán kết lượt về tối nay tại Mỹ Đình. Đây chính là một thông điệp mang tính chất tâm lý để đội tuyển quyết thắng khi không còn nỗi lo canh cánh sẽ có CĐV chủ động gây hấn mang lại hậu quả không hay.

Người Việt vốn yêu hòa bình. Không có cớ gì ý nghĩa sâu xa của thể thao lại không được tôn trọng và hướng đến thông điệp vì hòa bình trong thực tế? Bao nhiêu năm qua, người Việt đã hết lòng, hết sức để chọn hòa bình là phương thức ứng xử, là điểm đến, là mục tiêu thì không có lý do gì ta lại cứ xoáy sâu vào những chuyện đã qua. Có thể hiệu ứng đám đông, hiệu ứng thương xót của con người làm một nhóm sẽ nóng máu hơn. Nhưng liệu sự kích động không cần thiết của một số người như vừa qua có phải sẽ là điểm đến trong tâm thức, suy nghĩ và hành động của mỗi người?

Ứng xử không làm đau người vô tội là ứng xử thấu tình đạt lý dù ở mức độ sơ khởi. Ứng xử kết nối là ứng xử rất con người giữa đời thường. Ứng xử đẹp là hành động văn hóa trong cuộc sống. Ứng xử nhân văn và cao thượng là hành động có văn hóa rất cao… Đó không phải là những đòi hỏi cao siêu mà rất bình thường. Hòa bình, nhân ái, cao thượng… những giá trị đơn giản cần được người Việt thực thi nếu chúng ta yêu những giá trị này, muốn minh chứng về một lối ứng xử đẹp mang tầm quốc gia, quốc tế… Đó là tôn chỉ của mỗi người khi đến với thể thao, đến với các hoạt động văn hóa.

Mong rằng những lời xin lỗi và những lời đề nghị ấy không phải là vô tác dụng. Mỗi người yêu bóng đá, yêu thông điệp kết nối, nhân văn sẽ làm hết sức mình để ứng xử sao cho ra những người Việt đáng nể.

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn
(Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội VN)

>> Lên kế hoạch trấn áp cổ động viên bóng đá lợi dụng quậy phá
>> Cổ động viên nhuộm đỏ phố đêm Sài Gòn
>> Thư của bạn ông Riedl gửi cổ động viên bóng đá
>> Bắt giữ xe chở cổ động viên đánh trọng tài Võ Minh Trí
>> Đề nghị truy tố cổ động viên hành hung trọng tài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.