Về chữ "Nhẫn"

15/02/2006 00:06 GMT+7

Sau Tết, tôi có dịp hành hương về Tây Sơn - Bình Định viếng Bảo tàng Quang Trung. Sau 23 năm. Thoắt cái đã gần nửa đời người kể từ lần tôi được cùng nhà thơ Xuân Diệu về viếng thăm bảo tàng này. Cây me trước nhà thờ vẫn nguyên vẹn, dù đã già thêm 23 tuổi. Giếng nước mà ngày xưa chàng thanh niên Hồ Thơm soi mình vẫn trong xanh, vị nước vẫn ngọt lành dù đã qua hai thiên niên kỷ.

Chúng ta đến viếng một nhà bảo tàng là để nghe những bước đi chậm rãi nhưng vô cùng rắn chắc của thời gian, để cảm nhận những vất vả, thậm chí đau khổ của tiền nhân khi nhận đường và mở đường. Mới hôm qua đây, đọc bài viết của một luật sư trẻ, tôi đã chợt lạnh người khi anh than phiền về chuyện cả nước bây giờ có quá nhiều người treo trong nhà một chữ "Nhẫn". Vâng, suýt nữa tôi cũng treo trong nhà mình một chữ "Nhẫn". Không phải vì tôi thích hay quen với "nhẫn". Ngược lại là khác. Tôi là người hay nóng vội, hay cự cãi, và ít chịu nhẫn nhục. Chính vì thế, tôi mới muốn tự nhắc nhở mình, rằng ở đời không nên nóng nảy, dễ tăng huyết áp; không nên nóng vội, dễ làm hỏng việc; không nên nóng máy, sẽ khó bảo toàn; và khi ta nóng tính, ta sẽ khó giữ bình tĩnh. Tôi nhớ, một nhà thơ bạn tôi có câu nói cửa miệng: "Hết sức kiềm chế!". Đúng là nhiều lúc tôi đã không tự kiềm chế, và đã khiến mình phải khó khăn. Nhưng đọc lại câu phát hiện bất ngờ của luật sư kia, tôi lại tự nhủ: "Hóa ra, chữ nhẫn cũng có ba bảy đường. Và không phải lúc nào "nhẫn" cũng tốt, và ngược lại". Đứng trước bức tượng đồng Vua Quang Trung mới khánh thành ở Bảo tàng Tây Sơn, chiêm ngắm gương mặt vị vua vừa "nhẫn" vừa "không nhẫn" này, tôi chợt nhận ra: ánh mắt của con người biết nhìn thấu suốt này vừa phóng tới vừa thu lại. Đó là ánh mắt của người vừa quyết liệt vừa biết nhún mình, vừa khao khát vừa chung thủy. Quang Trung đã thần tốc khi đánh dẹp quân Thanh xâm lược, nhưng đã chậm rãi đến kỳ lạ khi chờ La Sơn Phu Tử "phản hồi". Nhịp nhanh và quãng lặng đều ẩn trong cái nhìn của con người thiên tài này mà nhà điêu khắc trẻ người Bắc Hà đã thể hiện một cách xuất thần. Cũng phải cảm ơn những người làm văn hóa Bình Định, khi họ đã biết "nhẫn" để chờ thời cơ cho sự xuất hiện của pho tượng đồng rất ưng ý này, sau những phác thảo trước đó chưa thật ưng ý. Nếu vội, họ đã chọn phác thảo của một nhà điêu khắc nổi tiếng khác, vừa già tuổi đời vừa cao tuổi nghề hơn nhà điêu khắc trẻ này rất nhiều. Họ đã kiên nhẫn, và đã được. Bây giờ, Bảo tàng Tây Sơn như sáng rực lên nhờ bức tượng đồng mới "bóc tem" này. Như thế, kiên nhẫn là điều tốt! Có điều, tôi rất tán đồng với "ý tại ngôn ngoại" của người luật sư trẻ kia, khi anh thật sự sốt ruột trước những chữ "Nhẫn" đầy cam chịu, và cũng đầy tính hình thức mà người ta đang "cho" ở khắp nơi.

Thời toàn cầu hóa, khi một tiếng đập cánh của một con bướm ở Mexico có thể làm rung chuyển thị trường chứng khoán tận châu Á, thì những kiểu nhẫn nhục nhẫn nhịn; nhẩn nha rề rà chỉ tổ đưa đến những phá sản toàn diện và triệt để. Mà biết đâu, đó cũng là "tác dụng phụ" của chữ "Nhẫn". Nhìn đôi mắt và bàn tay đưa ra đầy khoan thứ của Quang Trung trên tượng đài, tôi như thấy được cả hai mặt của chữ "Nhẫn".

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.