Chỉ số Dow Jones lại mất hơn 1.000 điểm

09/02/2018 12:34 GMT+7

Lần thứ hai trong tuần, chỉ số Dow Jones sụt giảm hơn 1.000 điểm.

Chốt phiên giao dịch hôm 8.2, chỉ số Dow Jones giảm 4,2%, tương đương với 1.033 điểm. Đây là mức giảm điểm tệ thứ hai trong lịch sử chứng khoán Mỹ, chỉ đứng sau mức giảm kỷ lục 1.175 điểm hôm 5.2.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang ở trong giai đoạn điều chỉnh, giảm 10% từ đỉnh chỉ trong vòng hai tuần. Nỗi sợ hãi về thị trường trái phiếu, lạm phát và lãi suất khiến cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ, bao gồm Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq biến động mạnh.
Tuy tỷ lệ phần trăm suy giảm trong phiên giao dịch hôm 8.2 của Dow Jones không đáng sợ như thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng nó đang hướng tới tuần mất điểm lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng.
“Đây không phải là điểm kết thúc, nhưng nó thực sự không thoải mái một chút nào”, Rich Guerrini, giám đốc điều hành công ty dịch vụ đầu tư PNC Investments, nói.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh, nhưng các nhà đầu tư đang lo lắng về lạm phát và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến để chống lại tình trạng lạm phát. Theo Chủ tịch Fed New York, ông Bill Dudley, nếu kinh tế Mỹ vẫn trên đà tăng trưởng tốt, thì Fed có lý do chính đáng để tăng lãi suất bốn lần trong năm nay. Được biết, Phố Wall chỉ kỳ vọng tăng lãi suất nhiều nhất là ba lần.
Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã chạm đỉnh bốn năm ở mức 2,88%. Đây là một chỉ báo đáng lo ngại về lạm phát.
“Thị trường trái phiếu chắc chắn đã gây chú ý với thị trường chứng khoán. Liệu thị trường trái phiếu có đang nói với chúng ta một điều gì đó mà chúng ta không biết? Liệu lạm phát có lớn hơn những gì chúng ta có thể dự đoán?”, Ryan Detrick, chiến lược gia thị trường cao cấp của LPL Financial, đặt vấn đề.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang biến động với biên độ mạnh khi chứng kiến mức tăng giảm gần 2.300 điểm trong tuần qua. Chỉ số Dow đóng cửa dưới mức 24.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 11.2017. Nasdaq kết thúc ở mức thấp nhất trong hai tháng qua. S&P 500 đã tăng - giảm 1% tới năm lần trong hai tuần, trong khi đó điều này chỉ xảy ra tổng cộng tám lần trong năm ngoái. VIX, thước đo về sự biến động thị trường, cũng đạt gần mức cao nhất kể từ tháng 8.2015.
“Ngày giảm điểm mạnh nhất như hôm 5.2 sẽ không kết thúc sớm. Chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến những ngày giao dịch bất ổn. Có thể phải mất từ hai đến ba tuần để đi qua giai đoạn điều chỉnh”, JJ Kinahan, chiến lược gia thị trường của TD Ameritrade, cho hay.
Washington ngày càng đặt áp lực lên tỷ giá. Thượng viện Mỹ hôm 7.2 đã đạt được thỏa thuận đẩy mạnh các khoản chi tiêu lên 300 tỉ USD trong hai năm tới. Theo ước tính của Bank of America, thỏa thuận này cùng với gói cắt giảm thuế của đảng Cộng hòa có thể khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng lên 1.070 tỉ USD trong năm 2019.
Phố Wall dự đoán chi tiêu của chính phủ nhiều hơn sẽ buộc Bộ Tài chính Mỹ phải vay thêm tiền bằng cách bán thêm trái phiếu. Để tăng nhu cầu trái phiếu khi nguồn cung tăng thì nhiều khả năng lãi suất cũng phải đi lên.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh kể từ khi Tổng thống Donald Trump đắc cử. Những lời hứa về việc cắt giảm thuế doanh nghiệp của ông Trump đã giúp Dow Jones tăng hơn 8.000 điểm. Song, một phần tư của mức tăng này cũng đã bị mất đi chỉ trong vài ngày qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.