Chất vấn tại Quốc hội: Nóng lòng cứu đắm Vinashin

24/11/2010 03:43 GMT+7

Sẽ công khai kết quả kiểm điểm trách nhiệm liên quan Được giao trả lời 3 nhóm vấn đề cơ bản về hạ tầng giao thông, an toàn giao thông và trách nhiệm quản lý với Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin, song phiên chất vấn vào chiều hôm qua 23.11 đối với Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng chỉ “nóng” với vấn đề Vinashin và đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Không trả nợ Vinashin bằng ngân sách

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho biết trong văn bản trả lời, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng con số nợ 100.000 tỉ đồng của Vinashin là không chính xác. Nhưng theo ông Thuyết, số nợ này lấy từ báo cáo Chính phủ. Số liệu của kiểm toán KPMG tính toán chưa đầy đủ thì Vinashin đã nợ 96.000 tỉ”.

 Bộ Chính trị đã đề nghị kiểm điểm Trách nhiệm nghiêm túc từ người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng đến các Phó thủ tướng, những lãnh đạo tập đoàn. Ủy ban Kiểm tra T.Ư đang kiểm điểm một cách nghiêm túc, sẽ công khai trước công luận

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng

“Số nợ 86.565 tỉ có lớn lên theo thời gian không, có phải trả lãi không. Nếu vay lãi 16%/năm nợ gốc cộng lãi phải là 100.415 tỉ đồng, nếu lãi 19%/năm nợ gốc cộng lãi là 103.012 tỉ đồng, mỗi ngày mở mắt phải trả 30 tỉ tiền lãi cho số nợ của Vinashin. Nếu Chính phủ khoanh nợ không phải trả lãi, ai phải chịu? Nhà nước chịu, nhân dân chịu. Có đàm phán được với các đối tác nước ngoài để họ có khoanh nợ cho mình không, xin Bộ trưởng cho biết?”, ông Thuyết đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Thuyết, báo cáo Chính phủ từng cho biết một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng của Vinashin là do báo cáo không chân thực với Chính phủ. Do vậy, cần, phải có báo cáo kiểm toán của tập đoàn này.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết - ảnh: Ngọc Thắng

Đáp lại câu hỏi trên, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói: “Việc lỗ bao nhiêu, các cơ quan đang tiếp tục làm. Nhưng tôi khẳng định không có câu chuyện lỗ 100.000 tỉ. Vinashin nợ 86.000 tỉ đồng, đã là DN phát triển phải có vay có nợ, Vinashin làm đóng tàu phải có vay để đầu tư phát triển, nợ trong đầu tư và dự án đóng tàu dở dang trong vay vốn đầu tư và vốn lưu động. Bất thường của Vinashin là nợ vượt quá cao tỷ lệ cho phép, nợ trên vốn chủ sở hữu quá cao, tới 11 lần (thông thường 3, 4 lần là an toàn), mất an toàn, khả năng sẽ bị phá sản. Nhưng không có nghĩa số nợ là số lỗ, số nợ này đang nằm trên tài sản hiện hữu của Vinashin, có 28 cơ sở đóng tàu, 14 cơ sở đang đầu tư dở dang, hàng chục hợp đồng đóng tàu"…

“Nhà nước bằng cơ chế, đúng pháp luật hỗ trợ Vinashin các điều kiện tiếp cận vốn duy trì sản xuất, lành mạnh dần tài chính của Vinashin qua tái cơ cấu. Vinashin phải bằng hoạt động kinh doanh trả nợ, Nhà nước không dùng ngân sách để trả nợ cho Vinashin”, ông Dũng khẳng định.

Mất 3-4 năm để vực dậy

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng - ảnh: Ngọc Thắng

Trước hàng loạt chất vấn của ĐBQH, với cương vị Trưởng ban Tái cơ cấu Vinashin, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đăng đàn để giải thích rõ hơn về tiến trình tái cơ cấu Vinashin, thời gian bao lâu và làm thế nào để tập đoàn này trả nợ. Theo Phó thủ tướng, sản xuất kinh doanh Vinashin đang bắt đầu phục hồi 130 con tàu vẫn giữ được hợp đồng, 28 nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại… Năm nay đóng được 66 tàu (kế hoạch chỉ đạo là 57 tàu), sẽ có giá trị doanh thu gần 600 triệu USD, cộng doanh thu ngành công nghiệp phụ trợ, doanh thu cả năm của Vinashin khoảng 14.000 tỉ đồng.

“Sản xuất kinh doanh phục hồi, tàu đóng được, bán được có tiền trả nợ, nợ dài hạn, ngắn hạn. Còn khoảng 20% tổng tài sản là 216 doanh nghiệp sẽ phải tái cơ cấu bằng nhiều biện pháp, hoặc cổ phần hóa, bán nợ, cho thuê…, nhưng không vội vàng làm một lúc, bán tống tháo, mà từng bước tái cơ cấu. Tôi tin có khoản mất, nhưng chung lại sẽ có lời”, Phó thủ tướng khẳng định.

Cũng theo Phó thủ tướng, khoản nợ Vinashin gánh, nếu thị trường vận tải phục hồi nhanh, giá vận tải biển, đóng tàu tăng lên, nếu tiếp tục đội ngũ quản trị kinh doanh của tập đoàn tốt, làm ăn có hiệu quả, trước mắt năm nay Vinashin sẽ tiếp tục lỗ, nhưng sang năm 2011 sẽ lỗ ít hơn, năm 2012 có thể đứng vững giảm lỗ được, và từ năm 2013-2014 có thể có lãi.

Về khoản 750 triệu USD Chính phủ vay cho Vinashin vay lại, riêng về lãi, tính đến nay Vinashin có 9 kỳ trả lãi, Vinashin đã trả lãi đầy đủ. Về nợ gốc, năm 2016 phải trả nợ gốc, sẽ tiếp tục theo dõi giám sát để có nguồn trả nợ

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh

Việc điều tra, xử lý vi phạm liên quan đến Vinashin đã và đang được tiến hành, những người cố ý làm trái, vi phạm sẽ phải xử lý theo quy định pháp luật.

“Tái cơ cấu Vinashin phải qua ba bước: củng cố, ổn định mới đến phát triển được, phải mất 4, 5 năm, không đơn giản chút nào. Chúng tôi không chủ quan, thiên thời tốt là thị trường thế giới phục hồi, địa lợi tốt vì chúng ta có biển, nhân hòa là QH, nhân dân ủng hộ chúng ta sẽ thành công”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng KHĐT Võ Hồng Phúc

Bộ KHĐT đã làm tròn nhiệm vụ trong vấn đề Vinashin, chúng tôi không có trách nhiệm gì mà phải chịu trách nhiệm. Chúng ta làm thí điểm tập đoàn, luật về hoạt động của tập đoàn nhà nước cũng ở giai đoạn làm thí điểm. Chúng tôi chấp hành luật, về xây dựng luật có sai, cơ quan chỉnh sai là Chính phủ, cơ quan thẩm định luật sai, mỗi ĐBQH bấm nút về luật sai cũng phải chịu trách nhiệm. Khi luật ban hành, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Huy Ngọ bấy giờ nói với tôi “bọn mình như đười ươi giữ ống”, Bộ quản lý ngành, luật thông qua nhưng sơ hở nhiều quá, quyền ở chủ tịch HĐQT tập đoàn được quyết định hết.

ĐB Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam)

Trả lời như Bộ trưởng Võ Hồng Phúc là không được. Nói như vậy là QH chịu trách nhiệm cả; bản thân Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp là Bộ KH-ĐT phải trình ra Chính phủ và QH sửa Luật Doanh nghiệp, một nghị quyết về hoạt động của tập đoàn. Bộ trưởng nói phát hiện được nhưng vướng luật, tại luật. Năm ngoái sửa luật, dùng quy tắc “một luật sửa nhiều luật”, trong đó có luật DNNN, Bộ biết chuyện sao không trình QH để xử lý.

Bài toán khó về tài chính, tiền tệ

Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc kiềm chế lạm phát, quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là vấn đề nổi bật trong phiên chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh sáng qua 23.11.

Tăng cường quản lý giá, chống nạn chuyển giá

 Không có chuyện chi 94.000 tỉ đồng cho Đại lễ
ĐB Nguyễn Lân Dũng chất vấn về việc có hay không ngân sách nhà nước đã chi cho đại lễ 94.000 tỉ đồng và cấp ngân sách mua 2.000 viên rubi gắn vào 1.000 con rồng làm tặng phẩm? Bộ trưởng Ninh khẳng định Bộ chỉ chi trực tiếp từ ngân sách T.Ư 218 tỉ đồng cho đại lễ, còn chi phí từ ngân sách địa phương đang chờ báo cáo cụ thể, nhưng nguồn chi cũng không lớn. Bộ trưởng Ninh khẳng định không có con số 94.000 tỉ đồng. Nếu cộng cả chi phí xây dựng, đầu tư các dự án chào mừng 1.000 năm Thăng Long là không phải vì nếu không có đại lễ cũng vẫn phải làm. Việc mua 2.000 viên rubi là thông tin nhận được từ dư luận là do một công ty cổ phần mỹ nghệ mà Bộ trưởng cũng chưa biết DN đó ở đâu, như thế nào; 1.000 con rồng gắn ngọc, nếu có là bằng tiền của DN, còn gắn bao nhiêu và gắn như thế nào Bộ trưởng cũng không được rõ.

Liên quan đến vấn đề giá cả, kiểm soát lạm phát, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) băn khoăn việc Bộ Tài chính có giải thích nguyên nhân do giá cả thế giới tăng nhưng nhiều nước hội nhập sâu rộng vẫn giữ được CPI thấp như Indonesia dự kiến dưới 5%, Philippines dự kiến cả năm 5,1%... Bộ trưởng Ninh giải thích tăng giá do nhiều nguyên nhân, trong có nguyên nhân từ mức độ hội nhập lớn, nền kinh tế phải nhập 75% nguyên liệu, nhiên liệu dẫn tới nhập siêu cao nên giá thế giới tăng thì giá trong nước tăng.

Ngoài ra, trong nước có chịu thiên tai, dịch bệnh, nhu cầu sức mua cũng tăng, thị trường tiền tệ, lãi suất tỷ giá. Bên cạnh đó, sản xuất trong nước năng suất thấp, chất lượng chưa cao, chi phí chưa cạnh tranh cũng tác động tới yếu tố giá. Thậm chí, ngay bản thân VN còn một số mặt hàng chưa theo giá thị trường, nên phải có lộ trình điều chỉnh theo giá thị trường. Như điện, than bán cho điện (76% đến 80% giá thành), than bán cho giấy, phân bón và xi măng (80% giá bán thị trường), khi điều chỉnh sẽ có tác động khiến giá cả tăng.

ĐB Hùng vẫn tiếp tục: yêu cầu Bộ cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này. Bộ trưởng Ninh thừa nhận, Bộ vẫn đang tăng cường quản lý, nhất là thời điểm trong dịp Tết, trong đó yếu tố quan trọng đảm bảo cung - cầu hàng hóa, không để thiếu hàng. Ngoài ra, sẽ tích cực kiểm tra việc đăng ký, kê khai niêm yết giá tại các địa phương, ứng vốn ngân sách để tham gia bình ổn giá.

Hiện tại nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương, đều đang ở mức dưới 50% GDP. Hiện không có khoản nợ nào quá hạn và trong năm 5-10 năm tới vẫn trong an toàn. Tuy nhiên, trong dài hạn cần cẩn trọng hơn, khi cơ cấu nợ thay đổi, nhất là vốn ODA giảm dần, vốn vay thương mại tăng lên sẽ gây áp lực lớn đối với việc trả nợ của quốc gia. (Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh)

Trả lời câu hỏi của ĐB Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) xung quanh việc lập quỹ bình ổn giá xăng dầu sai pháp lệnh giá, UBTV Quốc hội cũng kiến nghị bãi bỏ quỹ này vì không có tác dụng và người dân vẫn bị thiệt do phải đóng 300 - 500 đồng/lít xăng, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh vẫn bảo lưu quan điểm rằng “quỹ bình ổn đang giám sát chặt chẽ, bước đầu đã thành công”.

Chất vấn của ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình), nêu về tình trạng có nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài FDI báo cáo lỗ để tránh nộp thuế nhập nguyên liệu đầu vào từ công ty mẹ với giá cao rồi xuất hàng sang các nước có thuế suất thấp. Danh nghĩa là lỗ công ty con, nhưng lãi cực lớn ở công ty mẹ. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: “Chúng tôi đã thanh tra 127 doanh nghiệp FDI lỗ nhiều liên tục trong 3 năm cũng đã phát hiện khai lỗ không đúng là 1.450 tỉ, truy thu vào ngân sách. Hiện nay cũng vẫn đang tiếp tục triển khai một chương trình thanh tra toàn diện đối với doanh nghiệp FDI, đối chiếu với các chứng từ từ đầu vào và đầu ra, tham vấn giá trên thị trường thế giới; thực hiện việc chống chuyển giá. Trong năm tới sẽ tiếp tục thực hiện công việc này mạnh mẽ hơn”.

Chưa xác định được giá trị thực của tài sản Vinashin

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh - Ảnh: Ngọc Thắng

Dù tổng tài sản của Vinashin đã được báo cáo hiện còn lại 104.000 tỉ đồng, khoản nợ 86.000 tỉ đồng, nhưng với việc mua sắm nhiều tàu thiết bị cũ, đầu tư dàn trải trong suốt 4 năm, nhiều dự án dở dang khiến ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) vẫn tỏ ra băn khoăn về giá trị thực của Vinashin hiện tại và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính xác nhận lại cho rõ.

Bộ trưởng Ninh cho biết, khoản nợ trên đang nằm trong tài sản hiện có của Vinashin, không bị mất hết. Hiện nay, tài sản đang tiếp tục hình thành trong từng dự án, nhà máy, trong số 110 nhà máy có 28 nhà máy hoạt động tốt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ninh thừa nhận trong quá trình vay và huy động vốn Vinashin đã sử dụng sai mục đích, vi phạm quy định khi mua một số tài sản, máy móc. Việc xác định thực tế, chứ không phải trên sổ sách, mất bao nhiêu so với giá trị tài sản, đang được các đơn vị kiểm toán tiến hành. “Sau khi có số liệu từ kiểm toán, lúc bấy giờ mới trả lời được câu hỏi ĐB nêu”, Bộ trưởng Ninh nói. Ông khẳng định về tài sản của Vinashin là không mất hết, chắc chắn là không mất hết.

 Hiện tại nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương, đều đang ở mức dưới 50% GDP. Hiện không có khoản nợ nào quá hạn và trong năm 5-10 năm tới vẫn trong an toàn. Tuy nhiên, trong dài hạn cần cẩn trọng hơn, khi cơ cấu nợ thay đổi, nhất là vốn ODA giảm dần, vốn vay thương mại tăng lên sẽ gây áp lực lớn đối với việc trả nợ của quốc gia. (Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh)

ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) đề cập tới trách nhiệm của Bộ Tài chính dù phát hiện những sai phạm nhưng để kéo dài, không xử lý. Đơn cử là việc mua tàu Bạch Đằng Giang không có hồ sơ lai lịch, không sử dụng được, mua 9 tàu vận tải biển không đăng ký, với số tiền lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

Đáp lại, Bộ trưởng Ninh dẫn các quy định luật và nghị định về việc giao quyền tự chủ cho các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có quyền được tự huy động vốn, tự chịu trách nhiệm trả nợ, trừ khoản vay Chính phủ bảo lãnh. Bốn lần thanh kiểm tra Vinashin, Bộ cũng đã phát hiện ra các sai phạm, yêu cầu Vinashin chấp hành kiến nghị của thanh tra nhưng Vinashin có việc tuân thủ theo, có việc không thực hiện nghiêm túc. “Bộ có phát hiện ra, có báo cáo Thủ tướng nhưng Vinashin thực hiện không nghiêm túc. Đây là bài học lớn trong công tác thanh tra, giám sát thực hiện kết luận thanh tra các tập đoàn”, Bộ trưởng Ninh thừa nhận.

ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) - Ảnh: Ngọc Thắng

Cho rằng Bộ trưởng vẫn chưa trả lời rõ, chưa nhận rõ trách nhiệm của Bộ đối với việc quản lý vốn tại Vinashin, ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) tiếp tục: “Tôi vẫn chưa thấy rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý vốn nhà nước theo chức năng của Bộ”. Bộ trưởng Ninh tiếp tục khẳng định theo luật doanh nghiệp (DN) nhà nước, DN nhà nước huy động vốn tự vay, tự trả. Quyết định đầu tư cụ thể không phải báo cáo bộ chủ quản và bộ quản lý chức năng.

Chống đầu cơ vàng, kiểm soát nhập siêu

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, có nhiều nguyên nhân tăng giá vàng, trong đó có 2 nguyên nhân chủ yếu: Một là các nước có nền kinh tế lớn gần đây họ đã điều chỉnh một số chính sách kinh tế; Hai là sự đầu cơ của các nhà đầu cơ trên thế giới về vàng rất quyết liệt. Đối với trong nước, gần đây hoạt động kinh doanh vàng phát triển rất nhanh, xuất hiện hoạt động đầu cơ trên thị trường vàng.

Trước tình hình này chúng tôi có các giải pháp giải quyết vừa qua thì để xử lý tình thế là cho phép nhập vàng để tạo tâm lý ổn định của thị trường; điều chỉnh chính sách về quản lý vàng, quy định đối tượng để cho vay vàng hẹp hơn, nhằm quản lý tốt hơn, hạn chế đầu cơ.

Vấn đề bội chi ngân sách, đầu tư công, hiệu quả đầu tư công, vay nợ nước ngoài, nhập siêu, đang tác động đến thị trường ngoại hối.

Đặc biệt, tình hình tác động đến cung cầu ngoại tệ trên thị trường giá thị trường tự do tăng lên rất cao. Chúng tôi đề xuất với Quốc hội việc kiên quyết kiểm soát được nhập siêu cho thật tốt để ổn định kinh tế vĩ mô. Muốn kiểm soát được nhập siêu phải xem lại các chính sách của chúng ta, từ chính sách tài khóa, kể cả chính sách tiền tệ. Hai chính sách này tác động giảm cầu thì chúng ta mới giảm được nhập siêu. Đồng thời, phải tăng sản xuất đối với công nghiệp phụ trợ. Nếu công nghiệp phụ trợ phát triển chậm thì nhập siêu của chúng ta khó giảm nhanh được.

Sụt lún TP.HCM: do quản lý chồng chéo

Dẫn ra tình trạng sụt lún nghiêm trọng ở TP.HCM, ĐB Phạm Phương Thảo (TP.HCM) cho biết có tới 42 "hố tử thần" ở các tuyến nội đô dù đã được khắc phục nhưng người dân rất lo lắng. Theo ĐB Thảo, ngoài những vấn đề kỹ thuật như đường, cống thoát nước xuống cấp, còn do quản lý nhà nước chồng chéo giữa ngành GTVT và ngành XD.

“Bao giờ chúng ta có một nhạc trưởng, một mô hình về vấn đề công chánh để không chồng chéo gấp khúc như hiện nay”, ĐB Thảo chất vấn. Thừa nhận vấn đề này, nhưng Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng vẫn khẳng định Bộ GTVT không làm chủ bất kỳ công trình nào trong nội đô TP, chủ đầu tư là UBND TP.HCM và các ngành liên quan phải chịu trách nhiệm trực tiếp vấn đề này.

“Chúng tôi nhận thấy bất cập trong quản lý giữa hai bộ GTVT và XD, Sở GTCC trước làm nhiệm vụ chung, nhưng nay phân ra nên chồng chéo, nhưng vẫn đang nghiên cứu”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

 

Phát biểu bên lề QH

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Ủy viên Ủy ban Các vấn đề XH của QH: Sức mua tăng lẽ ra giá phải giảm

 
Tôi quan tâm đến tăng giá, tuy nhiên trong trả lời Bộ trưởng Vũ Văn Ninh vẫn chưa làm rõ được vấn đề này.

Bộ trưởng nói một trong những nguyên nhân tăng giá là do sức mua tăng, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán, nhưng sức mua tăng chính là cơ hội để giảm giá. Khi sức mua tăng thì nhà sản xuất kinh doanh cũng như nhà quản lý phải nhìn ở đây như là cơ hội để giảm giá chứ không phải nhìn vào đây để tăng giá được.

Nguyên nhân tăng giá, nhất là giá cả ở chợ, các mặt hàng thiết yếu, tất nhiên nói sâu xa thì do năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và chất lượng hàng hóa còn phải cố gắng nhiều, nhưng không thể cứ đổ mãi cho nguyên nhân đó được mà phải tìm nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về giá, bao gồm tuyên truyền, thông tin, kiểm tra thanh tra, xử phạt. Tôi cho rằng xử phạt về vi phạm giá thời gian qua còn ít.

ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM): Chưa yên tâm giải pháp kiểm soát giá

Những giải pháp kiểm soát lạm phát, giá cả mà Bộ trưởng Tài chính đưa ra trong phiên chất vấn sáng 23.11 vẫn khiến tôi không an tâm, còn rất lo lắng, vì tỷ giá USD lên thế, vàng như thế, một số mặt hàng giá tăng trước mắt mà biện pháp thì so với trước đây, giai đoạn kiềm chế lạm phát (2008) không có gì mới nên rất lo lắng. Cho nên các nhà kinh tế thảo luận trước kỳ họp cũng đều cho rằng nguy cơ khả năng lạm phát quay trở lại rất đáng lo.

Riêng tôi thấy không an tâm với giải pháp Chính phủ đề ra, ở tất cả các khía cạnh, ví như Bộ Tài chính nói biện pháp kiểm soát giá, xử lý nghiêm vi phạm về giá thời gian tới nhưng bây giờ đâu có kiểm soát được. Kiểm soát để người ta bán đúng giá đã không được rồi, kiểm soát giá vàng, USD cũng như thế.

Nhóm PV thời sự 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.