Chiến lược quốc phòng của Singapore - Kỳ 1: Đáng đồng tiền bát gạo

04/08/2009 00:11 GMT+7

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng (MINDEF), ông Teo Chee Hean, luôn nhắc đi nhắc lại lập trường của Singapore là giữ một mức tăng ổn định cho ngân sách quốc phòng, bất kể trong điều kiện kinh tế thế nào. Hồi đầu năm nay, khi ông công bố ngân sách 11,4 tỉ SGD (7,86 tỉ USD) cho năm 2009, một cuộc tranh luận ở Quốc hội đã diễn ra, một vài người cho rằng ngân sách quốc phòng lên đến 6% GDP là hơi nhiều, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Nhưng ông Teo cho rằng "trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bất ổn chính trị và xã hội càng có nguy cơ leo thang" nên duy trì đầu tư ổn định cho quốc phòng là chính đáng. Ông đặc biệt lưu ý nguy cơ khủng bố.

Ông cũng cho biết thêm, từ năm 2002 trở đi, ngân sách quốc phòng luôn nằm ở mức trên 4,5% GDP. Năm 2008, quốc phòng được chi 10,80 tỉ SGD (7,5 tỉ USD), chiếm hơn 25% tổng ngân sách quốc gia, tăng từ mức 10,08 tỉ SGD của năm 2007. Năm 2006 là 9,63 tỉ SGD.

Quân lực hạng trung

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2008, với dân số chưa đầy 5 triệu người, khoản chi 7,5 tỉ USD đưa Singapore lên vị trí thứ tư trên thế giới về mức chi cho quốc phòng trên đầu người/năm, 1.625 USD, sau các nước Israel, Mỹ và Oman (lần lượt là 2.300 USD, 1.960 USD và 1.675 USD). Xét về tổng số, mức chi quốc phòng của đảo quốc 700 km2 này chỉ xếp sau khoảng 20 quốc gia khác trên toàn thế giới, ngang ngửa với Pakistan.

Tuy nhiên, không phải vì các con số nói trên mà Singapore được xếp vào nhóm nước có quân lực hạng trung. Tác giả Andrew Tan trong Báo cáo an ninh và quốc phòng của Singapore quý 2/2009 xuất bản hồi cuối tháng 5, nói rằng chính tầm quan trọng về kinh tế và năng lực quân sự với trang bị hiện đại nhất giúp Singapore có được vị trí này. "Trong phần lớn các đánh giá định hạng quốc tế, có 5 tiêu chí được xem xét, đó là sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, sức mạnh ý chí, thành tích và tiềm năng. Dựa trên vài trong số 5 tiêu chí đó, Israel ở Trung Đông, Hàn Quốc ở Đông Bắc Á và Singapore ở Đông Nam Á được liệt vào hạng trung", báo cáo cho hay.

Trên bình diện hợp tác và liên minh, Singapore có những đồng minh hùng mạnh mà từ ngày độc lập (năm 1965), quốc gia này không bỏ lỡ một cơ hội nào để vun đắp. Trước hết phải kể đến Mỹ. Trong hồi ký Từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất xuất bản năm 2000, ông Lý Quang Diệu nói rằng Singapore có "quan hệ tốt" với tất cả các chính quyền của Mỹ dù Cộng hòa hay Dân chủ. Đặc biệt trong thời Chiến tranh lạnh, Singapore hoàn toàn ủng hộ Mỹ. Mối quan hệ đó chưa bao giờ bị gợn sóng cho tới nay. Tiếp theo là Anh, từng là "mẫu quốc", bảo trợ Singapore từ đầu thế kỷ 19. Rồi cả Úc và New Zealand là những nước "cùng chiến hào" từ Thế chiến 2, lại gần gũi về địa lý...

Ngày nay, nhiều cuộc tập trận quan trọng trên thế giới đều có sự tham gia của quân đội Singapore (SAF). Binh lính SAF được huấn luyện ở mọi địa hình và thời tiết khác nhau, từ rừng rậm Brunei, Úc, Philippines, cho đến sa mạc, cao nguyên ở Ấn Độ, Qatar... SAF cũng gửi quân tới vùng Vịnh hồi thập niên 1990, vịnh Aden hồi đầu năm nay, và tham gia các hoạt động cứu hộ thiên tai. Nhiều diễn đàn an ninh quốc phòng, các cuộc triển lãm thiết bị quân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều chọn Singapore làm nơi hội tụ.

Với vị thế như vậy, Bộ trưởng Teo có thể tự hào nói với Quốc hội: "Các công ty quốc tế coi việc đấu thầu đơn hàng của chúng ta là có lợi và hữu ích cho họ. Một trong các lý do là vì đơn hàng của chúng ta có giá trị như một sự bảo chứng cho sản phẩm của họ, bởi họ biết quy trình chúng ta xét hồ sơ dự thầu rất nghiêm ngặt và toàn diện". Ông cũng khẳng định những trang thiết bị mà MINDEF mua là "đáng đồng tiền bát gạo".

Thiết bị hiện đại

Với chủ trương nâng cấp SAF lên "thế hệ thứ ba", trong mấy năm gần đây, Singapore liên tục trang bị những thiết bị tối tân và cải tiến những thiết bị đã cũ. Đầu năm 2004, hải quân thay thế toàn bộ đội tàu tên lửa có thâm niên 25 năm bằng 6 tàu khu trục mới. Tháng 5.2006, chiếc thứ 6 là RSS Supreme với thiết bị tối tân đã được đưa vào sử dụng. Đầu năm 2008, hải quân có thêm 3 tàu khu trục hiện đại mới toanh. Hồi giữa tháng 6 năm nay, Singapore cho hạ thủy tiếp tàu ngầm RSS Archer. RSS Archer đang trong giai đoạn chạy thử ở Thụy Điển, và sẽ về Singapore trong năm tới.

Theo niên giám thống kê của Chính phủ Singapore, cũng trong tháng 5.2006, Không quân Singapore (RSAF) đã triển khai toàn diện Phi đội 145 gồm 20 máy bay tiêm kích F-16D Block 52+ (nâng cấp từ F-16D Block 52) với khả năng mang theo nhiều nhiên liệu và vũ khí hơn, radar có độ quét và định vị rộng hơn cho phép nó hoạt động cả ngày và đêm, khả năng tác chiến cao hơn trong thời gian dài hơn. Tháng 11.2008, RSAF cũng đón chiếc máy bay đầu tiên trong loạt 24 chiếc F-15SG do hãng Boeing sản xuất. Những chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao cho biệt đội của RSAF đóng tại bang Idaho, Mỹ, trong năm nay. F-15SG là thế hệ hiện đại của dòng máy bay F-15, với các thiết bị do thám tối hiện đại, và được trang bị bom điều khiển bằng laser, tên lửa đối không, đối đất, súng... Phi đội F-15SG sẽ cho phép đội A-4SU Super Skyhawks nghỉ hưu. Cuối năm 2006, MINDEF cũng bắt đầu thay thế đội xe tăng SM1 bằng 66 xe tăng nâng cấp và 20 chiếc Leopard 2A4 do Đức sản xuất...

Bên cạnh trang thiết bị hiện đại, MINDEF cũng đưa vào ứng dụng những kỹ thuật thông tin mới nhất để phục vụ cho chiến thuật tác chiến đối phó với các nguy cơ hiện đại như khủng bố, chiến tranh sinh học, hóa học. (Còn tiếp)

Thục Minh (VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.