(iHay) Bánh tráng bẻ giòn giòn, chén mắm quá ngon càng 'tôn vinh' thêm vị thơm ngọt của từng miếng cá nhái thu nướng.
>> Khó quên canh lá giang nấu đầu cá thu
Hình như những buổi chiều mùa đông, nhất là mùa đông miền thôn dã, hay gợi lên những tâm tình… ẩm thực. Như chiều nay, vượt 60 cây số từ thành phố Quảng Ngãi về thăm nhà bạn ở thôn Châu Me (Phổ Châu, Đức Phổ, Quảng Ngãi), từ chuyện bạn mời mình “phủi cẳng ngồi xuống thềm nhà uống tí trà cho ấm”, mình lập tức “sinh chuyện” ngay: “Thềm gạch men lạnh lẽo, lại chỉ có ẩm mà không có… thực. Ấm cái nỗi gì”.
Vợ bạn kéo cái tàu dừa khô từ vườn đi vào nhanh nhảu nói có mớ cá nhái thu kia nè, để tui nướng hai anh em làm chút cho vui. Anh bạn mình bỗng dưng trợn mắt, nghiêm giọng: “Em ghê thật! Dám nướng hai anh em tụi tui làm mồi nhậu”. Chị vợ cười tít mắt, nói xin lỗi hai ông "giáo sư" văn chương vĩ đại. Anh chồng cười khà khà, tự sướng về câu đùa ý vị. Còn mình thì hỏi cá đâu, cá đâu? Nói ngay, mình hỏi dồn hỏi dập một phần do cái tật “mê mồi”, một phần vì cái tên cá lạ quá, mình chưa nghe bao giờ: Cá nhái thu!
Anh bạn giải thích sở dĩ gọi là cá nhái thu vì hình dáng con cá vừa giống cá nhái: mình thon dài, mảnh mai; vừa giống cá thu: mỏ ngắn, đuôi xòe ra như đuôi chim én. Anh bạn “tấn công” mình, nói ông ở chốn phồn hoa đô hội, xa đám dân làng chài tụi tui, làm sao biết cá nhái thu là con… khỉ gì. Châu Me quê tui có câu: “Ăn cá nhái thu, không đội dù cũng mát”.
Chị vợ vừa trở cá trên bếp lò vừa nạt chồng: “Đồ quỷ, nói không biết giữ mồm giữ miệng. Nổ vừa thôi nghen anh. Đi giã mắm ớt giùm em cái. Cá sắp chín rồi nè”. Mùi cá nướng vương khắp gian bếp đã thơm, cái giọng nựng chồng của chị vợ còn… thơm hơn cá. Có lẽ chẳng cần phải hỏi thăm hỏi nom gì cả. Ngay nơi góc bếp này mình đã thấy vợ chồng ông bạn hạnh phúc vô biên.
Vẫn chỗ cũ, “phủi cẳng ngồi trước thềm” nhưng lần này mình thấy ấm thực sự vì… có ẩm. Không phải trà suông mà là thứ rượu gạo thơm ngạt ngào hương lúa. Và đặc biệt: đĩa cá nhái thu nướng vàng ươm.
“Ăn đi ông, hổng xương xẩu gì đâu mà sợ. Chỉ mùa nước đục này biển mới cho cá nhái thu vừa mập vừa béo. Chấm vô chén mắm nè. Đó đó, tuyệt chưa. Mắm cá cơm “cực chất” đó nghen”. Chị vợ lại nạt: “Cái ông này, nổ quá banh xác có ngày. Bạn bè lâu lâu mới gặp, không hỏi thăm ảnh một tiếng, cứ ba hoa toàn chuyện đâu đâu”. Nói rồi chị vợ phủi cái xương cá dính trên khóe miệng chồng. Lại một lần nữa mình thấy cá đã ngọt, cái điệu âu yếm của chị với chồng càng ngọt hơn.
Anh chồng chống chế, nói hắn cưỡi ngựa sắt đi một lèo vô đây là biết mạnh giỏi rồi. Còn bày đặt hỏi thăm sức khỏe! Mình cũng góp vui, nói tui không thích hỏi thăm sức khỏe, vì sức khỏe là… sẽ khuất. Ai già rồi cũng… khuất. Nhưng trước khi khuất mà hưởng… suất cá nhái thu nướng mới yên tâm. Hai vợ chồng cười ha hả.
Bánh tráng bẻ giòn giòn, chén mắm quá ngon “tôn vinh” thêm vị thơm ngọt của từng miếng cá. Mình vừa ăn vừa lắng nghe chất cá nhái “qua lại” với chất cá thu. Thì ra, không chỉ hòa hợp về hình dong, loại cá này còn hòa hợp về “nội dung” nữa. Ngon chưa từng thấy. Mình nói với hai vợ chồng: “Tui chính thức tuyên bố đã phải lòng cá nhái thu ngay từ chiều nay”.
Vợ bạn cười mãn nguyện vì là “tác giả” của món này. Riêng ông bạn mình cười tủm tỉm rồi bỗng dưng “mày tao”: “Nói nghe nè, cá nhái thu chữa… hiếm muộn hay lắm, vì nhái thu là… nhú thai. Vui thôi nghe. Mà này, được đãi thằng bạn rành ẩm thực như mày, vợ chồng tao thấy… ôi vô cùng diễm phúc”.
Trần Cao Duyên
>> Bổ dưỡng với trứng cá thu
>> Chả cá thu lá lốt ngon ấn tượng
>> Thơm lừng cá thu một nắng Hạ Long
>> Cá thu đóng hộp, ai bảo không ngon?
Bình luận (0)