(iHay) Có lẽ, những gì đọng lại sau bộ phim Chappie không chỉ là hình ảnh chú robot dễ thương mang cảm xúc như con người, mà còn là cảm giác băn khoăn về cái chết của nhân loại trong tương lai.
>> Sơn Tùng của Chàng trai năm ấy và Wanbi Tuấn Anh
|
Bộ phim Chappie của đạo diễn Neill Blomkamp xoay quanh chú robot Chappie, một sản phẩm trí tuệ của kỹ sư Deon Wilson (Dev Patel). Robot Chappie không chỉ có tư duy như con người mà còn mang suy nghĩ, cảm xúc và tình cảm. Trước đó, vì thành công trong việc cho ra đời hàng loạt robot cảnh sát mà Deon trở thành “cái gai” trong mắt của một đồng nghiệp khác là Vincent Moore (Hugh Jackman). Sau khi được phép kích hoạt robot Moose, Vincent đã dùng nó để tiêu diệt Deon, Chappie và những người bạn của Chappie.
Đầu tiên, Vincent điều khiển Moose giết chết Yankie (người dõi theo từng bước “trưởng thành” của Chappie), sau đó bắn Deon và Yolandi (người Chappie xem như mẹ). Chappie cũng cận kề cái “chết” vì lượng pin không thể thay của chú đang dần cạn kiệt. Nhiều khán giả đến rạp người nuối tiếc, kẻ hụt hẫng, có người còn thốt lên “phim gì mà chết hết vậy?”. Nhưng Chappie không dừng lại ở đó, bộ phim đã có một cái kết bất ngờ.
Chappie từng được Yolandi chia sẻ rằng: khi con người chết đi, chỉ là chết về thể xác, còn tâm hồn bên trong vẫn tồn tại. Tư tưởng này đã giúp Chappie nghĩ ra cách “cứu sống” Yolandi và Deon.
Và đây là cái kết của phim: Chappie chuyển trí tuệ của Deon sang một robot khác, trong lúc anh đang trút những hơi thở cuối cùng. Trước đó, cậu cũng sao lưu trí tuệ của Yolandi vào một chiếc USB, nên sau khi chôn cất cô, cậu đã đưa trí tuệ của “mẹ” vào một robot được thiết kế riêng, có hình dáng gần giống như Yolandi.
|
Chi tiết sao lưu trí tuệ vào USB có thể làm bạn nhớ đến phim Lucy của đạo diễn Luc Besson. Nhân vật Lucy trong phim là người có thể sử dụng hết 100% công năng của bộ não và tự sao lưu trí tuệ của mình vào USB. Đây là một trường hợp cá biệt vì người bình thường chỉ có thể sử dụng tối đa 10% bộ não. Quan trọng hơn là khi đạt đến 100% công năng não bộ, tuổi thọ của Lucy chỉ còn tính bằng giờ. Có lẽ nhân loại không cần tìm cách làm cho trí tuệ của mình siêu việt, sao lưu lại để rồi chết đi.
|
Một bộ phim có ý tưởng “sao lưu bộ não” khác là Transcendence của đạo diễn Wally Pfister. Nhân vật chính của phim, Will Caster, được vợ lưu lại “bộ não” vào cỗ máy PINN trước khi chết. PINN là một sản phẩm trí tuệ nhân tạo do chính Will nghiên cứu, có khả năng giao tiếp, nhận thức và sáng tạo giống như con người. Điều này làm người xem thật sự hoang mang không biết trí tuệ của Will đang “ở nhờ” trong máy tính hay PINN đã sao chép và tái hiện một cách hoàn hảo trí não của Will.
So với Lucy và Transcendence, Chappie mang đến một tương lai gần hơn, rõ ràng hơn, khiến cho bạn được phép tin vào một hướng đi mới cho “cái chết của nhân loại". Lúc ấy, con người sẽ chỉ chết “phần xác”, còn bộ não của họ được lưu lại và “sống” mãi.
Mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã cho ra đời những robot có ngoại hình hệt như người thật. Chúng có cơ nhân tạo, được lắp răng giả, tóc, con ngươi và được bọc bên ngoài bởi một lớp da nhân tạo làm từ loại silicon đặc biệt. Nếu kết hợp “ngoại hình con người” nhân tạo này và bộ não được sao lưu lại thì rõ ràng ước mơ bất tử của nhân loại sắp trở thành sự thật.
Cụ thể, cứ hình dung thế này: khi còn sống, bạn chỉ cần sao lưu toàn bộ trí não của mình vào một USB. Sau đó, bất cứ khi nào bạn qua đời, dù là chết do tai nạn hay tuổi già, người thân của bạn chỉ cần đặt hàng một chú robot, đắp lên nó một lớp da nhân tạo, cố gắng tạo hình sao cho giống bạn nhất, truyền dữ liệu não của bạn vào robot. Vậy là xong, bạn lại “sống”, tất nhiên là “tồn tại” dưới một dạng thức khác. Bạn bè, người thân vẫn thấy bạn làm việc, học tập, trò chuyện, thậm chí là thể hiện yêu thương với họ. Đây không chỉ là sự cứu rỗi cho bạn, mà còn là niềm vui bất tận đối với những người yêu mến bạn. Nhưng rồi việc gì sẽ xảy ra khi sự bất tử này có được nhờ trí tuệ nhân tạo?
Như dự cảm về tương lai của nhân loại, cách đây vài tháng, thiên tài vật lý người Anh Stephen Hawking đã cảnh báo về nguy cơ của trí tuệ nhân tạo: “Những dạng trí tuệ nhân tạo nguyên thủy mà chúng ta có chứng minh chúng rất hữu ích. Nhưng tôi nghĩ rằng sự phát triển trí tuệ nhân tạo toàn diện có thể dẫn đến sự kết thúc của nhân loại”.
|
Có thể bạn có cùng ý kiến với Stephen Hawking, nhưng dù bạn có thích hay không thì các nhà khoa học trên thế giới cũng đang phát triển trí tuệ nhân tạo và tìm cách sao lưu não bộ. Theo Daily Mail, nhà khoa học người Mỹ Raymond Kurzweil, người từng viết nhiều cuốn sách về trí tuệ nhân tạo và triết học siêu nhân học, đã tuyên bố: đến thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21, trong cơ thể mỗi người chúng ta sẽ có hàng nghìn nanobot (những chú robot siêu nhỏ). Các nanobot này sẽ xâm nhập vào hệ thống não bộ, tiến hành sao chép các thông tin của vùng não kiểm soát trí nhớ và thông tin. Những thông tin dưới dạng tín hiệu điện não này sẽ được truyền về bộ xử lý của máy tính để tập hợp, cập nhật và lưu giữ thông tin. Tuyên bố này cho thấy nhân loại đang tiệm cận đến thế giới của Transcendence và Chappie, dù khoảng tiệm cận ấy còn khá xa.
Thực tế, hiện nay đã có một số trang web và ứng dụng điện thoại hỗ trợ sao lưu ký ức bằng cách lưu lại tất cả những suy nghĩ, hình ảnh, sự kiện,… hàng ngày của người dùng. Cách sao lưu ký ức “thủ công” này có thể xem là bước đầu đi đến việc sao lưu toàn bộ bộ não một cách dễ dàng như phim Chappie. Một ví dụ gần gũi hơn, việc tải hình ảnh và sự kiện hàng ngày của bạn lên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google+,… cũng là một dạng thức đơn giản của việc sao lưu ký ức.
Nếu đã xem Chappie, chắc bạn có biết thông điệp của bộ phim: Humanity's last hope isn't human (Tạm dịch: Hi vọng cuối cùng của nhân loại không phải là loài người). Liệu đây có phải là lời tiên tri cho tương lai của nhân loại?
Phạm Như Quỳnh
>> Bị robot hút bụi tấn công khi đang ngủ trên sàn
>> Siêu mẫu Thanh Hằng mặc áo dài đeo cánh robot mở màn VIFW 2014
>> Robot Việt Nam chơi đàn organ cực 'đỉnh
>> Giải bóng đá robot đầu tiên tại VN
>> Lập đội robot cổ vũ bóng chày
Bình luận (0)