"Chạy trường" ở TP.HCM: Không chỉ là những trường hợp đơn lẻ!

25/08/2006 23:27 GMT+7

Sau khi báo Thanh Niên đăng tải loạt bài Hé lộ một đường dây "chạy trường" ở TP.HCM, nhiều phụ huynh, giáo viên và kể cả các cựu học sinh của trường Lê Quý Đôn đã tìm đến cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan đến vấn đề nhức nhối này.

Các em học sinh nói gì?

10 giờ 30, ngày 24.8, nhiều em cựu học sinh trường Lê Quý Đôn đã lục tục kéo nhau tìm đến tòa soạn Báo Thanh Niên, một số đến là để chia sẻ với những thầy cô dám đứng ra tố cáo sự việc, số khác cung cấp thêm những điều các em đã nghe, đã thấy khi còn theo học ở trường này. Em Nguyễn Đông D. (SN 1984, ngụ P.1, Q.Gò Vấp) - một cựu học sinh trường Lê Quý Đôn từ năm 2000 - 2003, kể: "Khi mới vào trường Lê Quý Đôn, em đã nghe nói về chuyện có bạn phải bỏ tiền ra "chạy" mới được vào học  ở trường. Em có biết một học sinh tên V.T, từng là bạn học của em từ những năm cấp 1, thi chỉ được có 48 điểm mà vẫn được vào Lê Quý Đôn học, trong khi năm đó điểm chuẩn của hệ A năm 2000 - 2001 là 74,5 điểm". Trường hợp của em Trần Việt A. (SN 1988), có mẹ là bà Phạm Thị Phương Hoa (đã nêu trong số báo trước), thì khá đặc biệt: Em Trần Việt A. khẳng định với chúng tôi là cả lớp của em, lớp 10A... của niên học 2003 - 2004, tất cả đều là những học sinh thiếu điểm, trong đó có một số phải "chạy" để được vào trường! Và đây cũng không phải là cái gì quá bí mật đối với những em học sinh chỉ vừa mới bước qua tuổi 15, bởi chính cô giáo của các em cũng nói với các em như vậy (?!). Khi chúng tôi hỏi cô giáo chủ nhiệm của lớp học này là ai, em Trần Việt A. nói: cô Hòa (người bị tố cáo nhận tiền của phụ huynh học sinh để đưa các em vào trường Lê Quý Đôn).

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, chúng tôi nhận được một cú điện thoại của một thầy giáo tên M., ngụ ở Q.10, nhờ chúng tôi xác minh: Trước đây, thầy có dạy một học sinh tên M.H.A (SN 1988), em này học không khá và cũng thiếu điểm để vào trường Lê Quý Đôn, thầy có nghe nói là gia đình của em đã tốn hàng chục triệu để "chạy" em vào trường này. Chúng tôi lập tức kiểm tra lại tên của em học sinh nói trên với những bạn học cùng khóa với em. Điều khá trùng hợp là em M.H.A là bạn học cùng lớp với em Trần Việt A.!

Như vậy, cái mà chúng ta cho là "dư luận râm ran" về những trường hợp "chạy" trường thật ra là đã thành chuyện "thường ngày" đối những em học sinh trong trường Lê Quý Đôn.

Thêm những lá đơn tố cáo

Cô Hòa và gia đình từ chối hợp tác

Trưa ngày 25/8, theo lời hẹn của cô Hòa, chúng tôi đã tìm đến nhà cô ở P.12, Q.10, TP.HCM với mong muốn được trao đổi cặn kẽ mọi vấn đề với cô để tìm ra bản chất sự việc. Tuy nhiên, khi nhóm phóng viên báo Thanh Niên đến nhà cô (có cả những phóng viên quay phim, chụp ảnh) thì bất ngờ gặp phải sự phản ứng rất mạnh từ phía chồng cô Hòa là ông Tuyến. Sau khi mở cửa cho người viết bài vào nhà, ông Tuyến đã đuổi tất cả những người đi theo ra, đóng cửa khóa lại với lý do không đồng ý cho chụp ảnh, quay phim. Sau một hồi thuyết phục, người viết bài mới được ông Tuyến đồng ý cho thêm một phóng viên nữa vào nhà, nhưng vẫn tiếp tục khóa cửa... Mọi thiện chí của chúng tôi trong việc đề nghị được làm việc chính thức với vợ chồng cô Hòa, ông Tuyến đều đã bị từ chối với lý do là: hiện cô Hòa đang trong tình trạng sức khỏe không ổn định, chưa thể làm việc được. Những nội dung mà vợ chồng cô Hòa, ông Tuyến muốn trao đổi với chúng tôi chỉ xoay quanh việc cần chúng tôi tư vấn xem "phải làm như thế nào trong thời gian tới, trước những diễn biến của sự việc này". Đáp ứng yêu cầu này, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp theo sự hiểu biết của mình.

Chiều ngày 24.8, chúng tôi tiếp tục tiếp đón thêm một số phụ huynh học sinh đã từng có ý định, hoặc đã đưa con em mình vào trường Lê Quý Đôn bằng con đường tiền bạc. Bà N.T.K.D, ngụ Q.1, TP.HCM cho biết: "Tôi quen cô Hòa qua một người bà con, biết cô Hòa dạy tại trường Lê Quý Đôn. Năm ngoái, cạnh nhà tôi có một bác có con thi vào cấp 3 nhưng kết quả cháu không được vào trường Nguyễn Thị Minh Khai do thiếu điểm. Điểm của cháu vẫn đủ để vào trường Marie Curie nhưng vì gia đình không muốn. Khi biết tôi quen cô Hòa, gia đình đã nhờ tôi gửi gắm cháu cho cô Hòa. Khi tôi đặt vấn đề, cô Hòa nói phải có 1.000 USD... Tôi đã chở bác đó tới nhà cô Hòa đưa 16 triệu đồng, có tôi chứng kiến. Sau đó, cô Hòa có trả lại 2 triệu đồng cho gia đình và cháu đã được vào học trường Lê Quý Đôn...". Dù chúng tôi đã cố thuyết phục nhưng bà N.T.K.D cũng không chịu cho chúng tôi đăng tên cụ thể của trường hợp này, nhưng bà nói sẽ sẵn sàng ra đối chứng trước cơ quan chức năng - nếu vụ việc của bà kể được quan tâm làm rõ.

Một trường hợp tương tự nữa là của bà N.T.K.A, cũng ngụ tại Q.1, TP.HCM. Bà K.A quen với cô Hòa qua một người bạn. Năm nay, bà K.A có con vào lớp 10 và đã được cô Hòa khuyên nên đưa vào trường Lê Quý Đôn để cô chăm sóc, trông nom hộ. Trên tinh thần này, cô Hòa đã hướng dẫn bà K.A ghi phần nguyện vọng (có 4 nguyện vọng) là vào trường Lê Quý Đôn. Đến ngày nhận hồ sơ, cô Hòa đến nhà bà K.A lấy bộ hồ sơ và 1.000 USD; một ngày sau điện thoại cho biết là người có trách nhiệm ở trường đã nhận rồi. Thế nhưng, một ngày sau nữa thì cô Hòa lại đến nhà bà K.A, trả lại hồ sơ và 1.000 USD với lý do: năm nay không còn lớp, muốn vào phải đưa 2.000 USD mới được, chứ 1.000 USD là không nhận! Quá ức lòng, bà K.A không nộp hồ sơ cho con vào trường Lê Quý Đôn nữa vì "không muốn cho con tôi học cái trường mà tư cách cô giáo không ra gì!".

Tất cả những tố cáo mà chúng tôi nhận được đều quy về một đầu mối: cô giáo Hòa (Đỗ Thị Thu Hòa, giáo viên văn). Cô Hòa dựa vào ai mà có thể đứng ra nhận các hợp đồng "chạy" trường với giá cả cụ thể và lời cam kết chắc nịch sẽ đưa được con cái của các phụ huynh đưa tiền cho cô ta vào trường Lê Quý Đôn? Cô Hòa có quan hệ như thế nào với người đứng đầu trường Lê Quý Đôn? Tại sao những trường hợp cô Hòa nhận tiền để "chạy" trường phần lớn đều trót lọt?... là những câu hỏi bức xúc của dư luận mà đoàn thanh tra Sở Giáo dục - Đào tạo sắp tới cần phải làm rõ. 

Trong một tuần phải báo cáo kết quả thanh tra

Ngay sau khi được thành lập, hôm qua 25/8, đoàn thanh tra trường THPT Lê Quý Đôn giải quyết theo tố cáo của công dân đã họp để phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và xem xét một số hồ sơ cần thiết. Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chánh thanh tra Sở Giáo dục - Đào tạo, Trưởng đoàn thanh tra, đoàn sẽ chính thức làm việc từ ngày 28.8, thời gian làm việc dự kiến trong một tuần, sau đó báo cáo với Ban giám đốc Sở. Tuy nhiên, ông Nam cũng nhận định đây là vụ việc tương đối phức tạp nên đoàn thanh tra sẽ làm việc khẩn trương để báo cáo, những việc phát sinh thêm sau đó sẽ tiếp tục triển khai. (Đ.T)

Một cán bộ quản lý ở Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết:  Ở hầu hết các trường, khi tuyển sinh đầu cấp thường có một ít chỉ tiêu xin thêm để giải quyết một số trường hợp cụ thể, có đơn xin ví dụ: điểm kế cận nhưng là con em giáo viên, trái tuyến theo hộ khẩu nhưng bố mẹ, làm gần trường và một số trường hợp có lý do chính đáng khác. Nhưng tất cả các trường hợp này đều phải xét qua hội đồng tuyển sinh của nhà trường, thậm chí phải lập danh sách báo cáo cấp quản lý để duyệt và hội đồng tuyển sinh nhà trường chịu trách nhiệm về quyết định cũng như đề nghị của mình. Song có những trường hợp nhận tiền để tìm cách chạy vào trường như báo phản ảnh thì đúng là cần phải làm rõ và xử lý nghiêm để cả người đi xin vì hoàn cảnh thực sự và người duyệt cho cũng cảm thấy công tâm và minh bạch.

H.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.