Chết oan vì trâu bò thả rông trên quốc lộ

06/11/2017 08:13 GMT+7

Chỉ trong 10 tháng năm 2017, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra 50 vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến trâu bò, làm 3 người chết, nhiều người bị thương.

Một tháng có 3 người chết vì trâu bò
Đi dọc tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vào những ngày cuối tháng 10, chúng tôi dễ dàng ghi lại hình ảnh trâu, bò thả rông không có người chăn dắt băng qua đường hoặc cùng tham gia giao thông với các phương tiện. Mỗi lần như thế, nhiều người điều khiển phương tiện trên đường phải hãm ga, đạp phanh gấp rất nguy hiểm.
Lúc 11 giờ ngày 31.10, có mặt tại địa phận thôn 1, xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), chúng tôi chứng kiến, ngay cạnh quốc lộ 1A giao với tuyến đường liên xã vào trụ sở xã này là cánh đồng được người dân thả rông hàng trăm con trâu, bò. Chỉ trong khoảng 1 giờ, chúng tôi ghi nhận hàng chục con trâu, bò chia thành từng tốp, rải rác băng từ cánh đồng bên này qua quốc lộ 1A để sang cánh đồng bên kia. Không ít các phương tiện phải luồn lách để khỏi đâm trúng đàn gia súc. Cũng có chủ phương tiện hốt hoảng vì không đoán trúng được hướng đi nên suýt ngã xuống đường. Trâu bò còn phóng uế ngay trên đoạn đường mà chúng băng qua.
Anh Nguyễn Xuân Hoàng (25 tuổi, ngụ thành phố Vinh, Nghệ An), cho biết rất nhiều lần điều khiển xe máy lưu thông từ tỉnh Nghệ An vào Hà Tĩnh, đi qua đoạn đường này anh cũng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát vì có lần anh suýt bị xe tải chạy cùng chiều từ phía sau đâm trúng khi lách ra đường để tránh một đàn trâu hàng chục con.
“Tôi làm công việc ở thị xã Hồng Lĩnh nên thường xuyên đi qua đây, đoạn đường này là nỗi ám ảnh không chỉ riêng tôi mà còn với nhiều người khác. Trâu bò người dân thả giữa đồng, do không có người chăn dắt nên chúng cứ đi tự do từ nơi này sang nơi khác để kiếm ăn, nhưng ở đây không hề cắm biển cảnh báo có gia súc đi qua”, anh Hoàng bức xúc.
Theo thống kê từ Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, trong 10 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 50 vụ tai nạn và va chạm giao thông đường bộ liên quan đến trâu bò. Riêng trong tháng 10 vừa qua, có 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 3 người chết, 4 người bị thương. Gần đây nhất, vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 25.10, khi anh Lê Bá Tráng (30 tuổi) và anh Nguyễn Quốc Tuấn (26 tuổi, cùng trú tại làng Mùi, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc) chở nhau trên xe máy lưu thông qua địa bàn khối 10, thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc), khi tránh 1 con bò đang đi trên đường đã bị xe đầu kéo lưu thông cùng chiều phía sau đâm trúng, tử vong tại chỗ.
Vấn nạn trâu bò không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ mà còn gây ảnh hưởng đến an ninh chạy tàu của ngành đường sắt. Cũng theo Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, trong 10 tháng đầu năm 2017, đã xảy ra 15 vụ va quệt giữa tàu với trâu bò.
Xử phạt quá nhẹ?
Trao đổi với Thanh Niên, trung tá Đặng Quyết Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Nghi Xuân, cho biết tại địa phương tình trạng tai nạn liên quan đến trâu bò xảy ra nghiêm trọng nhất là vào năm 2014, khi tuyến đường tránh thị xã Hồng Lĩnh đưa vào khai thác. Trong năm này, xảy ra 30 vụ tai nạn liên quan đến trâu bò. 3 năm trở lại đây, tình trạng này đã giảm hơn vì người dân phần nào ý thức được mức độ thiệt hại, nhưng vẫn đang có diễn biến phức tạp.
Theo trung tá Thắng, việc chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe là nguyên nhân dẫn đến việc người dân vẫn còn thả rông trâu bò. Thực tế cho thấy, căn cứ vào Nghị định 46 của Chính phủ, thì hành vi chăn dắt, thả rông gia súc trên đường chỉ bị xử phạt từ 60.000 - 80.000 đồng. Còn theo Nghị định 167 về vi phạm quy định về trật tự công cộng, mức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền cũng chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng, đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đường phố, thị xã hoặc các nơi công cộng nên không đủ sức răn đe.
Ông Phạm Duy Thắng, Phó chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận, thực trạng trâu bò thả rông trên đường đang xảy ra ở tất cả các tuyến đường trong toàn tỉnh Hà Tĩnh. Trước tình hình trên, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh phê bình chủ tịch UBND các địa phương để xảy ra tình trạng trên và đề xuất lắp biển cảnh báo ở các tuyến đường thường xuyên có đàn gia súc đi qua.
“Hiện nay, chúng tôi cũng đã yêu cầu các địa phương cần đề cao trách nhiệm và nhận thức về sự nguy hiểm của vấn nạn trâu bò thả rông; rà soát lại các hộ nuôi trâu bò để yêu cầu chủ gia súc ký cam kết; tăng cường xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm và sẽ thí điểm lập chuồng nhốt trâu bò thả rông”, ông Phạm Duy Thắng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.