Chị em cấy phấn cho da: Cẩn thận coi chừng da đốm, nhiễm trùng

11/11/2016 21:09 GMT+7

Cấy phấn cho da là phương pháp làm đẹp mới nổi thời gian gần đây khiến nhiều chị em mê mẩn. Tuy nhiên, không ít người đã phải “ôm hận” đến bệnh viện cứu khuôn mặt sau khi trót làm đẹp với phương pháp này.

“Ôm hận” vì cấy phấn cho da
Thời gian gần đây, phương pháp cấy phấn cho da (CC Cover) đang là trào lưu trong các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. CC là từ viết tắt của color correction, nghĩa là điều chỉnh lại màu để che lấp đi các khuyết điểm trên làn da, được sử dụng như một sản phẩm trang điểm. Một số hãng có thể kết hợp thêm các hoạt chất chống nắng cho da.
Theo như giới thiệu của các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện thì cấy phấn cho da là trào lưu làm đẹp khiến kem nền không còn chỗ đứng.
Bởi lẽ, phương pháp mới này làm cho da mịn màng, xoá nhăn, bù ẩm, giúp da sáng hơn. Chị em không phải tốn công phải đánh bao lớp kem nền phấn phủ che khuyết điểm,… khi trang điểm. Một số mỹ viện còn đảm bảo phương pháp này giữ bền màu da đến… 3 năm.
Một mỹ viện cho biết, đây là công nghệ chăm sóc da tiên tiến. Tinh chất CC được tạo ra từ thành phần danh tiếng chứa Peptide, tinh chất Matrixyl, Argireline, tế bào gốc,… có khả năng ổn định da, nuôi dưỡng, làm trắng da và cải thiện nếp nhăn.

Đa số người Việt thuộc loại da nhờn, da hỗn hợp (chỉ một số ít thuộc loại da thường, da khô). Những tuyến bã nhờn tăng tiết liên tục có nhiệm vụ nuôi dưỡng bề mặt da. Vì vậy, khi đưa hạt màu vào da có thể gây nên bít tắt lỗ chân lông, nguy cơ gây nhiễm trùng, nhiễm siêu vi,…

Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Phòng khám Chăm sóc da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM

Tuy nhiên, đã có những trường hợp “ôm hận” vì hậu quả của việc cấy phấn cho da.
Chị M.T.H. (42 tuổi, ngụ Tây Ninh) đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM với toàn bộ khuôn mặt bị sạm da, xen kẽ các đốm màu.
Chị H. cho biết được người quen giới thiệu một thẩm mỹ viện ở Q.12 chữa nám rất hay. Chị đã tìm đến và được điều trị bằng việc phun màu làm sáng những đốm màu sậm trên da, đốm màu nhạt thì không phun. Một thời gian sau, vùng đốm nhạt không được phun thì đậm màu hơn, còn vùng da được phun màu thì thành từng đốm trắng vàng.
Bác sĩ phải đốt từng cụm để lấy màu trắng vàng ra khỏi da cho chị H.
Trong khi đó, chị T.N.T. (35 tuổi, ngụ TP.HCM) bị nám theo kiểu đốm (thông thường thì nám từng đốm sẽ khó điều trị hơn nám cả hai bên má - PV). Chị T. điều trị nám tại một thời gian ở một cơ sở chuyên khoa da liễu nhưng không giảm.
Chán nản và mong muốn được điều trị nhanh chóng hơn nên chị T. đã tìm đến một thẩm mỹ viện với lời quảng cáo “dịch vụ cấy tế bào sẽ đánh bay vết nám”. Chị được cấy phấn cho da. Sau điều trị, màu được cấy vào đốm nám không đồng màu với màu da. Thế là chị T. có khuôn mặt loang lỗ, lốm đốm.
Nhiễm trùng, dị ứng do cấy phấn
Theo tiến sĩ – bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Phòng khám Chăm sóc da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bản chất của cấy tế bào, phun, xăm hay cấy phấn đều giống nhau, nhằm đưa chất màu nhân tạo vào để che lấp các khuyết điểm da. Việc này sẽ không tránh khỏi những tác dụng phụ không mong muốn như bít lỗ chân lông làm da dễ sinh mụn, hoặc về lâu dài da sẽ bị nám,…
“Đa số người Việt thuộc loại da nhờn, da hỗn hợp (chỉ một số ít thuộc loại da thường, da khô). Những tuyến bã nhờn tăng tiết liên tục có nhiệm vụ nuôi dưỡng bề mặt da. Vì vậy, khi đưa hạt màu vào da có thể gây nên bít tắt lỗ chân lông, nguy cơ gây nhiễm trùng, nhiễm siêu vi,…”, bác sĩ Vân Thanh nhấn mạnh.
Đặc biệt, bác sĩ Vân Thanh lưu ý, đối với lứa tuổi dậy thì, 90% đối tượng bị mụn trứng cá thì càng không nên sử dụng dịch vụ cấy phấn.
Nghiêm trọng hơn, đối với các bạn nữ đã từng xài các loại mỹ phẩm có chứa corticoid hoặc những chất làm tẩy nhẹ lớp sừng (như AHA, BHA) và một số axit từ thiên nhiên khác làm da mỏng, khi thực hiện cấy phấn vào da có thể sẽ gây ra các tác hại lâu dài, phấn sẽ thấm sâu vào dưới da, thấy rõ sự khác biệt giữa màu nhân tạo và màu thật của da.
Một bước trong quy trình cấy phấn cho da - Ảnh: chụp màn hình
Bên cạnh đó, bác sĩ Vân Thanh cũng cho biết, cấy phấn cho da cũng không thể giúp da bền màu lâu dài được. Vì da có 3 lớp là thượng bì, trung bì, hạ bì, đối với cấy phấn cho da, những hạt màu được đưa xuống lớp sừng, tại vị trí trên lớp màng đáy, trong lớp thượng bì. Những hạt màu nằm trong các lỗ li ti tại da. Như vậy, màu da có được do cấy phấn này chỉ giữ được khoảng 3 tháng.
Với những giới thiệu rằng sản phẩm có thành phần tế bào gốc, theo nhận định của bác sĩ Vân Thanh: Những sản phẩm tế bào gốc phải được bảo quản rất nghiêm ngặt và giá thành rất cao chứ không phải đủ loại giá như trên thị trường mỹ phẩm hiện nay. Cũng không thể để tế bào trong lọ trong suốt thời gian dài từ khi sản xuất đến lưu thông, chưng trong tủ kính rồi khi cần dùng thì lấy ra.
Theo bác sĩ Trần Thiên Tài, phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, về góc độ chuyên khoa Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì có thể gây ra tình trạng dị ứng cho bản thân người được cấy.
“Tất cả mọi người đều có nguy cơ xảy ra tình trạng dị ứng sau khi sử dụng phương pháp cấy phấn cho da. Tuy nhiên những người có cơ địa dị ứng như viêm da dị ứng, dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn…thì cần phải đặc biệt lưu ý vì sẽ có khả năng bị dị ứng cao hơn so với người bình thường”, bác sĩ Tài khuyến cáo.
Theo bác sĩ Trần Thiên Tài, phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: Có nhiều phương pháp thẩm mỹ giúp có làn da khỏe đẹp, không nhất thiết phải sử dụng các phương pháp được quảng cáo tràn lan nhưng chưa đủ sự kiểm chứng khoa học.
Cách làm đẹp đơn giản nhất là cần có một chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, tránh nắng, kết hợp thêm các bài tập, massage giúp da giữ độ đàn hồi săn chắc, không dùng các loại mỹ phẫm không rõ nguồn gốc,…
“Một điều rất quan trọng chúng ta cần lưu ý là trước khi sử dụng bất kỳ biện pháp can thiệp làm đẹp nào cũng cần có sự tham khảo ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa nhằm tránh các tác hại lâu dài về sau”, bác sĩ Tài nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.