Cháy, biết mà không tránh !

15/01/2015 04:37 GMT+7

Ở vụ cháy quán karaoke New (Q.3, TP.HCM), hàng chục người thoát chết trong gang tấc nhờ lối thoát nạn dự phòng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, lối thoát nạn của nhiều nơi tập trung đông người như nhà hàng, karaoke, khách sạn, quán bar, vũ trường, trung tâm ngoại ngữ... đều không đảm bảo và thậm chí có nơi không có lối thoát nạn dự phòng.

Ở vụ cháy quán karaoke New (Q.3, TP.HCM), hàng chục người thoát chết trong gang tấc nhờ lối thoát nạn dự phòng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, lối thoát nạn của nhiều nơi tập trung đông người như nhà hàng, karaoke, khách sạn, quán bar, vũ trường, trung tâm ngoại ngữ... đều không đảm bảo và thậm chí có nơi không có lối thoát nạn dự phòng.
Lối thoát phụ tại một trung tâm ngoại ngữ ở Q.4 bị khóa trái cửa (trái) và lối thoát hiểm cũng là lối đi chính chật hẹp tại một trung tâm ngoại ngữ ở Q.5, TP.HCM - Ảnh: Lương NgọcLối thoát phụ tại một trung tâm ngoại ngữ ở Q.4 bị khóa trái cửa (trái) và lối thoát hiểm cũng là lối đi chính chật hẹp tại một trung tâm ngoại ngữ ở Q.5, TP.HCM - Ảnh: Lương Ngọc
Không có đường chạy
Tại quán bar “chui” C.T trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình, TP.HCM), hằng đêm có hàng trăm người vào đây ăn uống, nhảy nhót. Trong khi quán này chỉ có một lối thoát nạn là cửa chính ra vào nhưng bị bãi giữ xe gắn máy án ngữ, toàn bộ mặt tiền là một bảng hiệu quảng cáo to bao kín với dàn đèn nhấp nháy liên hồi. Nếu xảy ra cháy bảng hiệu như quán karaoke New, khách ở đây không biết thoát ra đường nào.
Một quán karaoke cũng nằm trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) là căn nhà phố dạng nhà ống với 5 tầng, mỗi tầng bố trí 2 phòng karaoke. Quán này cũng có một cửa ra vào nằm mặt tiền đường, 2 bên cửa xe máy dựng chiếm hết cả lối đi; phía trên là các bảng điện đủ màu sắc. Anh Tú (một khách tới đây hát), tỏ ra lo sợ: “Karaoke này mà cháy bảng hiệu như quán hôm trước ở đường Trần Quốc Thảo thì không biết chạy đi đâu luôn”.
Theo quan sát của PV Thanh Niên, hầu hết các quán karaoke trên những tuyến đường như Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), Phan Đăng Lưu, Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp)... đều là những căn nhà ống với một lối thoát nạn duy nhất là cửa ra vào, nhưng cũng được tận dụng làm bãi giữ xe cho khách.
Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM, trung tâm ngoại ngữ mọc lên như nấm song hầu hết những nơi này là nhà ống nằm mặt tiền đường; được sửa chữa, cải tạo thành trung tâm dạy ngoại ngữ với hàng trăm học viên theo học hằng ngày. Một trung tâm ngoại ngữ trên đường Hoàng Diệu (Q.4) vốn là nhà phố cao tầng, được ngăn phòng để phục vụ việc học nên diện tích lối đi khá hẹp. Lối thoát nạn của trung tâm cũng là lối đi chính, chỉ vừa đủ cho 2 người cùng di chuyển. Mặc dù ở phía sau tầng trệt trung tâm này có một lối phụ, nhưng bị khóa kín bởi 2 lớp cửa sắt kiên cố!
Tương tự, tại một trung tâm ngoại ngữ trên đường Trần Quang Khải (Q.1), biển báo lối thoát nạn được gắn trước cửa nhà vệ sinh cạnh góc cầu thang của các tầng lầu nhưng khi đi theo biển báo hướng dẫn của mũi tên từ tầng 3 xuống đến chân cầu thang lầu 1 thì không thể tiếp tục di chuyển được, bởi hàng hóa chất kín lối đi và cửa khóa chặt.
Cơ quan chức năng nói gì ?
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, nhà cao tầng cao 15 m trở lên, ngoài lối đi chính, bắt buộc phải có từ 2 lối thoát nạn trở lên; nhà cao dưới 15 m phải có ít nhất một lối thoát nạn nhưng tùy thuộc vào số người đang tập trung để bố trí chiều rộng lối thoát nạn.
Thực tế, nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người đều liên quan đến lối thoát nạn. Một cán bộ của Cảnh sát PCCC TP.HCM thừa nhận: “Với quy chuẩn hiện hành, nếu chủ cơ sở thực hiện đúng thì không có vấn đề gì, nhưng sau khi đưa công trình vào hoạt động chủ cơ sở tự ý cơi nới, bố trí thêm làm ảnh hưởng đến lối thoát nạn. Theo quy định lối thoát nạn phải thông thoáng, không có bất cứ công trình vật liệu dễ cháy nào làm ảnh hưởng. Nhưng khi lực lượng PCCC đi kiểm tra thì chủ cơ sở biết nên đối phó bằng cách dọn dẹp sạch sẽ, thông thoáng để không bị xử lý".
“Hiện thành phố tồn tại nhiều nhà ống, các công trình nhà cao tầng (chung cư, trung tâm thương mại, khách sạn)... được xây dựng trước khi luật PCCC ra đời nên lối thoát nạn không đảm bảo an toàn về PCCC. Vài năm trở lại đây đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà ống gây thiệt hại lớn về người nên cảnh sát PCCC cũng đã đưa ra một số giải pháp cụ thể hướng dẫn người dân cải tạo, khắc phục tạo lối thoát nạn dự phòng; kiến nghị địa phương phối hợp với lực lượng PCCC quận huyện tăng cường kiểm tra xử lý; đồng thời tuyên truyền về công tác PCCC. Bởi người dân có ý thức tự giác mới hiệu quả được”, một cán bộ cảnh sát PCCC nói.
Kiểm tra, xử phạt chưa rốt ráo
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định: “Quy định về đảm bảo an toàn PCCC rất chặt chẽ nhưng do việc kiểm tra, xử phạt chưa được rốt ráo, quyết liệt nên các hành vi vi phạm trên thực tế vẫn còn phổ biến. Trách nhiệm này thuộc về cảnh sát PCCC và UBND các quận, huyện. TP đang rà soát lại và sẽ tổ chức họp bàn để chấn chỉnh tình trạng này”. Ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó chủ tịch UBND Q.1, cũng cho biết về kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC trên địa bàn, trách nhiệm chính thuộc về Phòng Cảnh sát PCCC quận. Nếu xảy ra cháy mà do yêu cầu PCCC không đảm bảo thì quận truy trách nhiệm của đơn vị này.
Cũng theo một số đại biểu HĐND TP.HCM, để vi phạm an toàn PCCC xảy ra tràn lan và không được chấn chỉnh kịp thời thì phải xem xét trách nhiệm quản lý của cảnh sát PCCC. “Không thể cứ nói do chủ cơ sở thiếu ý thức, bít lối thoát hiểm rồi mình không làm gì. Nếu PCCC chủ động kiểm tra, xử phạt nghiêm thì làm sao các cơ sở vi phạm rành rành như thế tồn tại ngang nhiên được”, một vị đại biểu khẳng định. Ông Trương Lâm Danh, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM cho biết ngay trong tuần này HĐND TP sẽ tiến hành giám sát công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn TP để khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.