Chỉ chặn cuộc gọi rác đêm khuya ?

Mai Phương
Mai Phương
11/11/2019 06:00 GMT+7

Hiện mỗi tháng các nhà mạng ghi nhận khoảng 10.000 số máy thực hiện các cuộc gọi rác, ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng. 80% các cuộc gọi này xuất phát từ sim rác...

Dự thảo mới nhất Nghị định về phòng chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn, thư điện tử và cuộc gọi đưa ra mức xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng khi gọi điện sau 22 giờ.

Phạt nặng cuộc gọi ngoài giờ quy định

Sau mấy tháng lấy ý kiến, dự thảo mới nhất quy định về quảng cáo qua tin nhắn, cuộc gọi đã bổ sung thêm một chương về xử lý vi phạm. Theo đó, tùy theo hành vi vi phạm mức phạt sẽ từ 5 triệu đồng trở lên. Riêng việc gọi quảng cáo ngoài khoảng thời gian quy định từ 9 - 22 giờ hằng ngày mà không có thỏa thuận khác với người nhận sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng cho việc gọi quá 1 cuộc quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người nhận. Đối với các công ty cung cấp dịch vụ khi vi phạm sẽ có nhiều mức phạt khác nhau, trong đó cao nhất là xử phạt nhà mạng từ 180 - 200 triệu đồng nếu không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán cuộc gọi rác...
Tuy nhiên quy định xử phạt không đề cập đến vi phạm về tin nhắn rác sau giờ quy định. Anh Đinh Trung (Q.7, TP.HCM) đặt vấn đề, đêm khuya nhiều người đều tắt chuông điện thoại hoặc thậm chí tắt hẳn điện thoại để đảm bảo giấc ngủ thì ai gọi được. Thực tế trước nay cuộc gọi rác sau 22 giờ đêm cũng rất ít, chủ yếu là quấy rối vào ban ngày, giờ trưa. Vậy quy định này là dư thừa. Chưa kể nếu những đơn vị quảng cáo không gọi điện thoại mà tập trung dội bom tin nhắn thì có bị xử phạt hay không? Đây cũng là thắc mắc chung của nhiều người dùng sau khi nghe quy định mới này.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, hàng triệu tin nhắn rác, cuộc gọi rác hằng ngày vẫn dội bom người dùng không theo giờ giấc nào. Vì vậy điều này cần phải cấm triệt để mà không phân chia theo giờ giấc. Nếu không thì chắc chắn những đơn vị quảng cáo sẽ lách luật và thực hiện cuộc gọi vào giờ khác, tiếp tục quấy rối người dùng. Luật sư Hậu cũng cho rằng dự thảo vẫn giữ nguyên quan điểm bắt khách hàng phải đăng ký khi không muốn nhận quảng cáo là chưa phù hợp với các quy định khác về bảo vệ người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa nếu khách hàng không đăng ký từ chối thì mặc nhiên hằng ngày vẫn bị tin nhắn, cuộc gọi rác tra tấn liên tục. Chưa kể nếu đã đăng ký nhưng vẫn nhận thì khiếu kiện ở đâu, ai sẽ xử lý, bồi thường thế nào... không được đề cập đến. “Luật phải đưa ra quy định rõ ràng. Chẳng hạn nếu không được đồng ý của người nhận thì bất kể giờ phút nào nếu có tin nhắn rác, cuộc gọi rác thì phải bị xử phạt. Bản thân nhà mạng phải lập tức chặn số đó ngay khi nhận được phản ánh của khách hàng. Nếu không thì nhà mạng sẽ bị xử phạt. Vì hiện nay quy trình để chặn số điện thoại vi phạm của các nhà mạng vẫn còn kéo dài, không hiệu quả để răn đe”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Thông tin mới nhất từ Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên họp Quốc hội ngày 8.11, hiện mỗi tháng các nhà mạng ghi nhận khoảng 10.000 số máy thực hiện các cuộc gọi rác, ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng. 80% các cuộc gọi này xuất phát từ sim rác, vì thế gốc vẫn là xử lý sim rác.

Không bình đẳng cho người dùng

Trong văn bản góp ý về dự thảo này vào đầu tháng 10.2019, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) nêu ý kiến về quy định “danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo”. Theo đó, người dùng sẽ đăng ký để được đưa vào danh sách này. Tuy nhiên, không rõ cơ chế cụ thể sẽ được thực hiện thế nào bởi nó có thể sẽ trùng lặp với quy định về chống tin nhắn, cuộc gọi rác. Theo VCCI, vấn đề vẫn nằm ở khâu kiểm tra, giám sát để ngăn chặn các cuộc gọi, tin nhắn rác. Việc đăng ký trước danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo sẽ không phát huy được tác dụng, bởi sẽ không thể phân biệt được đâu là cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo, đâu là cuộc gọi, tin nhắn liên lạc bình thường. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại việc đưa ra quy định trên.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena - nhấn mạnh bản chất của tin nhắn hay cuộc gọi quảng cáo không nằm ở vấn đề thực hiện sáng, trưa hay chiều, tối. Quan trọng nhất là người dùng không muốn nhận các thông tin gây quấy rầy làm phiền họ từ ngày này qua tháng kia. Người dùng phải trả tiền thuê bao hằng tháng cho các nhà mạng để sử dụng dịch vụ thì họ mong được nhận sản phẩm “sạch” và không “rác”. Do đó quy định của cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu khách hàng phải đăng ký không nhận tin rác là chưa công bằng và cũng không đúng với bản chất thỏa thuận kinh tế giữa nhà mạng và khách hàng. Ông Võ Đỗ Thắng cho rằng, nên chăng Bộ Thông tin - Truyền thông xem xét, đưa quy định yêu cầu nhà mạng phải phân chia gói cước khi có phát sinh dịch vụ quảng cáo. Ví dụ hiện nay người dùng đang trả thuê bao hằng tháng là 50.000 đồng thì nếu khách hàng nào đồng ý nhận quảng cáo thì miễn phí cước thuê bao. Nếu khách hàng nào không nhận tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo thì phí thuê bao tháng có thể tăng lên...
“Có những khách hàng sẽ chấp nhận dịch vụ quảng cáo thì nhà mạng được hưởng lợi cũng phải chia sẻ một phần thông qua việc giảm phí thuê bao. Với khách hàng không chấp nhận vẫn có thể đồng ý tăng phí thuê bao tháng. Tôi cho rằng điều này là công bằng hơn. Từ đó việc phân tích thông tin theo các nhóm khách hàng cũng có thể giúp các đơn vị quảng cáo tập trung đúng đối tượng có nhu cầu, gia tăng giá trị của dịch vụ quảng cáo”, ông Võ Đỗ Thắng phân tích thêm.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, gần đây cơ quan này dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng đã đổi cách quản lý, tập trung là các nhà mạng. Quy định trách nhiệm vào tổng giám đốc, chủ tịch các công ty viễn thông. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo bộ này ra một quy định, nếu như nhà mạng nào còn sim rác thì sẽ không cấp phép các dịch vụ mới cho nhà mạng đấy. Bộ trưởng hy vọng sẽ có sự thay đổi căn bản sau khi có chỉ thị của Thủ tướng. Vì bây giờ có phạt một nhà mạng thì các quy định của pháp luật chỉ phạt đến vài chục triệu, mà nhà mạng doanh thu hàng trăm nghìn tỉ, thì không đáng kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.