Chia sẻ với dân

06/11/2012 03:00 GMT+7

Cần thực thi ngay luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vào ngày 1.1.2013, không kéo dài đến 1.7.2013, để giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ngày hôm qua đều đã đồng tình như vậy, bởi đó là mong muốn và nguyện vọng của người nộp thuế cả nước, trong hoàn cảnh năm nào họ cũng phải bươn chải, rượt đuổi theo giá và mòn mỏi với đồng lương ít ỏi.

Cái lý của đề xuất này là lương tối thiểu nhiều khả năng sẽ khó tăng, nếu có tăng được cũng chỉ ở mức rất thấp 100.000 đồng/người/tháng, trong khi đó giá xăng, gas, điện luôn rình rập, nhấp nhổm chờ tăng. Đầu năm tới nhà nước cũng sẽ thu thêm phí cho Quỹ bảo trì đường bộ (áp dụng từ 1.1.2013), đó là chưa kể hàng trăm loại phí, thuế đang đè lên người dân, thể hiện qua con số thống kê tỷ lệ động viên thuế chiếm tới gần 25% GDP của Việt Nam, cao nhất nhì trong khu vực. Vì vậy, hy vọng còn lại duy nhất của họ là thời hạn áp dụng luật Thuế TNCN sửa đổi sẽ được rút ngắn xuống, bởi nếu cứ kéo dài đến 1.7.2013, chắc chắn không ít bữa cơm của các cán bộ công chức trong năm tới sẽ kham khổ hơn nhiều.

Trong dự luật, Chính phủ cũng có giải trình, lý do áp dụng vào 1.7.2013 vì cần có thời gian làm nghị định, văn bản hướng dẫn, cần thời gian để đồng bộ hóa công nghệ thông tin. Nhưng nói như Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH Trần Thanh Hải: “Ngay trong tập tài liệu cung cấp cho các ĐB, Chính phủ đã kèm theo dự thảo nghị định hướng dẫn rồi thì lý gì lại lo không kịp. Với một dự thảo luật sửa đổi không quá nhiều, không quá phức tạp như luật Thuế TNCN, việc nỗ lực làm sớm là hoàn toàn có thể. Rồi Chính phủ nói cần đồng bộ hóa công nghệ nhưng thực tế hiện trên cả nước mới chỉ có 5 địa phương áp dụng phần mềm đóng thuế, chưa đại trà. Nên hoàn toàn có thể tính toán đưa luật vào thực thi sớm, và tiến hành hoàn thiện toàn diện công nghệ tới từng địa phương sau”.

Điều quan trọng và có ý nghĩa hơn cả, theo các ĐB đó chính là nhà nước phải có hành động thực sự chia sẻ với người dân trong hoàn cảnh khó khăn, chứ không phải là những con số khô cứng. Sự chia sẻ càng sớm thì càng nhận được sự đồng thuận của người dân, khi đó chính sách khoan sức dân mới thực sự có ý nghĩa, và tạo được hiệu ứng tâm lý đồng thuận, phấn chấn, tạo thêm luồng sinh khí mới trong dân.

Hơn nữa, nói như ĐB Hải, việc sớm thực hiện luật Thuế TNCN sửa đổi không chỉ là tháo gỡ khó khăn cho bản thân người nộp thuế, mà là cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Người dân được tăng thêm thu nhập, thì tăng mua sắm, làm tăng sức mua, DN được giải phóng hàng hóa tồn kho. Nền kinh tế lưu thông trở lại, tăng trưởng GDP tốt hơn. Tất nhiên, sẽ có sự khó khăn cân đối ngân sách, khi nguồn thu từ thuế TNCN giảm xuống. Nhưng có một thực tế mà ĐB Trần Hoàng Ngân đã chứng minh bằng con số, trong năm 2011 và 2012 dù giãn, hoãn thuế, giảm thuế nhưng mức thu vào ngân sách từ thuế TNCN vẫn tăng, từ mức hơn 37.000 tỉ đồng của năm 2011 lên hơn 49.000 tỉ đồng trong năm 2012. Điều đáng nói hơn, số người nộp thuế bậc 1 rất đông, chiếm 73% số người phải nộp thuế, nhưng thu ngân sách chỉ có 10%. Vì vậy, đại biểu Ngân đề nghị cần áp dụng ngay không nên chần chừ.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.