Chất cấm trong chăn nuôi nguy cấp như ma túy

29/10/2015 05:38 GMT+7

Các ý kiến tại hội thảo “Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi” đều bức xúc về tình trạng sử dụng tràn lan chất cấm trong chăn nuôi đang là “kẻ giết người giấu mặt” âm thầm hiện hữu trên mỗi bàn ăn của gia đình Việt, đồng thời kiến nghị phải xử lý hình sự hành vi này.

Các ý kiến tại hội thảo “Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi” đều bức xúc về tình trạng sử dụng tràn lan chất cấm trong chăn nuôi đang là “kẻ giết người giấu mặt” âm thầm hiện hữu trên mỗi bàn ăn của gia đình Việt, đồng thời kiến nghị phải xử lý hình sự hành vi này.

Các doanh nghiệp, chuyên gia chăn nuôi, người tiêu dùng tham dự hội thảo đều bức xúc về tình trạng chất cấm sử dụng tràn lan trong chăn nuôi - Ảnh: Đào Ngọc thạch
Các doanh nghiệp, chuyên gia chăn nuôi, người tiêu dùng tham dự hội thảo đều bức xúc về tình trạng chất cấm sử dụng tràn lan trong chăn nuôi - Ảnh: Đào Ngọc thạch
Hội thảo do Báo Thanh Niên phối hợp Công ty cổ phần truyền thông Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua (28.10) tại TP.HCM.
Tràn lan chất cấm
Chất cấm trong thức ăn chăn nuôi là vấn đề được toàn xã hội quan tâm và lên án mạnh mẽ bởi nó liên quan đến không chỉ sức khỏe của thế hệ chúng ta mà còn của con cháu chúng ta sau này

Ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhận định: “Chất cấm trong thức ăn chăn nuôi là vấn đề được toàn xã hội quan tâm và lên án mạnh mẽ bởi nó liên quan đến không chỉ sức khỏe của thế hệ chúng ta mà còn của con cháu chúng ta sau này. Đáng buồn hơn khi bên cạnh những doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, nỗ lực vì một ngành chăn nuôi nước nhà, lại có những trường hợp vì lợi ích trước mắt đã nhẫn tâm đầu độc người tiêu dùng bằng những chất cấm nguy hiểm”. Không chỉ vấn đề sức khỏe người tiêu dùng, ông Nguyễn Quang Thông cũng nhấn mạnh việc không cải tổ mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt với vấn nạn này, ngành chăn nuôi VN sẽ khó cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước khi VN chính thức gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo trình bày của tiến sĩ Vương Nam Trung, Trưởng bộ môn dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi (Phân viện Chăn nuôi Nam bộ), lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi đã xuất hiện nhiều từ cả chục năm nay trên thị trường, song đến năm nay thì thật sự bùng phát và gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng tại TP.HCM và vùng Đông Nam bộ. “Chỉ trong tháng 10.2015 có 14/48 trang trại chăn nuôi lợi tại Đồng Nai qua kiểm tra phát hiện sử dụng chất cấm pha trộn trong thức ăn, rồi cơ sở giết mổ lớn tại Gò Vấp sử dụng quá lượng chất tạo nạc. Tháng 9 có 3/9 mẫu dương tính với chất cấm do Chi cục Thú y TP.HCM thông tin. Chi cục Thú y TP.HCM qua lấy mẫu kiểm tra trước đó phát hiện 4/15 mẫu thịt tại siêu thị, chợ nhiễm chất cấm; 7 lô hàng thịt từ Đồng Nai, Tiền Giang, Long An cũng nhiễm chất cấm”, tiến sĩ Trung dẫn chứng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ, cho biết gia đình bà có 4 đời hành nghề giết mổ, song đôi khi có cảm giác “cô đơn” trong quyết tâm đưa sản phẩm thịt sạch giá rẻ đến tay người tiêu dùng. “Tại chợ, chúng tôi gặp áp lực khi bị yêu cầu tháo các bảng có chữ “thịt sạch” và bảng giá trên các quầy sạp xuống vì sẽ khiến người đi chợ không ngó ngàng đến những quầy hàng khác. Tôi thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng sớm can thiệp để người bán hiểu việc làm ý nghĩa này và thúc đẩy tăng nguồn cung thịt sạch nhiều hơn”, bà Thắm nói. Công ty An Hạ cũng là DN đầu tiên tại VN bao tiêu toàn bộ heo sạch từ 646 hộ chăn nuôi đạt chứng nhận VietGap tại Củ Chi và Hóc Môn.

Đây là nhiệm vụ của nhiều bộ ngành và phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Nó nguy hiểm như tội mua bán ma túy nên cần cả Bộ Công an vào cuộc

Ông Nguyễn Xuân Dương,
Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi

Đại diện phía Công ty TNHH MTV Vissan cũng cho biết, chỉ cần cho động vật ăn vào với liều lượng 1.000 - 6.000 mg các chất hóc môn kích thích tăng trưởng thuộc nhóm ß2-agonist (Clenbuterol, Sabutamol và Ractopamine), những chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, mỗi ngày sẽ khiến động vật tăng lượng siêu nạc, giảm mỡ đáng kể, da bóng mượt do các chất này kích thích tuyến thượng thận của động vật làm việc nhiều. Theo Vissan, nhóm chất trên là những chất độc hại đã bị Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề nghị không sử dụng trong chăn nuôi. Các nhà khoa học cũng cảnh báo lượng tồn dư chất này trong thịt gia súc sẽ gây nguy hại cho người sử dụng. “Tuy nhiên, nó đang được nhiều cơ sở chăn nuôi lạm dụng tràn lan và đưa heo vào các cơ sở giết mổ lậu để tuồn ra thị trường, lẫn lộn thịt có chất lượng, thương hiệu. Điều này ảnh hưởng lớn đến uy tín các nhà kinh doanh thịt heo sạch”, đại diện Vissan nhấn mạnh.
Liên quan đến sử dụng chất cấm, theo trình bày của ông Kiều Minh Lực, Giám đốc Di truyền giống Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam, heo thịt trước khi xuất bán 2 tuần phải cắt hoàn toàn kháng sinh. “Chúng tôi nhận thức rất rõ tác hại của việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi và khẳng định tuyệt đối không sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi”, ông Lực cho biết.
Hình sự hóa tội sử dụng chất cấm độc hại
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, cho rằng nếu phát hiện việc sử dụng chất cấm, kháng sinh quá liều thì không cho đơn vị đó xuất bán sản phẩm ra thị trường trong thời gian 3 - 6 tháng, nêu rõ tên tuổi địa chỉ cơ sở trên các phương tiện đại chúng để răn đe. Chưa hết, theo ông Lịch, hình thức xử phạt cao nhất là đóng cửa nhà máy từ 6 tháng đến 1 năm đối với những DN sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng chất cấm. “Tuy nhiên, mạnh hơn nữa, tôi đề nghị bổ sung vấn đề này vào luật Hình sự, nên nâng lên pháp lệnh thức ăn chăn nuôi hoặc luật thức ăn chăn nuôi mới xử lý hình sự được”, ông Lịch bức xúc.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cũng đề nghị "vận dụng hình phạt cao nhất ở mức cao nhất, đánh mạnh vào kinh tế, tội ác sẽ chùn tay hơn. Bên cạnh đó, các công ty và cơ quan quản lý cần tổ chức dây chuyền nuôi mổ khép kín cho nhà nông, tạo nguồn lợi nhuận ổn định, đầu ra ổn định, chắc chắn sẽ thuyết phục người nuôi heo thực hiện sản xuất đúng quy định pháp luật”.
Trong vai trò đơn vị trực tiếp kiểm tra và xử lý vi phạm, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho rằng việc để cho các chất cấm tuồn vào “tung hoành” tại thị trường VN phần lớn trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên trách “gác cửa” nhập khẩu các chất cấm này. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (đại diện Bộ NN-PTNT), trong phát biểu kết thúc hội thảo, hoàn toàn đồng ý với những đề xuất và đánh giá cao việc Báo Thanh Niên tổ chức kịp thời hội thảo, đúng thời sự và hỗ trợ lớn nhất là giúp tuyên truyền, báo chí cùng người dân đồng hành trong công cuộc nói không với chất cấm. Ông Dương khẳng định: “Đây là nhiệm vụ của nhiều bộ ngành và phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Nó nguy hiểm như tội mua bán ma túy nên cần cả Bộ Công an vào cuộc, bởi nguy hiểm lớn nhất là ảnh hướng đến sức khỏe cộng đồng, thứ hai là cạnh tranh với các nước trên thế giới. Tình trạng này đáng báo động quá rồi, lại hết sức phức tạp bởi diễn ra trên phạm vi cả nước. Điều đáng nói là những người chăn nuôi chân chính chịu số phận chung với những người chăn nuôi bất lương. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đã có một số chỉ đạo về việc này và sắp tới, kết hợp với các tỉnh thành, chúng ta phải làm quyết liệt hơn nữa”.
Công khai đơn vị vi phạm trên báo chí
Theo ông Tạ Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Proconco, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là vấn đề liên quan đến đạo đức kinh doanh. “Là nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi có thương hiệu tại VN hơn 20 năm, chắc chắn chúng tôi không bán rẻ thương hiệu để làm những việc như bỏ chất cấm vào thức ăn chăn nuôi. Chúng tôi cũng khuyến cáo các khách hàng của mình không kinh doanh hay sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Về phía cơ quan quản lý, việc tăng cường quản lý kinh doanh và sử dụng chất cấm trên thị trường nên được thực hiện thường xuyên và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần có những chiến dịch khuyến khích nhà chăn nuôi sạch, tạo sản phẩm có giá trị tiêu dùng. Công tác tuyên truyền cho việc này tôi nghĩ rất quan trọng”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh: “Khi phát hiện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, xử phạt bằng tiền phải vận điều luật phạt cao nhất, hoặc tiêu hủy toàn bộ sản phẩm có mẫu xét nghiệm dương tính. Thứ ba là đưa thông tin lên truyền thông đại chúng. Đây là công tác tuyên truyền có tính răn đe hiệu quả. Bởi mất uy tín trong kinh doanh là điều khó lấy lại được. Về phía gia đình, khi làm việc này họ cũng sẽ ngại vì nếu truyền thông đưa tin rầm rộ, hổ thẹn với con cháu, bạn bè”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.