Chỉ biết đòi tăng phí

03/12/2015 05:49 GMT+7

Hàng loạt trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên cả nước đang nhấp nhổm tăng phí, dù nhiều tuyến đường trong tình cảnh sửa đi sửa lại vẫn xuống cấp, lún sụt.

Hàng loạt trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên cả nước đang nhấp nhổm tăng phí, dù nhiều tuyến đường trong tình cảnh sửa đi sửa lại vẫn xuống cấp, lún sụt.

Ảnh: Ngọc ThắngẢnh: Ngọc Thắng
Đường xấu, đường dài... vài ki lô mét cũng tăng phí
Công ty CP phát triển Đại Dương mới đây đã kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Bộ Tài chính điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ tại trạm thu phí BOT QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long từ đầu năm 2016. Đáng nói, QL18 có tổng mức đầu tư 2.800 tỉ đồng, ngay sau ngày khánh thành vào tháng 5.2014, nhiều đoạn trên tuyến đường đã bị xuống cấp, lún sụt, xuất hiện nhiều rãnh lún dài theo vết xe. Tỉnh Quảng Ninh sau đó đã đề nghị chưa thu phí với tuyến đường này, Bộ GTVT cũng yêu cầu chủ đầu tư lùi thời hạn thu phí. Tới tháng 10.2014, Bộ đã cho phép chủ đầu tư được thu phí qua trạm Đại Yên với mức thu ngang bằng các tuyến đường BOT khác từ 30.000 - 160.000 đồng/lượt tùy từng loại xe. Tuy nhiên, mới đây chủ đầu tư lại đề xuất tăng phí từ 10.000 - 40.000 đồng so với mức cũ.
Trạm xa lộ Hà Nội (TP.HCM) cũng đề xuất tăng phí
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã có tờ trình gửi HĐND TP.HCM đề xuất thông qua chủ trương cho phép Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật THCM (CII) được tăng mức thu phí tại trạm xa lộ Hà Nội để hoàn vốn đầu tư xây dựng cầu Rạch Chiếc. Theo tờ trình, các mức phí dự kiến sẽ tăng áp dụng đối với nhóm xe từ dưới 12 ghế ngồi đến xe tải có tải trọng dưới 10 tấn. Nếu được HĐND thành phố thông qua thì các mức tăng phí xe qua trạm xa lộ Hà Nội sẽ được áp dụng từ ngày 1.1.2016. Đây là lần tăng phí thứ ba đối với xe qua trạm thu phí ở cửa ngõ phía đông thành phố này.
Đình Mười - Tân Phú
Một tài xế chuyên chạy tuyến Hà Nội - Hạ Long cho biết, dù chủ đầu tư cho biết đã sửa chữa, khắc phục hư hỏng nhưng tuyến đường vẫn xuất hiện nhiều đoạn hằn lún vệt bánh xe, nhiều nơi bị sụt lún, gồ ghề sống trâu như đoạn đường qua TP.Uông Bí.
Công ty CP Tasco cũng vừa đề nghị liên bộ GTVT - Tài chính chấp thuận điều chỉnh mức thu phí qua trạm thu phí Mỹ Lộc mới (Nam Định), với lý do hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh TP.Nam Định đoạn từ QL10 đến thị trấn Mỹ Lộc. Theo đó, mức phí thấp nhất đang áp dụng cho xe dưới 12 chỗ ngồi qua trạm Mỹ Lộc hiện đang là 20.000 đồng sẽ tăng lên 30.000 đồng trong năm 2016 và 35.000 đồng vào năm 2017. Mức phí cao nhất với xe tải trọng từ 18 tấn trở lên tạm thời giữ nguyên trong năm 2016 là 160.000 đồng, nhưng đến năm 2017 sẽ tăng kịch trần lên 200.000 đồng. Tasco cũng đề nghị từ năm 2017 trở đi, cứ 3 năm điều chỉnh giá vé một lần, mỗi lần tăng 18% so với mức giá vé đang áp dụng. Đáng nói, dự án BOT đoạn từ TP.Nam Định đến thị trấn Mỹ Lộc chỉ dài 3,9 km với tổng vốn 362 tỉ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Dự án này nằm trong dự án tuyến đường mới Nam Định - Phủ Lý, trong đó đoạn từ Mỹ Lộc - Phủ Lý (Hà Nam) dài 21,2 km theo hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao).
Bất chấp phản đối của người dân do vị trí đặt trạm bất hợp lý, nhà đầu tư dự án BOT nâng cấp, cải tạo QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình dự kiến tiếp tục tăng phí qua trạm thu phí Lương Sơn từ đầu năm 2016 thêm 40% so với hiện nay, lên 35.000 - 200.000 đồng.
Cần chặt chẽ dự án BOT
Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, việc tăng phí với các trạm BOT nằm trong lộ trình cam kết với nhà đầu tư khi ký hợp đồng BOT thực hiện dự án. “Nhà đầu tư khi thực hiện dự án phải vay vốn ngân hàng, nếu không được điều chỉnh tăng phí, không thể trả lãi ngân hàng, thu hồi vốn đầu tư, nhà nước cũng sẽ rất khó thu hút nhà đầu tư tham gia làm BOT”, ông Trường nói.
Trạm thu phí QL5 vừa tăng phí từ 1.12 - Ảnh: M.HàTrạm thu phí QL5 vừa tăng phí từ 1.12 - Ảnh: M.Hà
Nhiều trạm BOT đã được tăng phí
Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi) vừa được Bộ Tài chính cho phép tăng phí với 2 trạm trên QL5 để thu phí hoàn vốn cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 1.12. Vidifi được thu theo 2 giai đoạn, từ 1.12 - 31.3.2016 mức phí từ 30.000 - 160.000 đồng/xe, từ sau 31.3.2016 tăng từ 45.000 - 200.000 đồng. Bộ Tài chính mới đây cũng đã ban hành Thông tư số 154 quy định mức thu phí sử dụng đường bộ mới qua trạm Cầu Rác trên QL1 để nhà đầu tư là Tổng công ty Sông Đà hoàn vốn dự án BOT đầu tư xây dựng QL1 đoạn tránh TP.Hà Tĩnh. Theo đó, từ 1.1.2016 mức phí qua trạm Cầu Rác sẽ tăng lên 35.000 - 200.000 đồng/lượt tùy từng loại xe (mức thu phí qua trạm này hiện tại đang áp dụng từ 20.000 - 160.000 đồng/lượt).
Trên thực tế, theo một chuyên gia, việc cho phép đầu tư theo hình thức BOT đang có phần dễ dãi, khi số vốn bỏ ra thấp, đoạn tuyến đầu tư ngắn, hoặc quá nhiều nhà đầu tư cùng “chia phần”. Mới đây, Bộ GTVT đã tổ chức lễ động thổ giai đoạn 1 dự án BOT đường vành đai phía tây TP.Thanh Hóa dài 6 km với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, với nhà đầu tư gồm tới 5 doanh nghiệp liên danh. Các nhà đầu tư này sẽ được thu phí tại trạm thu phí trên QL1 đoạn qua Thanh Hóa để hoàn vốn trong thời gian 13 năm. Công ty Tasco cũng vừa tổ chức động thổ dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến tránh thị trấn Đông Hưng, Thái Bình trên QL10 chỉ dài hơn 6,2 km với tổng mức đầu tư hơn 400 tỉ đồng. Tasco được phép kéo dài thời gian thu phí của trạm thu phí cầu Tân Đệ hiện đang thu phí hoàn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp QL10 từ La Uyên đến cầu Tân Đệ.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, dù là giải pháp đầu tư vốn khá hiệu quả hiện nay, nhưng thực tế BOT cũng đang để lại rất nhiều hệ lụy. Không chỉ là việc “cắt nhỏ” các tuyến quốc lộ để đầu tư BOT như trước đây, mà nhiều tuyến tỉnh lộ, thậm chí là đường nối dài chỉ vài ki lô mét cũng được đầu tư dưới hình thức BOT. Đặc biệt, những tuyến đường nối, đường tránh trên lưu lượng xe không cao, bởi vậy, các nhà đầu tư đều được ưu ái cho thu phí trên một trạm đặt tại vị trí khác thuận lợi hơn.
“Bộ GTVT, Bộ Tài chính nói tăng phí theo lộ trình, nhưng đáng lẽ khi ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư, các bộ phải tính toán chặt chẽ khung phí, thời gian thu phí hoàn vốn và quy định một mức phí cố định, phải tính thời gian thu hồi cho 20 - 30 năm, tại sao cứ 3 năm lại tăng phí một lần?”, ông Sanh nêu vấn đề. Cũng theo TS Phạm Sanh, địa phương nào cũng muốn có đường, nhà đầu tư BOT nào cũng muốn có lời, nên không quy định minh bạch sẽ có thể biến thành “lợi ích nhóm BOT”. Kết quả khi các trạm thu phí BOT mọc lên dọc tất cả các tuyến huyết mạch như quốc lộ cho đến tỉnh lộ, người dân không còn lựa chọn nào khác phải trả phí để đi.
Đi đâu cũng đụng trạm thu phí
Một nhà xe lớn chuyên tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh cho biết, mỗi lượt xe từ Hà Tĩnh ra Hà Nội phải đi qua 5 trạm thu phí Bến Thủy - Hoàng Mai - Cầu Tào - Cầu Giẽ và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Nếu mua vé tháng thì mỗi xe giường nằm mất 7,3 triệu đồng/tháng, nếu dùng vé lượt số phí phải trả lên tới 14,6 triệu đồng/tháng.
Còn theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM: “Xe tải chở hàng hiện nay qua mỗi trạm mất 160.000 đồng, nhưng tới đây khi mấy trạm tăng mất tới 200.000 đồng/lượt thì doanh nghiệp càng nặng gánh. Nhà nước nên xem xét lại các loại phí vì chi phí cao quá, vận tải càng khó cạnh tranh”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.