Chiếm đoạt quyền lợi người dân

05/08/2010 02:48 GMT+7

Không chỉ quyền lợi của người dân bị chiếm đoạt, việc “cấp bãi biển” tràn lan cho nhà đầu tư còn hạn chế khả năng phát triển của du lịch biển VN.

Bình đẳng trước biển

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ (Giám đốc Công ty lữ hành Lửa Việt), thực trạng nhà đầu tư lấy bãi biển làm của riêng khiến người dân và du khách bị hạn chế chỗ tắm biển là rất khó khắc phục. “Chủ đầu tư resort Sokha 5 sao ở bãi biển Sihanouk Ville (Campuchia) có chiều dài 1 km trước đây không cho người ngoài vào. Nhưng sau này đã cho người dân, du khách tắm biển với mức thu phí phù hợp và được sử dụng các dịch vụ... Liệu các resort ở bãi biển VN có dám làm như vậy không?”, ông Mỹ đặt câu hỏi.

Ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đầu tư nước ngoài, trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội (nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài):

Luật ở trong tay địa phương, nên giao hẳn cho một đầu mối, có sự phối hợp giữa các sở, ngành rà soát lại các dự án, nhiều lắm chỉ làm trong một tháng là xong. Doanh nghiệp sẽ buộc phải có trách nhiệm báo cáo với chính quyền địa phương.

Quan trọng nhất là phải kiên quyết khâu giám sát, hậu kiểm. Đừng vì thành tích mà để kéo dài những dự án thiếu hiệu quả.

Mai Hà (ghi)

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt cho rằng, nhiều resort, khách sạn ven biển, kể cả những resort 2 - 3 sao, “sở hữu” chiều dài mặt biển rộng lớn như là lợi thế cạnh tranh nhưng không sử dụng hết. Chính quyền địa phương nên “thu hồi” một phần bãi biển để phục vụ cộng đồng. Đối với những trường hợp không có đường ra biển, chính quyền nên thương lượng với các chủ đầu tư có diện tích đất lớn, dành một phần đất làm đường xương cá. Bên cạnh đó, chính quyền vẫn có thể thẳng tay thu hồi các dự án “treo” lâu năm ven biển để làm bãi biển chung.
 
Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) ông Vũ Thế Bình cũng thừa nhận, không ai chia bãi biển cho nhà đầu tư, bãi biển là của chung. Nhưng lâu nay, phần bãi biển giáp với phần đất xây dựng được chủ đầu tư chăm sóc, bảo vệ nên cứ nghĩ thuộc quyền sở hữu của mình là không đúng. Chính quyền địa phương cần phải có quy hoạch rõ ràng về sử dụng bãi biển. “Các địa phương cần phải sửa chữa sai lầm trong quy hoạch bãi biển, cần thiết phải có những bãi biển cho người dân, du khách. Trong điều kiện không còn bãi biển nào làm bãi biển chung, thì phải yêu cầu các resort không được cấm cửa”, ông Bình nêu quan điểm.

Hậu quả của “khóa” mặt tiền biển

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trần Hùng Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cho biết, nếu các resort ở những bãi biển nổi tiếng, đặc biệt ở Mũi Né được xây dựng bên phía tay phải (bên kia đường, không nằm ngay cạnh bãi biển - PV) thì không gian phát triển sẽ rất lớn. Chứ như bây giờ, các resort đều án ngữ bên mép biển, nên nếu muốn phát triển ở bên kia đường cũng không được. Vì du khách chẳng dại gì ở những khách sạn bên kia đường và phải đi tắm ở bãi biển không thuộc quản lý của khách sạn mà mình lưu trú.

Cùng quan điểm, ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng, khẳng định những bãi biển nổi tiếng thế giới đều rất “quý trọng” không gian ven biển bằng cách không cấp đất cho nhà đầu tư xây dựng ở đó. Như bãi biển Boracay (Philippines), Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan), Hawaii..., không gian bãi biển là không gian chung, không được xây dựng. “Thực tế ở VN, việc xây dựng khách sạn, nhà hàng sát bên mép biển vô tình biến bãi biển thành của riêng nhà đầu tư, khiến khu vực bên trong không thể phát triển cơ sở hạ tầng du lịch”, ông Lộc phát biểu.

Không những thế, việc xây dựng công trình ven mép biển còn làm biến dạng không gian mỹ quan. Tiến sĩ Đỗ Quốc Thông, Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Bến Thành, cho rằng phát triển du lịch sinh thái biển nên hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Điều này ở VN không được chú trọng. “Theo tôi, cần phải quy hoạch rõ ràng khu vực bãi biển nào được xây dựng nhà cao tầng, khu vực nào không. Ví dụ ở Phú Quốc, khu vực thị trấn Dương Đông có thể xây nhà cao tầng vì tương lai phát triển lớn hơn. Nhưng những nơi khác như bãi Trường thì không thể. Tương tự, ven biển TP Phan Thiết có thể xây nhà cao tầng, còn ven biển Mũi Né là không nên”, ông Thông nói.

Biển là tài nguyên du lịch lớn nhất của VN, là lợi thế so sánh với các điểm đến trong khu vực. Nếu không có chiến lược rõ ràng trong việc khai thác tài nguyên biển, để bãi biển bị các nhà đầu tư mặc sức chiếm dụng như hiện nay, thì tới một lúc nào đó, lợi thế ấy sẽ nhanh chóng biến mất.

Ông Thái Ngọc Bích - Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn (Bình Định): Bãi biển là của chung

Bãi tắm Quy Nhơn có chiều dài khoảng 4 km với nhiều khách sạn, nhà hàng xuất hiện liền kề song không có một đơn vị nào được quyền lấy bãi tắm làm “của riêng”.  Quan điểm của chúng tôi xem bãi biển là nơi mọi người đều vui vẻ tắm biển chung, không phân biệt giàu nghèo, du khách trong và ngoài nước hay người địa phương. Để bảo vệ bãi biển sạch đẹp, từ sáng sớm mỗi ngày, công nhân Công ty môi trường đô thị Quy Nhơn đi thu gom rác thải dọc bờ biển. 

Đình Phú (ghi)

Ông Paul Stoll, Tổng giám đốc Celadon International: Quy hoạch bãi biển đẹp ở VN chưa ổn

Quy hoạch ở các bãi biển đẹp của VN như Mũi Né, Quảng Nam, Phú Quốc... đang trong tình trạng chưa ổn định, trong khi đó nhiều khách sạn, nhà hàng đua nhau mọc lên một cách rời rạc trên các bãi biển. Kết quả, cảnh quan của các bãi biển đẹp bị phá vỡ, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng do không có sự kiểm soát tốt... Vì vậy rất cần có định hướng của Nhà nước và phải được tuân thủ nghiêm ngặt. 

N.T.Tâm (ghi)

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.