Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cuộc chiến còn dài

22/05/2019 09:00 GMT+7

Cuộc chiến sẽ còn căng thẳng hơn, gây tổn thương cho kinh tế toàn cầu và hai bên khó có thể sớm đạt thỏa thuận có giá trị thực thi.

Đó là những ý kiến mà các chuyên gia quốc tế trả lời Thanh Niên khi nhận định về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay.

Gây tổn thương kinh tế toàn cầu

Cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung hiện nay một phần bắt nguồn từ việc Bắc Kinh vẫn theo đuổi chính sách thương mại và quyền sở hữu trí tuệ - mà có thể đe dọa hệ thống thương mại quốc tế nếu được thực thi bởi một cường quốc kinh tế như Trung Quốc.
GS Dwight H.Perkins (Kinh tế gia tại Đại học Harvard, Mỹ)
GS Dwight H.Perkins (Kinh tế gia tại Đại học Harvard, Mỹ)
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có quan điểm về thương mại - mà hầu hết giới kinh tế học đều cho rằng là hơi khác thực tế. Ví dụ như Tổng thống Trump vẫn tin rằng việc Mỹ tăng thuế sẽ được “trả tiền” bởi Trung Quốc, nhưng thực ra thì chính người dân Mỹ sẽ phải chi trả nhiều hơn khi mua hàng. Ông Trump cũng tin rằng việc tăng thuế sẽ giúp cân bằng lại cán cân thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, để giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ thì người Mỹ cần tiết kiệm hơn. Nhưng điều đó lại không xảy ra.
Cuộc chiến tranh thương mại lần này chắc chắn sẽ gây tổn thương kinh tế toàn cầu, nhưng có dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu hay không thì còn phải chờ xem. Một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ xảy đến bởi nhiều yếu tố, mà trong đó còn có cả việc Anh rút khỏi EU (Brexit).
Việt Nam có thể phần nào hưởng lợi từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung lần này, bởi một số nhà đầu tư sẽ chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại cũng sẽ gây tổn thương cho kinh tế toàn cầu, mà VN chắc chắn cũng bị ảnh hưởng.
[VIDEO] Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lại leo thang

Căng thẳng Mỹ - Trung trầm trọng hơn

TS John Hamre  (Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ)
TS John Hamre  (Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ)
Tôi cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đột ngột thay đổi mà chẳng hề báo trước. Vì vậy, cho đến lúc này, rất khó để có thể hoàn toàn tự tin dự báo điều gì đối với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Có vẻ như căng thẳng giữa hai bên đang trầm trọng hơn. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã có hai bài phát biểu rất quan trọng về Trung Quốc với nhiều mặt chính trị, quân sự, kinh tế. Tôi nghĩ rằng đó chính là những quan điểm của Nhà Trắng đối với Bắc Kinh, nhưng Tổng thống Trump đang chủ yếu tập trung vào vấn đề thương mại.
Chương trình nghị sự về thương mại dường như đang dịch chuyển ngày càng tương thích hơn với các nội dung phát biểu của Phó tổng thống Pence. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có những động thái cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ngược lại, Bắc Kinh cũng cứng rắn hơn trong các đánh giá tiêu cực về Washington. Những gì đang diễn ra đã thể hiện cho điều đó.
[VIDEO] Mỹ cấm Huawei sẽ thúc đẩy Trung Quốc phát triển công nghệ?

Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu

Harry Kazianis (Giám đốc cấp cao Trung tâm lợi ích Mỹ, Tổng biên tập chuyên san The National Interest)
Harry Kazianis (Giám đốc cấp cao Trung tâm lợi ích Mỹ, Tổng biên tập chuyên san The National Interest)
Các thị trường tài chính toàn cầu đang bị điêu đứng bởi những cuộc đàm phán thương mại bế tắc giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến cho thị trường hàng ngàn tỉ USD bị đe dọa. Cụ thể, chỉ cần một quan chức cấp cao của Mỹ hoặc Trung Quốc, hay Tổng thống Mỹ Donald Trump viết một dòng trên mạng xã hội Twitter cũng đủ để thổi bay hàng tỉ USD trên thị trường chứng khoán.
Đáng lo ngại hơn, theo tôi thì những động thái của chính quyền Washington hiện nay chỉ là một phần của chiến lược lâu dài, trước sự thách thức của Trung Quốc đối với nền tảng hệ thống toàn cầu mà Mỹ hình thành từ sau Thế chiến 2.
Cuộc so kè sức mạnh này chỉ mới bắt đầu và sẽ còn trải qua các cao trào “nguy hiểm” hơn trong những năm tới.
Hai bên có thể phải ký một số thỏa thuận mà trong đó Trung Quốc cam kết mở cửa thị trường, tuân thủ bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và các nguyên tắc thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao thực thi các thỏa thuận đó? Và liệu khi vận động tranh cử đợt tới, chính quyền của Trump không tái diễn “điểm mặt” Trung Quốc là nguyên nhân của những vấn đề mà Mỹ phải đối mặt?
Với Việt Nam thì đây cũng ẩn chứa cơ hội nhất định nào đó. Cụ thể, về dài hạn, các nhà đầu tư, đặc biệt là Mỹ, có thể nhận ra rằng sẽ có rủi ro nếu đặt hoạt động tại Trung Quốc, nên cần tìm kiếm sự thay thế trong việc phát triển chuỗi cung ứng. Tất nhiên, để có thể tận dụng cơ hội lâu dài này, Mỹ cần phải nhận được sự cam kết luật chơi từ đối tác.
 
Mỹ tạm cho phép Huawei mua thiết bị
Mỹ tạm cho phép Huawei mua thiết bị
ẢNH: AFP
Bộ Thương mại Mỹ hôm qua tạm nới lỏng hạn chế thương mại áp đặt đối với Huawei nhằm tránh gây xáo trộn cho các khách hàng hiện tại của tập đoàn Trung Quốc này, theo Reuters.
Hôm 15.5, Bộ Thương mại đưa Huawei và 68 chi nhánh ở 26 quốc gia vào một “danh sách đen”, khiến tập đoàn này gặp khó khăn hơn trong việc mua linh kiện và công nghệ quan trọng từ Mỹ cho sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, nhằm ngăn chặn hệ quả tiêu cực đối với người tiêu dùng Mỹ đang dùng thiết bị Huawei, Washington quyết định ban hành giấy phép tạm thời, có hiệu lực đến ngày 19.8, cho phép tập đoàn Trung Quốc mua thiết bị Mỹ để duy trì mạng lưới cũng như cập nhật phần mềm cho các điện thoại và máy tính hiện tại. Huawei vẫn sẽ bị cấm mua thiết bị Mỹ để sản xuất sản phẩm mới nếu giấy phép liên quan không được phê chuẩn.
Cũng hôm qua, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (ảnh) tuyên bố những động thái của Washington “không có ý nghĩa lớn” vì Huawei đã chuẩn bị cho viễn cảnh bị ngăn trở mua thiết bị Mỹ.
“Hành động hiện nay của chính quyền Mỹ cho thấy họ đánh giá thấp các khả năng của chúng tôi. Mạng 5G của Huawei tuyệt đối không bị ảnh hưởng. Nói về công nghệ 5G, không ai có thể đuổi kịp Huawei trong 2 - 3 năm nữa”, ông Nhậm tuyên bố trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài CCTV. 
Văn Khoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.