Chất vấn phải bật ra giải pháp

16/11/2015 07:15 GMT+7

Từ sáng nay 16.11, Quốc hội bắt đầu thực hiện chất vấn các thành viên Chính phủ cho đến hết buổi sáng ngày 18.11.

Từ sáng nay 16.11, Quốc hội bắt đầu thực hiện chất vấn các thành viên Chính phủ cho đến hết buổi sáng ngày 18.11.

ĐBQH Dương Trung Quốc - Ảnh: Ngọc Thắng ĐBQH Dương Trung Quốc - Ảnh: Ngọc Thắng
Kỳ chất vấn này, cách thức chất vấn được thay đổi: Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ không chất vấn một số thành viên Chính phủ được lựa chọn như các kỳ họp trước mà sẽ chất vấn theo vấn đề ĐB quan tâm.
Đừng biến chất vấn thành một cái thử sức với các bộ trưởng mặc dù đúng là qua đó cũng thấy năng lực của bộ trưởng và cả năng lực của đại biểu nữa. Nhưng quan trọng là qua chất vấn phải bật ra được những vấn đề để tìm được giải pháp xử lý
Người phát biểu
PV Thanh Niên đã phỏng vấn ĐBQH Dương Trung Quốc về hoạt động chất vấn kỳ họp này.
Ông có cho rằng cách thức chất vấn mới lần này có thể đem lại hiệu quả hơn các kỳ trước?
Tôi hy vọng là sẽ tốt hơn. Nhìn lại cách chất vấn theo truyền thống, các vị bộ trưởng trả lời xong, kỳ họp cuối năm Thủ tướng cũng tham gia trả lời với thời lượng hạn chế thì rõ ràng lâu nay đã sớm bộc lộ bất cập. Những vấn đề nóng trong đời sống, thường các bộ trưởng không giải quyết được hết với năng lực, chức năng của họ. Nhưng cũng có nhiều việc mà nhiều bộ cùng có chức năng quản lý. Dẫn đến khi trả lời, mỗi bộ trưởng còn phiến diện và không tạo ra giải pháp, do đó nhiều khi, ngay cả có những lời hứa thì cũng như để nói cho xong. Nên cá nhân tôi, cũng đã phát biểu nhiều lần rồi, với thời lượng chất vấn một kỳ họp, với mối quan tâm lớn của xã hội như vậy, chỉ nên nêu một số vấn đề nóng nhất, người trả lời nên là cấp phó thủ tướng trở lên và tất nhiên, phía sau là các bộ trưởng có liên quan. Để bất cứ vấn đề nào xới lên thì nó có sự thống nhất chung, cung cấp thông tin và tìm ra giải pháp. Làm như thế thì việc thực hiện lời hứa mới có tính khả thi hơn và tập trung được vào một số vấn đề cơ bản. Tránh tình trạng dàn trải với nhiều bộ khác nhau.
Ta có rất nhiều thời điểm chất vấn, không chỉ ở QH mà ở các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ QH, ở hội nghị ĐBQH chuyên trách. Cách làm đó sẽ đa dạng hơn, kịp thời hơn đáp ứng yêu cầu giải đáp thường xuyên của người dân, cử tri. Tôi hy vọng với cách tổ chức chất vấn lần này có thể gợi cho chúng ta một số giải pháp tích cực để nhiệm kỳ sau có thể biến nó thành một phương thức chất vấn khác.
Có vẻ như hoạt động chất vấn lần này nặng tính đánh giá trách nhiệm theo nhiệm kỳ?
Tất nhiên là rơi vào thời điểm này nó có thể xảy ra và theo tôi cũng là tốt thôi. Nhưng quan trọng vẫn là ở đầu vào, cách đặt câu hỏi như thế nào. Trước đây Văn phòng QH hay thăm dò chất vấn ai nhưng theo tôi bây giờ nên thăm dò là ĐB sẽ chất vấn cái gì. Để lựa chọn trong 2 ngày rưỡi chất vấn chỉ 4 - 5 vấn đề lớn.
Như ông, kỳ chất vấn này ông sẽ quan tâm, chất vấn vấn đề gì?
Tôi quan tâm đến vấn đề giáo dục, như vấn đề môn sử trong chương trình đào tạo. Nếu qua chất vấn giải tỏa được thì tốt. Nhưng có những vấn đề bức xúc, xảy ra trước mắt hằng ngày mà chưa được giải quyết như tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra công khai, hằng ngày ở nhiều dòng sông nhưng việc quản lý lại cắt ra từng xã, từng huyện. Cấp phép khai thác tài nguyên thế nào mà đứt đoạn thế. Mà chúng ta dễ thấy, thượng lưu mà bị phá hoại thì hạ lưu bị ảnh hưởng thế nào? Chuyện này kéo dài nhiều năm nay rồi mà quản lý bất lực. Đó là điều hết sức vô lý.
Rõ ràng là cần có sự chuẩn bị tốt, đưa ra các vấn đề thay vì cứ phải lựa chọn chất vấn ai.
Là một ĐBQH rất tích cực ở các phiên chất vấn, ông thấy ấn tượng với bộ trưởng nào, không chỉ trong cách trả lời của họ mà cách họ giải quyết vấn đề sau chất vấn?
Tôi thấy có nhiều. Nhưng nó cũng tùy từng ngành. Như ngành giao thông thì dễ thấy với một công trình, một tuyến đường nêu ra có vấn đề là ông bộ trưởng có thể vào cuộc ngay. Nhưng có những vấn đề khó, không dễ giải quyết ngay được như làm thế nào để có được một bữa ăn an toàn thì ông Bộ trưởng Bộ NN-PTNT hay bà Bộ trưởng Bộ Y tế khó đảm bảo được. Hay như chất vấn Bộ trưởng KH-ĐT, Bộ trưởng dám nói, nắm rất chắc, mà biết cách nói, tính thuyết phục rất cao nhưng lĩnh vực đó lại không thể hiện trên thực tế ngay được. Mỗi người có cách thể hiện riêng, không nên so sánh một cách tuyệt đối.
Nên chúng ta cũng cần có đánh giá khách quan vì mỗi ngành có đặc thù riêng của nó. Chúng tôi cũng muốn nói là đừng biến chất vấn thành một cái thử sức với các bộ trưởng mặc dù đúng là qua đó cũng thấy năng lực của bộ trưởng và cả năng lực của ĐB nữa. Nhưng quan trọng là qua chất vấn phải bật ra được những vấn đề để tìm được giải pháp xử lý.
Tôi vẫn nói với các bộ trưởng là anh nên thoát ra khỏi cái tâm thế là “bị” đi mà là “được” chất vấn, coi như cơ hội để anh bảo vệ được quan điểm của mình, và chia sẻ, thuyết phục cử tri để có sự đồng thuận chung.
Có thể chất vấn bất kỳ thành viên nào
Trong tuần làm việc từ 16-20.11, Quốc hội (QH) sẽ dành một nửa thời gian (2 ngày rưỡi) cho hoạt  động chất vấn. Hoạt động chất vấn trong kỳ họp này như Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ có sự đổi mới so với các kỳ họp trước.
Cụ thể, trong thời gian chất vấn, tất cả các thành viên Chính phủ đều phải có mặt và các ĐBQH có thể chất vấn bất kỳ thành viên nào của Chính phủ liên quan đến các vấn đề còn tồn tại cũng như các vấn đề quan tâm. Theo chương trình do VPQH công bố, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời ý kiến của ĐBQH (nếu có).
Trước phiên chất vấn, QH sẽ nghe một loạt các báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao và Viện KSND tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015. Bên cạnh đó là các báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của QH về nội dung trên và báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ QH khóa 13 đến 2015 cũng sẽ được trình bày.
Trong tuần, các ĐBQH cũng sẽ nghe các báo cáo liên quan và thảo luận về luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, luật Dược (sửa đổi). Một số dự án luật khác cũng được thảo luận trong tuần này gồm có luật Đấu giá tài sản, luật Về hội, luật Tín ngưỡng, tôn giáo. QH cũng sẽ bàn thảo các nội dung của dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định thừa phát lại, Nghị quyết về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ba dự án luật dự kiến sẽ được QH biểu quyết thông qua trong tuần này gồm có: luật An toàn thông tin mạng, luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND và luật Kế toán (sửa đổi).
Trường Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.