Ông Trump phản đối việc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS
Trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí Time ngày 12.12, Tổng thống đăc cử Trump cho biết ông kịch liệt phản đối việc Ukraine sử dụng tên lửa do Mỹ sản xuất để tấn công các mục tiêu "cách xa hàng trăm dặm" bên trong nước Nga.
Theo The Kyiv Independent, các thành viên trong nhóm của ông Trump từng chỉ trích quyết định nới lỏng các hạn chế đối với vũ khí tấn công tầm xa cho Ukraine của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Song, đây là lần đầu tiên vị tổng thống đắc cử Mỹ lên tiếng phản đối quyết định trên trước công chúng.
Điểm xung đột: Nga sắp phóng thêm Oreshnik; Iran tố ai chủ mưu lật đổ chính quyền Syria?
Theo ông Trump, động thái của Ukraine đang làm leo thang và khiến cuộc xung đột Nga - Ukraine trở nên trầm trọng hơn. Tổng thống đắc cử Mỹ Trump cũng thừa nhận rằng chiến sự ở Ukraine phức tạp hơn tình hình ở Trung Đông. "Số lượng những người lính trẻ tử trận nằm trên khắp các cánh đồng thật quá ngỡ ngàng. Những gì đang diễn ra thật điên rồ", theo ông Trump.
Khi được hỏi về viện trợ cho Ukraine trong tương lai, Tổng thống đắc cử Trump cho hay ông sẽ sử dụng sự hỗ trợ của Mỹ để làm đòn bẩy thúc đẩy Nga ngồi vào bàn đàm phán. "Tôi muốn đạt được thỏa thuận và cách duy nhất để đạt được nó là không từ bỏ".
Phát biểu của Tổng thống đắc cử Trump được đưa ra trong bối cảnh Nga ngày 12.12 tuyên bố sẽ đáp trả việc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất để tấn công lãnh thổ nước này. Trước đó, quân đội Nga cho biết Ukraine đã tấn công một sân bay ở miền nam nước Nga bằng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp vào sáng 11.12.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Tôi muốn nhắc lại tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga đưa ra ngày hôm qua một cách rõ ràng và trực tiếp, trong đó nêu rõ rằng sẽ có phản ứng đáp trả. Phản ứng sẽ diễn ra theo cách phù hợp. Nhưng chắc chắn sẽ diễn ra".
Hiện vẫn chưa rõ Nga sẽ phản ứng chính xác như thế nào. Hồi tháng 11, Nga đã phản ứng cứng rắn sau khi Washington cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS tập kích lãnh thổ Nga.
Ông Putin ủng hộ "lệnh ngừng bắn Giáng sinh"
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12.12 ủng hộ những nỗ lực của Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhằm đạt được lệnh ngừng bắn vào dịp Giáng sinh tại Ukraine cũng như quyết các vấn đề nhân đạo liên quan đến việc trao đổi tù nhân.
"Thủ tướng Hungary Viktor Orban, trong cuộc điện đàm hôm 11.12 với Tổng thống Putin, đã đưa ra đề xuất thực hiện một cuộc trao đổi tù nhân lớn giữa Nga và Ukraine vào đêm Giáng sinh, cũng như tuyên bố ngừng bắn vào dịp này", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.
Trùm tình báo Nga: Quân đội Ukraine bên bờ vực sụp đổ
Tuy nhiên, ngay sau động thái trên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vì đã phá hoại sự thống nhất của phương Tây, đồng thời chỉ trích Hungary.
"Vào cuối nhiệm kỳ Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) của Hungary, chúng tôi có những nỗ lực mới vì hòa bình. Chúng tôi đã đề xuất ngừng bắn vào dịp Giáng sinh và trao đổi tù nhân quy mô lớn. Thật đáng buồn khi Tổng thống Zelensky hôm nay rõ ràng đã bác bỏ và loại trừ việc này. Chúng tôi đã làm những gì có thể", ông Orban viết trên X. Thủ tướng Orban không nêu rõ đề xuất hòa bình được gửi đến Tổng thống Zelensky như thế nào.
Thực hư chuyện Ba Lan, Pháp tính gửi quân tới Ukraine
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ thảo luận về khả năng gửi quân tới Ukraine sau một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng, theo Bloomberg ngày 11.12 dẫn một nguồn thạo tin.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời Thủ tướng Tusk ngày 12.12 cho biết Ba Lan không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. Ông Tusk đưa ra thông báo trên cùng với ông Macron - người đang có chuyến thăm Warsaw. Các nhà lãnh đạo cho biết nếu có lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga thì ý tưởng gửi quân đội châu Âu đến Ukraine sẽ nằm trong chương trình nghị sự của họ.
"Để chấm dứt suy đoán về sự hiện diện tiềm tàng của quốc gia này hay quốc gia kia tại Ukraine sau khi đạt được lệnh ngừng bắn, các quyết định liên quan Ba Lan sẽ được đưa ra tại Warsaw và chỉ tại Warsaw. Hiện tại, chúng tôi không có kế hoạch hành động như vậy", ông Tusk khẳng định.
Quân đội Anh có thể bị xóa sổ sau 6 tháng xung đột như ở Ukraine
Về phần mình, Tổng thống Macron nhấn mạnh Ukraine phải tự quyết định những nhượng bộ nào mà họ muốn thực hiện để có được hòa bình, nhưng để châu Âu được an toàn, thì toàn thể người dân lục địa này phải chịu trách nhiệm.
"Chúng tôi có cùng mong muốn nói với người Ukraine rằng không ai có thể thảo luận thay mặt người Ukraine về những nhượng bộ cần thực hiện, những điểm cần nêu ra, chính người Ukraine phải tự mình thực hiện, nhưng sẽ không có an ninh ở châu Âu nếu không có người châu Âu", ông Macron phát biểu.
Bình luận (0)