Chật vật đường vành đai tại TP.HCM

02/07/2020 06:23 GMT+7

Chật vật suốt hơn 1 thập niên chưa thể hoàn thiện, mạng lưới đường vành đai của TP.HCM đang tiếp tục đối mặt với khó khăn do nguồn vốn và cơ chế.

Dự án cấp bách nằm bất động

Báo cáo tại buổi làm việc mới đây cùng Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay giao thông hiện đang là thách thức lớn nhất đối với sự tăng trưởng kinh tế của TP.HCM. Tốc độ dân số tăng lên rất nhanh trong khi hạ tầng giao thông phát triển không đồng bộ, không đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến ùn tắc. Trong nhiệm kỳ vừa qua, UBND TP dự kiến xây dựng mới 172 km đường, nhưng tổng kết hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 10, khối lượng chỉ đạt được khoảng 30%. Đặc biệt theo ông Nguyễn Thành Phong, vấn đề được cả lãnh đạo TP và người dân đặc biệt quan tâm chính là việc khép kín hệ thống đường vành đai.
“Cụ thể, với đường Vành đai 3, TP nhận thức rõ có tác động rất lớn đến hệ thống giao thông đô thị, giao thông kết nối liên vùng nên đã rất chủ động, sẵn sàng tạm ứng trước 3.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng đến nay tiến độ triển khai vẫn rất chậm. Trong khi đó, việc khép kín đường Vành đai 2 được TP xác định là nhiệm vụ cấp bách nhưng đến nay đang phải đối mặt với khó khăn khi luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được thông qua, nhưng các dự án dạng BT (xây dựng - chuyển giao) vẫn chưa có hồi kết. Hệ thống đường vành đai tác động rất mạnh không chỉ tới giao thông của TP mà còn gây khó khăn trong liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh, thành khác”, ông Phong nói.
Thực tế, sau nhiều năm thi công, đường Vành đai 2 hiện vẫn còn 11 km (chia làm 4 đoạn) còn dang dở, chưa được khép kín. Trong đó, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội), đoạn 2 (từ xa lộ Hà Nội đến Phạm Văn Đồng) và đoạn 4 (từ đường Nguyễn Văn Linh đến QL1A) đang bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư công dự án. Riêng đoạn 3, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (Q.Thủ Đức) được triển khai thi công từ năm 2017 nhưng đến nay cũng đã tạm ngưng. Đoạn thứ 3 được triển khai theo hình thức BT, do Công ty CP Văn Phú, Bắc Ái làm chủ đầu tư, cũng chính là dự án đang phải ngưng thi công do chưa được ký phụ lục hợp đồng BT mà ông Phong nêu ở trên. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.527 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường GPMB hơn 1.400 tỉ đồng. Chủ đầu tư đã chuyển cho TP toàn bộ số tiền bồi thường trên nhưng đến nay vẫn còn vướng mặt bằng khoảng 20% ở khu vực Q.Thủ Đức.
Đường Vành đai 3 cũng không khá hơn. Việc triển khai các đoạn đều bị chậm so với tiến độ đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 28.9.2011. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 89,3 km đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng hiện mới chỉ làm được 16,3 km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương (chiếm tỷ lệ 17,92%).

Có lối thoát cũng khó đi

Trả lời Thanh Niên, đại diện Sở GTVT cho biết thời gian qua, TP đã tích cực triển khai nhiều dự án mở rộng cầu, đường, làm cầu vượt giải tỏa các điểm nghẽn giao thông nhưng đó chỉ là giải pháp mang tính cấp bách, giải quyết cục bộ. Hệ thống đường vành đai vừa đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc giao thông nội đô, vừa hỗ trợ giãn dân. Muốn TP.HCM thoát khỏi kẹt xe thì phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống đường vành đai cùng các công trình giao thông quy mô lớn.
Trong các tờ trình gửi Thủ tướng liên quan dự án đường Vành đai 3, Bộ GTVT cũng đã nhiều lần khẳng định việc chưa đầu tư đồng bộ hệ thống đường vành đai đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM cũng như khu vực trọng điểm kinh tế phía nam.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức, nhận định hệ thống đường vành đai phải là ưu tiên hàng đầu trong số các dự án giao thông mà TP.HCM cần triển khai. Việc thiếu giao thông kết nối với các tỉnh dẫn đến tình trạng các tuyến đường độc đạo như xa lộ Hà Nội, các đường liên tỉnh như tỉnh lộ 25, quốc lộ 22... thường xuyên tắc nghẽn. Theo ông Tuấn, không chỉ dự án đường Vành đai 2 mà với các dự án khác đang thực hiện theo hình thức BT trên địa bàn TP, không nhất thiết phải chờ đến khi Quốc hội thông qua luật mới có thể tiếp tục triển khai.
Về bản chất, loại hình BT là dự án mà doanh nghiệp xây dựng, sau đó chuyển giao lại cho TP. Rồi TP phải chuẩn bị sẵn một khoản tiền để trả lại cho nhà thầu. Thông thường, số tiền này được trích từ nguồn vốn vay hoặc nguồn kinh phí của TP. Song, thời gian qua, do ngân sách không đủ đáp ứng nên TP chọn phương án trả bằng đất, gọi là đổi đất lấy hạ tầng.
“Theo quy định, miếng đất sẽ được đem bán đấu giá công khai, minh bạch, sau đó dùng tiền này trả cho nhà thầu của dự án. Vấn đề là miếng đất được đem ra đấu giá phải là đất “sạch” và đã có trong quy hoạch vì đất chưa có quy hoạch thì không thể định giá và kéo theo nhiều rủi ro cho doanh nghiệp về sau. Mà quỹ đất đủ điều kiện, trên địa bàn TP đến nay hầu như không còn. Do đó, TP gần như không còn cách nào ngoài việc tiếp tục chờ đợi. Cũng cần xem xét chính sách hỗ trợ để giảm tối đa thiệt hại cho các doanh nghiệp đang thực hiện dang dở dự án”, ông Tuấn phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.