Chiêm ngưỡng vườn xương rồng khủng của nhà vườn miền Tây

19/09/2018 08:43 GMT+7

Sau hơn 20 năm rong ruổi khắp nơi để sưu tầm về trồng kết hợp lai tạo giống, đến nay ông Lâm Hữu Phúc (47 tuổi, ngụ khóm 3, P.3, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) sở hữu vườn xương rồng hơn 10.000 cây đủ chủng loại.

Ông Phúc kể, năm 1990, tình cờ xem ti vi thấy xương rồng ở các nước có vẻ đẹp đa dạng, bắt mắt nên ông bắt đầu tìm hiểu rồi quyết định tìm mua các giống xương rồng nhập từ Thái Lan gửi về quê cho ba mẹ trồng thử nghiệm. Năm 1994, ý tưởng về việc trồng loài cây này với quy mô lớn thôi thúc ông lên kế hoạch kinh doanh và quyết định nghỉ việc Sài Gòn trở về quê lập nghiệp.
Đến nay, sau hơn 20 năm rong ruổi khắp nơi để sưu tầm về trồng, thuần dưỡng và lai tạo giống, ông Phúc đã sở hữu vườn xương rồng hơn 10.000 cây đủ chủng loại. Xương rồng trồng kín cả vườn, trong thùng xốp, trong khay nhỏ và cả trên nóc nhà. Hiện ông đang cấy ghép các giống loài với nhau để tạo ra những cây mới, kiểu dáng độc đáo và thành công khi tạo ra nhiều giống cây con đột biến, có khả năng sống tốt, và kiểu dáng lạ mắt. “Xương rồng có khoảng 200.000 loại, nhưng còn phân nhánh, phân dòng, chưa kể dòng lai. Nhưng xương rồng được trồng phổ biến là Gymno, Lobivia, Huernia (sao biển) Mammillaria…”, ông Phúc cho biết.
Theo ông Phúc, có 2 cách cơ bản để nhân giống, lai tạo xương rồng là sử dụng tháp ghép và lai tạo hoa. Để tạo ra một cây ghép dễ nhất là sử dụng tháp ghép. Nếu khéo tay và có óc sáng tạo sẽ tháp được nhiều giống xương rồng với nhau tạo thành một cây mới từ thân cây cho đến hoa có nhiều màu khác lạ.
Tháp hay ghép xương rồng bắt buộc phải có cây làm gốc ghép và một hay nhiều đoạn cành của những cây khác dễ tháp vào. Gốc ghép có thể là giống xương rồng bình thường, còn cành ghép thường là thuộc giống mới lạ có giá trị hơn. Còn cách lai tạo hoa thì lấy phấn của hoa này, cùng dòng với nhau để chấm vào hoa khác màu sẽ tạo ra cây có màu hoa lạ, khác biệt với cây bố mẹ, đôi khi tạo ra thân lai giữa thân cây này với cây kia, tạo ra một cây xương rồng mới.
Ngoài vẻ đẹp đa dạng của từng chủng loại, nhiều người còn yêu mến loài cây này bởi sức sống tiềm tàng, luôn vươn mình lên trong điều kiện sống khắc nghiệt, hoa lại rất đẹp. Tại vườn của ông Phúc có nhiều giống xương rồng quý, độc, lạ có nguồn gốc từ các nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu… với giá bán từ vài ngàn đến vài trục triệu đồng/cây. “Ở địa phương, người chơi cây xương rồng chưa nhiều, tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội… thì số lượng người chơi nhiều hơn. Thông thường, giống xương rồng có nguồn gốc từ Nhật Bản có giá cao nhất, sau đó đến Đài Loan, Thái Lan, châu Âu và rẻ nhất là giống xương rồng từ Trung Quốc”, ông Phúc cho biết.
Theo ông Phúc, chơi kiểng xương rồng cũng lắm công phu và phải có niềm đam mê. Xương rồng nếu phơi nắng trực tiếp quá lâu có thể bị nám vàng nâu hoặc đen nên cần có mái che bằng nilon trong suốt hay kính râm chịu đựng trong khoảng nhiệt độ lớn. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm cho cây ngừng phát triển và suy yếu. Ngoài việc chăm sóc cho cây tốt tươi phải chú ý chu kỳ bón phân; phân bón được trộn thoáng xốp để khi tưới cây dễ rút nước. Lượng nước tưới rất quan trọng trong quá trình chăm sóc xương rồng…
Anh Võ Minh Trường (38 tuổi, ngụ H.Lai Vung, Đồng Tháp) cho biết: “Thông qua người bạn cùng niềm đam mê cây xương rồng, tôi tìm đến vườn của ông Phúc. Đến đây tôi ngỡ ngàng khi thấy vườn xương rồng đủ chủng loại, màu sắc. Tôi từng đi xem nhiều vườn xương rồng ở khắp nơi nhưng không ở đâu có nhiều xương rồng như ở đây”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.