Chiến lược quốc phòng của Singapore: Kỳ 2: Quân đội thế hệ thứ ba

04/08/2009 23:19 GMT+7

Quân đội thế hệ thứ ba của Singapore được trang bị một hệ thống thông tin có thể giúp các lực lượng tham chiến cùng lúc nhìn thấy đúng đối phương và hành động nhất quán. Đó là “hệ thống của các hệ thống”.

Công nghệ ACMS

Tác giả William Choong trong loạt bài toàn cảnh về quân đội và các lực lượng an ninh của Singapore đăng trên báo Straits Times cho biết, mỗi binh sĩ của quân đội Singapore thế hệ thứ ba (3G SAF) khi ra trận sẽ mang trên lưng một máy vi tính nặng chừng 5 kg được gọi là Hệ thống con người tác chiến hiện đại (ACMS), có các thiết bị cảm ứng và công cụ giao tiếp. Với ACMS trên lưng, giả sử trung sĩ A phát hiện ra một trung đội đối phương trên một ngọn đồi, tất cả những gì A cần làm là nâng khẩu SAR-21 (một loại súng chiến đấu cá nhân do chính SAF thiết kế, chế tạo mới đây) lên ngắm và “đánh dấu” mục tiêu, rồi gửi một mẩu tin ngắn mang hình ảnh số hóa của mục tiêu cho các chỉ huy. Thông tin trung sĩ A gửi về đã cung cấp đầy đủ không gian xung quanh của mục tiêu. Các thuật toán “cảm ứng” trong hệ thống lập tức cho ra các giải pháp đối phó với mục tiêu như dùng súng, máy bay tiêm kích hay xe tăng. Và quyết định hành động dựa trên đó mà được ban ra tức thì. Với một “hệ thống của các hệ thống” liên kết chặt chẽ con người, thiết bị cảm ứng, phương tiện liên lạc và vũ khí như vậy, tất cả quy trình trên diễn ra trong thời gian tính bằng giây với độ chính xác cao.

Công nghệ thông tin tích hợp trong ACMS cho phép người lính SAF ngày nay cơ hội hoàn thiện “vòng tròn OODA” một cách nhanh nhất. “Vòng tròn OODA”, khái niệm do đại tá John Boyd (1927-1997) của Không quân Mỹ đưa ra, tóm gọn quy trình hoàn thiện một công việc chiến lược, từ Quan sát (Observe), Định hướng (Orient), Quyết định (Decide), đến Hành động (Act). “Vòng tròn OODA” không chỉ có giá trị áp dụng trong quân sự mà cả trong kinh doanh. Trong bất kỳ mọi cuộc chiến, ai hoàn thiện “vòng tròn OODA” sớm nhất, người đó thắng.

Đối phó chiến tranh phi truyền thống

Singapore xem khủng bố là một trong những nguy cơ lớn nhất đe dọa nền kinh tế và an ninh của nước này. Là một đồng minh của Mỹ, đồng thời là nơi tập trung đông người nước ngoài và cơ sở kinh tế của nhiều tập đoàn đa quốc gia, Singapore có lý do để lo ngại như vậy. Trên thực tế, ngay sau thời điểm xảy ra vụ tấn công 11.9.2001 vào nước Mỹ, an ninh Singapore cũng phát hiện âm mưu dùng xe bom tấn công trụ sở Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đại sứ quán Mỹ, Câu lạc bộ người Mỹ... tại nước này. Chủ mưu là mạng lưới khủng bố Jemaah Islamiyah có quan hệ mật thiết với al-Qaeda và có chân rết tại nhiều nước Đông Nam Á. Những cuộc tấn công sau đó vào Bali (Indonesia), Madrid (Tây Ban Nha), London (Anh), đặc biệt là cuộc tấn công gần đây vào hai khách sạn sang trọng ở Jakarta (Indonesia) khiến Singapore luôn trong tư thế cảnh giác cao độ.

Hằng năm Singapore đều tổ chức các cuộc diễn tập đối phó các loại chiến tranh phi truyền thống khác nhau, từ chống cướp biển, cướp ngân hàng cho đến đối phó với thiên tai, dịch bệnh. Năm nay, một đợt diễn tập quy mô lớn đã diễn ra trong 3 ngày giữa tháng 7 với tên gọi Exercise Northstar VII, mô phỏng các vụ tấn công khủng bố tại thành phố Mumbai (Ấn Độ) hồi tháng 11.2008. Tình huống giả định là bọn khủng bố đặt bom ở ga tàu điện ngầm Raffles Place nằm ngay trung tâm tài chính, tấn công khu mua sắm VivoCity và khu du lịch nghỉ mát Sentosa, bắt cóc nhiều con tin rồi cố thủ trong một tòa nhà. Hơn 2.000 quân nhân từ 15 đơn vị đặc nhiệm gồm cảnh sát, bộ binh, không quân, cứu hộ, rà phá bom mìn... đã tham gia “cuộc chiến” kéo dài 15 phút từ bao vây, thương lượng rồi đọ súng với những kẻ khủng bố, cho đến di tản dân chúng, giải thoát và cấp cứu con tin. Buổi diễn tập chính có sự theo dõi của Thủ tướng Lý Hiển Long, các phó thủ tướng, nhiều quan chức cấp cao và cả các nhà ngoại giao, quân sự nước ngoài.

Sau cuộc diễn tập, Thủ tướng Lý nói rằng ông tin tưởng vào năng lực đối phó nguy cơ khủng bố của các lực lượng vũ trang và chuyên trách vốn được trang bị, huấn luyện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ vụ tấn công ở Mumbai, ông Lý cho rằng vai trò của dân chúng hết sức quan trọng trong việc phát hiện và cung cấp thông tin kịp thời cho các lực lượng an ninh: “Ở Mumbai, để xâm nhập được vào các khách sạn và những mục tiêu khác, bọn khủng bố phải đi bằng đường thủy, rồi đường bộ, vác những ba lô nặng trịch cồng kềnh. Nhiều người đã trông thấy nhưng các cơ quan chức năng thì không được cảnh báo kịp thời”. Vì thế, Singapore có hẳn một Chương trình cộng đồng tham gia nhằm tăng cường tinh thần cảnh giác và thắt chặt mối quan hệ quân - dân trong cuộc chiến chống khủng bố.

Thục Minh
(VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.