Chiến trường mới trong cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung

Văn Khoa
Văn Khoa
17/12/2019 07:21 GMT+7

Trong cuộc cạnh tranh chiếm ưu thế về cơ sở hạ tầng công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc , trận chiến mới nhất đang diễn ra dưới đáy Thái Bình Dương.

Hiện nay có 23 tuyến cáp ngầm truyền dữ liệu đang hoạt động dưới đáy Thái Bình Dương, trong đó có nhiều tuyến chạy ngang qua các đảo quốc Thái Bình Dương trên đường kết nối giữa TP.Los Angeles (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản) và Singapore, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Từ đây đến năm 2021, dự kiến sẽ có một số dây cáp với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỉ USD được đưa vào sử dụng và 6 trong số đó sẽ kết nối các đảo quốc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc các công ty viễn thông Trung Quốc tham gia phát triển hạ tầng internet thế hệ mới nhất ở khu vực đang khiến Mỹ chú ý hơn.

Quan ngại về an ninh

Hồi tháng 8, The Wall Street Journal (WSJ) loan tin Bộ Tư pháp Mỹ có dấu hiệu kiên quyết phản đối một dự án cáp sắp hoàn thành, mang tên Mạng lưới cáp quang Thái Bình Dương, vì quan ngại về nhà đầu tư Trung Quốc Dr Peng Telecom & Media Group.
Theo giấy phép tạm thời cho dự án, đã hết hạn vào tháng 9, mạng lưới cáp dài 12.800 km dưới đáy biển từ Hồng Kông đến Los Angeles sắp hoàn thiện. Tuy nhiên, một số nguồn thạo tin tiết lộ rằng giới đầu tư có nguy cơ không xin được giấy phép cần thiết để thực hiện kinh doanh vì sự phản đối từ ủy ban xem xét các vấn đề về viễn thông do Bộ Tư pháp Mỹ dẫn đầu. Đây có thể là dự án cáp biển đầu tiên bị ủy ban này bác bỏ vì lý do an ninh quốc gia, tạo ra tiền lệ cho việc Mỹ cứng rắn hơn về sự tham gia đầu tư vào cáp biển của Trung Quốc, theo SCMP.
Quan ngại tương tự đã khiến dự án cáp kết nối Vanuatu và Papua New Guinea có liên quan đến công ty Trung Quốc bị hủy hồi năm ngoái, sau khi Úc nhảy vào tài trợ cáp riêng, theo SCMP. Cụ thể, chỉ vài tháng sau khi Công ty Cáp biển đảo quốc Solomon thuộc chính phủ nước này đồng ý tiến hành dự án với Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) vào giữa năm 2017, Úc bỏ ra 67 triệu USD cho dự án kết nối TP.Sydney với đảo quốc Solomon và Papua New Guinea thông qua dây cáp do Công ty Mạng dưới biển Alcatel thuộc Tập đoàn Nokia lắp đặt dưới biển San hô.

Ra sức cạnh tranh

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm qua khẳng định theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một, giá trị xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi, lên mức 200 tỉ USD trong 2 năm tới. Trả lời phỏng vấn Đài CBS hôm 14.12, ông Lighthizer nhấn mạnh thỏa thuận mà hai bên đạt được về nguyên tắc hôm 13.12, “đã được hoàn thành”, chỉ còn một số công đoạn để ra văn bản cuối cùng và có thể chính thức ký kết trong tháng 1.2020. Mặt khác, đại diện thương mại Mỹ khẳng định thành công của thỏa thuận sẽ tùy thuộc vào quyết định của phía Trung Quốc.
SCMP dẫn lời một số chuyên gia cho rằng các công ty công nghệ Trung Quốc lâu nay âm thầm thách thức ưu thế của Mỹ, Nhật và châu Âu về xương sống của internet là cáp biển. Hiện các công ty Trung Quốc đang nhắm vào một trong những khu vực có hạ tầng kết nối internet yếu nhất của thế giới là các đảo quốc Thái Bình Dương. Ở Papua New Guinea, hệ thống nội địa Kumul do Huawei xây dựng, với vốn vay từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc, đã đi vào hoạt động trong năm nay. Ngoài ra, các công ty viễn thông nhà nước của Trung Quốc như China Unicom có khả năng tiếp cận nhiều tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương hiện hữu.
Theo Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI), China Unicom có khả năng tiếp cận hệ thống cáp đôi dài 30.500 km kết nối Mỹ với Úc và New Zealand, được biết với tên gọi Southern Cross, thông qua một thỏa thuận cho thuê với một trong những công ty sử dụng cáp đó. Tương tự, China Unicom cũng có thể tham gia vào hệ thống cáp ngầm dài 20.000 km, được đưa vào sử dụng từ năm 2009, kết nối Mỹ, Hồng Kông, VN, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei và Philippines.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.