Chiến lược chống Taliban 'đầy mạo hiểm' của quân đội Afghanistan

Văn Khoa
Văn Khoa
01/08/2021 19:30 GMT+7

Giới chức Mỹ và Afghanistan tiết lộ quân đội Afghanistan đang thay đổi chiến lược chiến tranh chống lại Taliban, tập trung các lực lượng xung quanh những khu vực trọng yếu như thủ đô Kabul, cửa khẩu và cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Chiến lược mang tính mạo hiểm về mặt chính trị như trên sẽ khó tránh khỏi việc nhượng bộ lãnh thổ, nhưng giới chức cho rằng đó là sự cần thiết về mặt quân sự khi binh sĩ Afghanistan đang căng sức để ngăn chặn thủ phủ của các tỉnh rơi vào tay Taliban, theo Reuters.
Taliban ngày càng kiểm soát nhiều khu vực ở Afghanistan trong lúc quân đội Mỹ đang hoàn tất việc rút quân cuối cùng khỏi Afghanistan nhằm chính thức kết thúc sứ mệnh quân sự ở nước này vào ngày 31.8 theo lệnh của Tổng thống Joe Biden.

Mỹ rút quân, lính đặc nhiệm Afghanistan căng sức đối phó với Taliban

Lầu Năm Góc mới đây ước tính Taliban chiếm phân nửa số quận, huyện của Afghanistan. Taliban cũng đang gây sức ép lên vùng ngoại ô thuộc phân nửa tổng số thủ phủ của các tỉnh, cố cô lập những khu vực này. Giới chức Mỹ cho hay đánh giá của giới tính báo nước này đã cảnh báo chính phủ Afghanistan có thể sụp đổ trong 6 tháng.

"Không thể bảo vệ mọi thứ"

Và ngày 21.7, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cho hay chiến lược mới sẽ liên quan việc “từ bỏ các trung tâm quận huyện” để bảo vệ các khu trung tâm có dân số lớn hơn, như thủ đô Kabul. Ngoài ra, tướng Kenneth McKenzie, chỉ huy Bộ Tư lệnh trung tâm của Mỹ, vốn giám sát lực lượng Mỹ ở Afghanistan và hỗ trợ binh sĩ Afghanistan, cho hay sau khi được thông tin về chiến lược mới trong tháng này, quân đội Afghanistan biết họ phải dồn sức cho những trận chiến quan trọng hơn và có cơ hội giành chiến thắng cao hơn.
“Bạn không thể bảo vệ mọi thứ. Nếu bảo vệ mọi thứ, bạn chẳng bảo vệ được gì. Vì vậy, tôi nghĩ người Afghanistan nhận ra họ cần củng cố”, ông McKenzie cho hay. Ông còn lưu ý trong nhiều năm qua, Mỹ quan ngại về cách lực lượng Afghanistan kiểm soát các chốt, kể cả những chốt ở khu vực hẻo lánh, có nguy cơ bị tấn công hoặc không có giá trị về mặt chiến lược. “Tôi nghĩ hiện nay, họ đang trong quá trình nhận ra là phải rút bớt, củng cố và bảo vệ những khu vực trọng yếu”, tướng McKenzie cho biết thêm.
 

Binh sĩ Afghanistan chuyển thực phẩm và dầu xuống khỏi chiếc trực thăng Black Hawk thuộc không quân nước này hồi tháng 3.2021

Reuters

Trong nhiều năm qua, quân đội Mỹ cố gắng thúc binh sĩ Afghanistan rời khỏi các chốt kiểm tra xa trung tâm, những vị trí có thể bị lực lượng Taliban chiếm giữ một cách dễ dàng. Việc duy trì những vị trí như thế chỉ gây thêm tổn thất và “không thể chịu đựng được”, theo cựu quan chức Lầu Năm Góc Jason Campbell.
Vị quan chức Afghanistan cho hay việc bố trí lại binh sĩ theo chiến lược mới sẽ cần xây dựng một số công sự mới và có sự kết hợp mới của các lực lượng. Tuy nhiên, chiến lược mới cũng đòi hỏi binh sĩ Afghanistan thay đổi tư duy của họ về khả năng họ có thể đối phó các cuộc tấn công và đột kích của Taliban đến mức nào khi không quân của họ trở nên căng sức và sự hỗ trợ của Mỹ ngày càng yếu dần.
Taliban chỉ muốn chiến thắng trên chiến trường ?
Một quan chức Afghanistan cho hay chiến lược “định hướng lại” binh sĩ như trên sẽ hỗ trợ Kabul cố thủ lãnh thổ chiến lược và bảo vệ cơ sở hạ tầng, trong có một đập được xây với sự hỗ trợ của Ấn Độ và những xa lộ quan trọng.
Tuy nhiên, việc củng cố binh sĩ theo chiến lược mới cũng đồng nghĩa để lại nhiều khu vực khác không được bảo vệ, khiến các cộng đồng và dân tộc thiểu số cảm thấy họ đang bị bỏ mặc cho Taliban.
Tình trạng Taliban kiểm soát thêm lãnh thổ ở Afghanistan một cách nhanh chóng đang gieo rắc nỗi sợ trong nhiều người Afghanistan vì Mỹ rút quân mà không đưa ra được bất cứ điều gì có thể mang tới hòa bình cho Afghanistan, theo Reuters. Tổng thống Biden đã hứa cung cấp hỗ trợ tài chính cho các lực lượng Afghanistan và gia tăng nỗ lực khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình.

Nhân viên an ninh tại một chốt kiểm tra ở thành phố Herat, thủ phủ tỉnh Herat, Afghanistan ngày 24.7

Reuters

Tuy nhiên, Taliban vẫn chưa phản hồi lời kêu gọi hôm 19.7 của 15 cơ quan ngoại giao và đại diện của NATO ở Afghanistan là dừng các hoạt động tấn công bằng quân sự. Ngoài ra, Taliban và chính phủ Afghanistan cũng không nhất trí được về một lệnh ngừng bắn cho dịp lễ Hồi giáo Eid (từ ngày 19-23.7) tại cuộc đối thoại trước đó ở Doha.
Trong quá khứ, Taliban kêu gọi lệnh ngừng bắn ngắn hạn cho lễ Eid, nói rằng họ muốn người dân Afghanistan đón lễ này trong hòa bình. Giới sĩ quan quân đội Mỹ cho rằng Taliban đang tìm cách kết thúc cuộc chiến tranh ở Afghanistan bằng chiến thắng trên chiến trường, thay vì ở bàn đàm phán.

Các đứa trẻ ngồi bên ngoài một ngôi đền ở thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 22.7

AFP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.