Chị em tranh giành đất đai: Mở lại tờ biên bản gia đình sau 24 năm

Hoài Nhân
Hoài Nhân
28/09/2019 09:12 GMT+7

Ngoài 60, 70, chị em ruột trong cùng một gia đình vẫn đưa nhau ra tòa. Miếng đất của cha mẹ để lại khi xưa, nay ai cũng quyết giành về. Câu chuyện muôn thuở của biết bao gia đình khi cha mẹ không còn...

Biên bản họp gia đình chia đất

Theo hồ sơ vụ án, một buổi tối cách đây... 24 năm, bà Anh (SN 1917, quê Long An, nay đã mất) cùng 8 người con của mình tổ chức một cuộc họp gia đình. Mục đích là để bàn thảo về việc phân chia ruộng đất cho 4 người con gái trong nhà.
Trước đó, theo ý nguyện của vợ chồng bà Anh, việc phân chia di sản của ông bà cho những người con trai đã ổn thỏa. Hơn 6 công đất ruộng ở Long An được chia cho 4 cô con gái là bà Xuân (SN 1946) và 3 người con lại. Tuy nhiên, ông bà phải được hưởng lợi tức trên phần đất này cho đến cuối đời. Năm 1993, chồng bà Anh mất.
Cuộc họp gia đình bấy giờ được tổ chức để đi đến việc thống nhất phần đất nói trên sẽ được 4 chị em bà Xuân giao cho ông Tí (SN 1958), vốn là con út trong gia đình, trực tiếp canh tác sử dụng. Nhưng đồng thời, hàng năm ông Tí phải nộp cho mẹ là bà Anh 70 giạ lúa để bà sinh sống cho đến hết đời.
"Trường hợp mẹ chúng tôi qua đời, em út là Tí vẫn phải tiếp tục nộp cho 4 chị em gái chúng tôi 70 giạ lúa như mẹ khi còn sống. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đồng ý nhượng lại cho ông Tí để lo việc cúng giỗ thường niên trong gia đình, đồng thời trùng tu, bảo quản nhà cửa, tài sản mà cha mẹ để lại. Nếu em Tí có làm điều gì sai trái theo qui ước, đương nhiên chúng tôi có quyền thu hồi phần đất kể trên", biên bản ghi rõ.
Sự thống nhất được tất cả anh em trong gia đình cũng như bà Anh chứng kiến, cùng ký tên vào biên bản họp. Tưởng rằng gia đình đồng thuận, mọi thứ đã êm xuôi, chẳng ngờ...

Từng miếng đất ruộng, vườn nhà bị giành giật bất chấp là anh em máu thịt ruột rà...

Ảnh minh họa: Nguyễn Phúc

Đưa nhau ra tòa

Năm 2011, bà Anh qua đời. Do 4 chị em bà Xuân mỗi người có hoàn cảnh mưu sinh không thể trực tiếp canh tác, nên ông Tí vẫn tiếp tục canh tác sử dụng. Thế nhưng nhiều lần các anh chị em nhắc nhở về việc nộp lại 70 giạ lúa mỗi năm cho 4 chị gái, ông Tí vẫn xin khất hẹn, đồng thời hứa sẽ qui giá trị lúa ra tiền, từ từ sẽ trả cho chị em bà Xuân về sau. Thấy em út mình khó khăn nên các chị em bà Xuân cũng thông cảm đồng ý.
Nhiều năm trôi qua, 4 chị em bà Xuân đều ở nước ngoài sinh sống. Tuy nhiên, chị em bà có trao đổi sẽ để ông Tí sử dụng đất thêm một thời gian nữa, sau đó sẽ lấy lại để chia nhau lập vườn vui thú điền viên cùng con cháu.
Thế nhưng, đến cuối năm 2018, chị em bà Xuân tình cờ biết được ông Tí đã rao bán thửa đất nói trên cho một người quen với các thông tin pháp lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD) do ông Tí là chủ sở hữu. Bà Xuân đã tiến hành xin trích lục bản đồ địa chính, lúc này mới vỡ lẽ không biết bằng cách nào ông Trần Văn Tí đã được UBND địa phương cấp GCNQSD đất. Bất bình trước hành vi của chính em trai mình, bà Xuân đã đại diện 4 chị em bà viết đơn khởi kiện ông Tí.
Tháng 8.2019, TAND tỉnh Long An đã đưa ra thông báo thụ lý vụ án theo yêu cầu giải quyết hủy GCNQSDĐ do UBND địa phương cấp cho ông Tí đối với thửa đất có diện tích 7.309 m2. Tháng 9 mới đây, tại bàn hòa giải của tòa, chị em bà Xuân, ông Tí đã có cuộc thương lượng với nhau, nhưng không thành.
Như vậy, phiên tòa xét xử sẽ diễn ra trong thời gian tới, với nguyên đơn, bị đơn là những chị em ruột trong cùng một gia đình. Tất cả đã ngoài 60, 70, đi quá một đời người vẫn chẳng thuận hòa, như câu nói người xưa “anh em như thể tay chân…”.
*Thông tin nhân vật đã được thay đổi vì lí do riêng tư.
Theo luật sư Phương Văn Thêm (Đoàn luật sư TP.HCM), các nội dung tranh chấp gia đình thường bao gồm: tranh chấp thừa kế đất đai; tranh chấp tài sản của cha cho con, vì khi cha chết, mẹ tranh chấp với con chuyện cha cho luôn phần tài sản của mẹ (hoặc ngược lại); tranh chấp phân chia tài sản, quyền sử dụng đất không đồng đều;...v...v...
"Tranh chấp tài sản, đất đai đều bắt nguồn vì nguyên nhân căn bản là lòng tham của con người, bất kể là anh em, người thân ruột thịt. Các căn cứ để dựa vào là sự thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật, pháp lý của đối phương, các kẽ hở trong thủ tục,... Nhất là trong các vụ thừa kế di sản từ ngày xưa, thường không có giấy tờ cụ thể, hợp thức hóa rõ ràng", luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.