‘Chảo lửa’ miền Trung

06/06/2015 07:00 GMT+7

Huyện Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình được mệnh danh là “chảo lửa” ở miền Trung. Tại đây, người dân đang oằn mình chống chọi với nắng nóng khô hạn.

Huyện Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình được mệnh danh là “chảo lửa” ở miền Trung. Tại đây, người dân đang oằn mình chống chọi với nắng nóng khô hạn.

Ruộng nứt nẻ vì thiếu nước Ruộng nứt nẻ vì thiếu nước - Ảnh: Phan Thủy

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quảng Bình, nắng nóng kéo dài từ ngày 14.5 đến nay, nền nhiệt độ vùng đồng bằng luôn giữ mức 37 - 40oC, trong khi đó nhiệt độ ở miền núi cao hơn. Tại huyện Tuyên Hóa, nơi nóng nhất tỉnh, nhiệt độ lên đến 41,5oC.

Mặn xâm lấn

Với nhiều người Quảng Bình, thời điểm này, chỉ cần nghe nhắc đến Tuyên Hóa đã thấy ngại. Ai có công việc cần lắm mới chấp nhận vào “vùng lửa”.

Gần 3.000 ha đất trồng lúa không thể canh tác

Nắng nóng kéo dài tại Quảng Trị trong thời gian qua làm hàng ngàn héc ta đất đáng lẽ đã được đưa vào sản xuất lúa hè thu có nguy cơ hoang hóa. Tại cánh đồng lúa của bà con xã viên thuộc HTX Cam Lộ (H.Cam Lộ) hiện đất đã khô đến nứt nẻ, không một giọt nước. Gần 200 ha đất sản xuất lúa ở khu vực này đều phụ thuộc vào công trình thủy lợi Nghĩa Hy nhưng hiện lòng hồ này đã trơ đáy.

Không riêng gì tại Cam Lộ, có gần 3.000 ha đất sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Quảng Trị thuộc các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh... không có nước tưới trong vụ hè thu này.

 Nguyễn Phúc

Mới 8 giờ sáng mà nắng đã đổ loang loáng trên mặt đường 12; nắng hoa cả mắt, rát cả mặt. Những chân ruộng khô khốc, nứt nẻ nối đuôi nhau chạy dài hai bên đường, cây cối héo úa, quặt quẹo. Sông Gianh, nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân khu vực cũng đã trơ cạn đáy. Nguồn nước ít ỏi còn lại trên sông đã bị nhiễm mặn nên không thể sử dụng để tưới tiêu, máy bơm nằm không. Từ cửa biển lên đến huyện Tuyên Hóa cũng trên 30 cây số, vậy mà vẫn bị nhiễm mặn.

Các xã Châu Hóa, Tiến Hóa, Thạch Hóa lân cận cũng trong tình trạng tương tự.  “Hơn 10 năm qua chưa có năm nào hạn nặng như năm nay. Nhà tôi có 4 sào ruộng, hôm trước mới gieo được 1 sào thì giờ mạ chết hết vì nước bị xâm mặn. Nắng như thế này đến người còn không chịu nổi huống chi là lúa”. Đứng giữa cái nắng như thiêu đốt, bà Phan Thị Hằng (thôn Uyên Phong, xã Châu Hóa) than thở.

Khát nước sinh hoạt

Không chỉ thiếu nước sản xuất, nguồn nước sinh hoạt của người dân ở xã Đức Hóa cũng đang bị thiếu trầm trọng. Để có nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải mang xô chậu đi xin ở những nhà gần núi có giếng nước sâu, có mạch.

Bà Đoàn Thị Lân (thôn Phú Ngọc, xã Đức Hóa) cho biết, giếng nước nhà bà sâu 15 m. Như mọi năm, phải sử dụng đến hết tháng 8, cũng là lúc trời có mưa. Nhưng năm nay mới đầu tháng 6 mà nước dưới giếng đã khô cạn. “Đến nước uống còn đi xin từng bình huống chi là nước bơm vào ruộng sản xuất”, một người dân ở xã Đức Hóa nói.

Theo ông Trần Đức Vân, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, toàn xã có 11 thôn thì mới có 4 thôn có nước sạch. Còn lại phải uống nước khe, nước sông, nước giếng nhưng năm nay khô hạn nên nhiều người dân bị thiếu nước sinh hoạt. Đến nay, toàn xã vẫn còn 75/137 ha đất ruộng chưa gieo trồng được vì thiếu nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.