TNO

Chiều thứ bảy tràn trề hương lịch củ

24/09/2016 14:32 GMT+7

(iHay) Chiều nay mưa. Anh chàng “tự sự” trong “truyện” này, là mình, lại ngồi nhớ lịch củ, món lai rai tuyệt cú mèo.

(iHay) Chiều nay mưa. Những cơn mưa miền Trung thường dai dẳng. Cái cảnh “trời mưa lâm thâm” rất dễ nhớ thầm người yêu cũ (nếu chưa có người yêu mới). Nhưng anh chàng “tự sự” này, là mình, lại ngồi nhớ lịch củ, món lai rai tuyệt cú mèo.
Có lẽ nỗi nhớ màu… ẩm thực thường giao cảm với bạn bè. Chẳng thế mà chiều thứ bảy, mở điện thoại ra, a lô vài dạo, đứa nào cũng nói mày nhắc “lịch củ” đúng thời điểm lắm. Trời mưa lâm thâm, gió lành lạnh kiểu này mà ngồi trước đĩa lịch củ nướng, lai rai với mấy chai bia thì… thiên địa mênh mang cỡ nào cũng hữu hạn thôi. Cuối tuần rồi, tạm xếp lịch làm việc, mình đến với lịch củ.
Lịch củ có bà con dòng họ thế nào đó với lươn, chình, chạch nên thân tròn, mình dài, da nhớt. Tàu giã cào về, ngư dân trút lịch củ ra từ bọc đựng cá, con nào còn sống thì trườn bò loằn ngoằn chẳng khác con rắn trun trên bờ khiến ai cũng sợ. Ấy vậy mà khi lịch củ được chế biến thành món ăn, nhất là món nướng mọi, cái lưỡi nào khó tính nhất cũng công nhận là ngon tới độ… ngàn năm ái mộ luôn.
Mổ dọc bụng lịch củ theo chiều từ trên xuống dưới, bỏ đầu, nạo sạch ruột, xát với chút ít nước muối loãng pha gừng để khử mùi tanh, xắt khúc ngắn bằng đốt ngón tay, ta có ngay nguyên liệu để sẵn sáng chế các món ăn tùy thích.
Xào sả ớt là món mà các bà nội trợ thường làm để “bón thúc” mấy đứa con chậm lớn. Gặp món này, chúng ăn dữ lắm, tranh nhau đưa chén cho mẹ xúc cơm. Còn ba tụi nó hả? Mấy ổng thường bỏ cơm khi có lịch sả ớt vì “thêm nửa xị rượu gạo với cái bánh tráng giòn giòn là được rồi”. Có bà vợ “hữu hảo” hỏi sao anh không làm chén cơm cho ấm bụng rồi hẵng uống, anh chồng cười khà khà nói rượu là tinh chất của gạo em à. Hạnh phúc là được em làm đĩa lịch củ nhâm nhi, cơm nước là cái li ti, em nhắc chi cho… phức tạp.
Các anh ngư dân thường tranh thủ mổ lịch củ giữa hai lần bủa giã. Không rửa qua nước ngọt, họ để nguyên thế rồi phơi luôn trên giàn cabin tàu. Con lịch khô một cách… hoang sơ, vẹn nguyên mùi biển. Phơi giữa đại dương như thế, lịch sạch tươm, không vướng chút bụi. Có người gọi lịch phơi khô ngay trong phiên đánh bắt là lịch “sinh thái”. Dạo trước, những ngư dân làm siêng còn tẩm ướp gia vị mắm đường tiêu ớt vào con lịch trước khi phơi. Lịch phơi kiểu này khi nướng lên ăn chỉ nghe mùi gia vị. Còn “hồn cốt” của lịch thì bay đâu mất tiêu. Nghe “phản hồi” của dân lai rai, các anh thôi, không ướp nữa, cứ để nguyên “rin” vậy mà phơi.
Vào bờ, lịch khô được ngư dân bó thành từng bó, mỗi bó vài chục con. Họ bán một ít để lấy tiền tiêu vặt. Số còn lại, họ tặng cho người thân, bạn bè. Ai… vô phước vì không có bạn làm biển, muốn lịch củ phải mua mới có. Mình thì “phước” tràn trề. Có một “chùm” bạn ngư dân, tủ bếp nhà mình lúc nào cũng thơm mùi lịch củ.
Theo lời “kêu gọi” của mình, chiều nay bốn đứa tới nhà bày lịch củ ra nướng. Một thằng bạn… đương kim ngư dân giành phần hỏa đầu quân. Nó nướng nghệ thuật lắm: nhẩm đếm từ một tới năm là trở vỉ. Cứ thể nó trở đều vỉ lịch trên bếp than hồng. Có lúc nó thêm bớt chút đỉnh thời gian để con lịch đạt tỷ lệ “một sém hai vàng”. Nó nói vàng là chín, chín thì lịch mới ngọt hết mình. Còn sém là cháy sém chút đỉnh (như cơm cháy) để tạo mùi thơm. Nướng như mấy ông bữa trước, con thì cháy đen như than, con thì sống sít. Nướng vậy lịch nó… tịch hết, lấy đâu mà ăn.
Mình khen nó tài. Nó nhăn răng cười nói thôi thôi, tài chi cho khổ. Rồi nó vờ tự ái, giọng hờn mát nói như tao đây, đã gian khổ ngoài biển kiếm cá, giờ trong bờ còn lui cui nướng cho mấy thằng thư sinh dài lưng tốn vải ăn.
Lịch củ thịt mềm, đạm nhiều, có thằng bạn “cuồng lịch” cứ khăng khăng lịch là “con sâm nước”. Gặp miếng dày, chỗ ức và bụng lịch thì cắn đến ngập răng luôn, càng nhai càng ngọt càng thơm. Đặc biệt là vị ngọt. Cơ hồ như đó là cái ngọt được tinh lọc từ sóng gió mưa nắng xa khơi. Xô ly bia vào nhau, nghe chiều thứ bảy tràn trề hương lịch củ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.