Vô đạo

18/05/2020 04:34 GMT+7

Vụ ép người nghèo từ chối nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do Covid-19 ở H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa, ông trưởng thôn ở xã Hải Ninh, H.Tĩnh Gia đã nhanh chóng tự nhận lỗi cá nhân “do thiếu hiểu biết”.

Nhưng liệu bao nhiêu người tin đó là lỗi cá nhân một ông trưởng thôn chỉ do thiếu hiểu biết, khi sự thực đến giờ nó đã làm “toang” nhiều thứ mà các cấp chính quyền địa phương, không chỉ ở Thanh Hóa lâu nay muốn che đậy: Cuồng thành tích xóa đói giảm nghèo, cuồng thành tích nông thôn mới và sự giả dối đến từ chính các quan chức địa phương.
Chỉ kiểm tra ở một huyện (Thiệu Hóa) đã phát hiện hơn 4.000 người hưởng chính sách hỗ trợ Covid-19 không đúng đối tượng (trùng lặp, người không nghèo, người không có mặt ở địa phương, người đã chết...). Nếu không phải là huyện Thiệu Hóa tự kiểm tra, nếu kiểm tra diện rộng (hơn một huyện) thì sao? UBND tỉnh Thanh Hóa chưa lên tiếng về chuyện này, ngoại trừ tuyên bố có cũng như không: Quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý nghiêm nếu có cán bộ vi phạm và không thể để quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng.
Đương nhiên hành vi trục lợi chính sách của cán bộ phải được xử lý (đã có chủ tịch xã ở Nam Định từng đi tù vì hành vi này). Cái cần bây giờ là Thanh Hóa phải cho dư luận cả nước một câu trả lời đủ tin cậy rằng việc ép người nghèo “tự nguyện” không nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 không liên quan đến chuyện “sáp nhập” hộ nghèo để đạt nông thôn mới ở nhiều xã trước đó. Rằng, việc cán bộ xã đưa người nhà, người thân vào danh sách hưởng tiền hỗ trợ không phải là não trạng đặc quyền đặc lợi của cán bộ các cấp.
Căn nguyên của tình trạng này đều xuất phát từ bệnh cuồng thành tích, thói háo danh, giả dối và vô cảm của cán bộ, công chức và chính quyền địa phương. Người ta sẵn sàng sử dụng quyền lực trong tay để đe dọa người dân, đưa họ ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo để cá nhân cán bộ, chính quyền địa phương báo cáo thành tích, bất chấp sự khó khăn của người dân.
Trục lợi chính sách là vi phạm pháp luật, trục lợi chính sách cho người nghèo còn là vô đạo đức. Do vậy, xử lý đối với vụ việc này không thể như xử lý cán bộ biến chất thông thường. Nói một chính sách tốt luôn cần cán bộ thực hiện tốt là vậy.
Ngoài ra, hộ nghèo, cận nghèo chỉ là 1 trong 6 đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 được hưởng trợ cấp từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng. Đây là đối tượng rất rõ ràng về điều kiện, danh sách mà còn xảy ra tình trạng đáng buồn này. Do đó, chúng ta cần tiến hành rà soát, giám sát đồng loạt đối với việc thực hiện chi trả gói an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng do Covid-19 ở các địa phương, đặc biệt với đối tượng là lao động tự do. Đây là những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, thu gom phế liệu, bốc xếp, vận chuyển hàng hóa, xe ôm, người bán vé số... rất dễ bị những cán bộ không trung thực lợi dụng, làm sai lệch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.