Vỡ quy hoạch điện

04/10/2010 01:26 GMT+7

Không tích đủ nước, hàng loạt nhà máy thủy điện đang phải chạy cầm chừng, tình trạng thiếu điện tiếp tục tái diễn trên diện rộng. Nếu lỗi thiếu điện chỉ đơn thuần do thời tiết, người dân hoàn toàn có thể thông cảm cho ngành điện. Nhưng nguyên nhân thiếu điện lại không chỉ tại ông trời.

Hiện thủy điện chiếm khoảng 40% công suất toàn hệ thống. Sự thiếu hụt công suất từ thủy điện đáng lẽ có thể được bù đắp phần nào nếu các nhà máy nhiệt điện dự kiến đi vào vận hành trong năm 2010 - 2011 của Tổng sơ đồ điện VI đúng tiến độ, và các nhà máy nhiệt điện khác vận hành tối đa công suất. Đáng nói là khi thủy điện đang kêu cứu, nhiều nhà máy nhiệt điện lại gặp sự cố và hàng loạt nhà máy khác đã không vào đúng tiến độ.

Trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 2.10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đã cho biết, kiểm tra 35 dự án nguồn điện đang thi công và 16 dự án nguồn điện chuẩn bị khởi công, chỉ có 5 dự án đúng tiến độ.  

Lỗi thiếu nước nên hụt điện có thể đổ cho ông trời, nhưng được giao trách nhiệm chính trong Tổng sơ đồ VI, lẽ nào Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lại “vô can” khi việc vỡ quy hoạch này khiến tình trạng thiếu điện trong năm nay càng trầm trọng hơn?

Phải chăng vấn đề là, nếu không đủ sức để lãnh trách nhiệm chính, đã đến lúc EVN cần buông vị trí độc quyền nắm giữ lâu nay? Lý do ngành điện đã lâu không thể thu hút các nhà đầu tư mới, đủ năng lực, một phần do cơ chế giá điện thấp, nhưng phần khác vì họ sợ rằng sẽ nắm đằng lưỡi khi đầu tư vào ngành điện. Bởi nhiều nhà đầu tư đã phải lên tiếng phàn nàn tình trạng, lúc thiếu điện EVN nhiệt tình mua, nhưng lúc đủ điện EVN không mua nữa hoặc trả rất rẻ.

Theo lộ trình tới năm 2011, thị trường cạnh tranh sẽ bắt đầu vận hành. Nhưng thị trường sẽ chỉ thực sự cạnh tranh khi các nhà đầu tư khác có được sự cân bằng với EVN trong đàm phán giá điện. Để có được điều này, về lâu dài, cơ chế giá điện thấp cần được tháo gỡ với sự tính toán cân đối, đảm bảo không quá sốc với người dân và hợp lý cho ngành điện. Tuy nhiên, giá điện không phải là nút thắt lớn nhất, vấn đề quan trọng hơn là cải tổ lại thị trường điện theo hướng giảm dần vai trò độc quyền của EVN trong mua bán, phân phối điện. 

Tương lai gần, mùa khô năm 2011 dễ có nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng, bởi tới thời điểm này, hệ thống hồ thủy điện vẫn chưa tích đủ nước, trong khi chu kỳ mùa mưa lũ thường sẽ kết thúc vào tháng 11, 12 tới. Cũng theo tính toán, tới năm 2013 - 2014 bài ca thiếu điện, cắt điện vẫn sẽ tái diễn, bởi cung cầu điện vẫn mất cân đối nghiêm trọng.

Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện bình quân lên tới 14% - 15% năm hiện nay, để tự giảm tải cho mình, rõ ràng EVN cần nhìn nhận lại vai trò và san sẻ trách nhiệm.

M.Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.