Chia sẻ với người dân

12/08/2011 00:29 GMT+7

Câu chuyện "không giảm giá xăng dầu" đến lúc này thú thực, đã khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy vô vọng, thậm chí mất lòng tin. Điều này cũng dễ hiểu, lý do chính đáng nhưng không được đáp ứng, thất vọng là chuyện đương nhiên.

Kiểm lại các lý do mà ngành xăng dầu biện hộ cho hành động không giảm giá bán lẻ xăng dầu mới hiểu được nỗi thất vọng của người tiêu dùng và thấy rõ sự thiếu trung thực, ích kỷ của ngành này. Lý do đầu tiên là dù giá thế giới giảm nhưng vẫn phải bán xăng dầu nhập trước đó với giá cao (chu kỳ 30 ngày dự trữ) nên không giảm ngay được.

Nhưng thực tế, giá thế giới đã giảm khá lâu, khá mạnh. Nghĩa là lý do "hàng tồn giá cao" đã bị vô hiệu hóa nhưng ngành xăng dầu vẫn khăng khăng không chịu giảm giá. Đó là chưa kể, khi giá thế giới tăng, ngành này đã cố tình "lờ" đi chuyện xăng dầu tồn nhập với giá thấp trước đó mà đòi tăng giá ngay. Hành động này cho thấy sự thiếu sòng phẳng đối với người tiêu dùng của ngành xăng dầu. Lý do tiếp theo, cũng là lý do “muôn thuở” để "trốn" việc giảm giá là thua lỗ. Tuy nhiên, chính Petrolimex, tổng công ty lớn nhất trong ngành xăng dầu đã tự công bố lãi khủng, nhiều công ty khác cũng thú nhận đã có lãi. Nhưng lãi thì lãi, ai nói gì thì nói, giảm giá bán lẻ thì... đừng hòng.

Hàng loạt các lý lẽ, những phân tích từ các chuyên gia, từ chính những người trong ngành đã chứng minh, xăng dầu có đầy đủ cơ sở để giảm giá nhưng vô ích. Ngành xăng dầu cứ "mũ ni che tai" và hưởng lợi một mình, bất chấp sự đe dọa của lạm phát và sự chật vật của người dân trước những khó khăn do giá cả tăng cao. Câu hỏi đặt ra là, không lẽ chúng ta bất lực trước một đòi hỏi hoàn toàn chính đáng? Câu trả lời là không.

Nếu chúng ta nản chí mà nhân nhượng, nếu chúng ta mệt mỏi mà chấp nhận, nếu chúng ta thất vọng mà buông xuôi, thì chắc chắn, những nghịch lý giá xăng sẽ mãi còn tồn tại. Hơn nữa giờ đây, chúng ta đã có "người đồng hành lớn" trong việc này. Ngày 4.8, bên hành lang Quốc hội, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã khẳng định, sẽ làm rõ lỗ lãi, chi phí, giá thành của ngành xăng dầu, điện lực. Ông đã nhấn mạnh, giá điện, giá xăng phải trên cơ sở kiểm soát và minh bạch được chi phí hình thành nên giá thành... Xung quanh ý kiến cho rằng, không thể kiểm toán mặt hàng xăng dầu đã và đang gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ làm việc với các cơ quan chức năng và phối hợp với kiểm toán, để làm rõ thực trạng sản xuất kinh doanh và chi phí giá thành của kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua, khi dư luận đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chuyện lỗ lãi của Petrolimex. Ông cho biết, "Kiểm toán Nhà nước hiện đang kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu, lúc đó sẽ làm rõ lời lỗ của ngành này".

Giảm giá xăng dầu không chỉ đơn thuần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân mà còn giảm áp lực lạm phát cho nền kinh tế. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có quyền tin rằng, một trong những việc làm đầu tiên của Bộ trưởng Vương Đình Huệ trong nhiệm kỳ mới là giải quyết vấn đề này như lời ông đã nói.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.