Ngày 12.3, tại hội thảo công bố kết quả thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) và Tổ chức USAID tổ chức, nhiều doanh nghiệp cho biết những khoản chi phí không chính thức, chi lót tay... vẫn nhiều và “không nhỏ”.
Doanh nghiệp còn gặp nhiều phiền hà vì thủ tục hành chính không cần thiết - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng sau một năm thực hiện Nghị quyết 19, trên nhiều lĩnh vực đã đạt được nhiều cải cách quan trọng. Cụ thể, số giờ làm thủ tục nộp thuế, bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp (DN) đã giảm từ trên 900 giờ xuống còn khoảng 400 giờ. Hay việc cải cách các thủ tục thông quan qua biên giới cũng đạt nhiều tiến bộ, có những tác động mạnh tới môi trường kinh doanh. Nhưng điều quan trọng là về tư duy, các cơ quan quản lý đã bắt đầu có sự thay đổi. “Trước đây, chúng ta đánh giá môi trường kinh doanh thường theo cảm tính, nhưng từ năm 2014 đã dựa vào cách tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB)”, ông Cung nhận xét và cho biết trong mấy ngày tới Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết mới về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh với những mục tiêu cải cách mạnh hơn để đạt mức trung bình của ASEAN-4.
Theo các chuyên gia của WB, năm 2014 thời gian làm các thủ tục nhập khẩu của VN là 21 ngày. Trong đó, chứng từ nhập khẩu là 12 ngày; thời gian xếp dỡ và bến bãi là 4 ngày; thời gian vận chuyển xếp dỡ nội địa 1 ngày, thời gian kiểm tra và thông quan hải quan là 4 ngày. Nhưng theo phản biện của Tổng cục Hải quan, có một số chứng từ VN không yêu cầu DN chuẩn bị như hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói hay thời gian để kiểm tra an ninh tại cảng biển… Nếu loại bỏ, thì chỉ còn 16 ngày, điều này cũng phù hợp với đánh giá của một số tổ chức quốc tế khác. Như vậy, so với mục tiêu của Nghị quyết 19 là thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu bằng mức trung bình của ASEAN-6 (xuất khẩu 14 ngày, nhập khẩu mất 13 ngày), tuy chưa đạt được nhưng đã giảm đáng kể. Cụ thể, nhập khẩu chỉ kém 2 ngày nhưng xuất khẩu VN chỉ mất 13 ngày. Chi phí xuất khẩu thực tế của VN, qua rà soát cũng đã giảm 105 USD so với con số mà WB đánh giá là 610 USD/container.
Đáng chú ý, chi phí của DN cũng đã giảm đáng kể, nhưng theo đánh giá của WB và CIEM, chi phí cho các hãng tàu quá lớn và đặc biệt, chi phí không chính thức còn nhiều khoản và “không nhỏ”. Điều này được các DN phản ánh qua khảo sát của WB và CIEM.
Qua đợt rà soát này, nhóm các chuyên gia của CIEM và USAID đề nghị cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ việc thông quan hàng hóa; thực hiện được các thủ tục phi giấy tờ; giấy tờ chỉ còn áp dụng trong một số ít trường hợp không thể điện tử hóa. Cũng theo kiến nghị của CIEM, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng giảm thiểu danh mục, cụ thể hóa tên hàng kèm theo mã số những mặt hàng buộc phải thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành; phân loại DN để áp dụng hình thức, mức độ kiểm tra…
Chỉ số tiếp cận điện của VN thấp hơn Lào 7 bậc
Cùng ngày, rà soát về cải cách các thủ tục hành chính trong việc tiếp cận điện năng, các chuyên gia WB cho biết hiện chỉ số tiếp cận điện của VN vẫn khá thấp, xếp thứ 135/189 quốc gia được xếp hạng, kém Lào tới 7 bậc. Để có điện, mỗi DN của VN phải hoàn thành 6 thủ tục (trong khi các nước thuận lợi chỉ có 3 thủ tục); thời gian để làm những thủ tục này và được cấp phép lên tới 115 ngày.
|
Bình luận (0)