Chiêu trò trục lợi chính sách ở Trà Vinh: Cần xử lý nghiêm cán bộ sai phạm

Bắc Bình
Bắc Bình
06/05/2020 08:14 GMT+7

Mặc dù gây ra nhiều sai phạm trong các phi vụ trục lợi chính sách liên quan đến đất đai dành cho người có công ở các huyện, nhưng hàng loạt cán bộ lãnh đạo ở tỉnh Trà Vinh chỉ bị đề nghị kiểm điểm.

Dư luận cho rằng nếu chỉ bị kiểm điểm trách nhiệm là quá nhẹ, không tương xứng với mức độ sai phạm; bởi như Thanh Niên số ra các ngày 4 - 5.5 đã đề cập, nếu không có sự dễ dãi, làm ngơ, tiếp tay của một số cán bộ, thì “cò” đất và các chủ đất không thể dễ dàng trục lợi.

Cán bộ không “tiếp tay”, không thể gian lận

Theo một cán bộ công tác tại Sở TN-MT Trà Vinh, quy trình làm hồ sơ liên quan đất đai rất chặt chẽ, trải qua sự thẩm định, xác thực của nhiều cơ quan, đơn vị chức năng.
Cũng theo vị cán bộ này, đối với 25 người (là các “cò” đất, chủ đất) liên quan 18 hồ sơ trục lợi chính sách vừa bị Thanh tra tỉnh Trà Vinh chuyển sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh điều tra làm rõ hành vi gian lận hồ sơ để trục lợi chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, dù tài giỏi cách mấy họ cũng không thể tự thực hiện được. Nghĩa là, nếu không có sự tiếp tay của hàng loạt người có thẩm quyền tại cơ quan, tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực (khi chuyển đổi chủ sở hữu thửa đất); lãnh đạo và địa chính cấp xã tại nơi có thửa đất (xác định ranh giới hành chính tiếp giáp, có hay không việc tranh chấp, chứng thực các hồ sơ, giấy tờ...); cán bộ ở Văn phòng đăng ký đất đai và Phòng TN-MT huyện (kiểm tra tính pháp lý của các chứng từ trong hồ sơ đã nhận, xác minh hoặc yêu cầu chứng minh, tham mưu...); chuyên viên, lãnh đạo chi cục thuế (xác định tính đúng đắn và quyết định tỷ lệ hưởng số tiền miễn giảm); Văn phòng UBND cấp huyện (xem xét hồ sơ lần cuối trước khi trình lãnh đạo) và lãnh đạo UBND huyện (đưa ra quyết định cuối cùng đối với việc hoàn thành hồ sơ)..., thì những chủ đất, “cò” đất dù có “3 đầu 6 tay” cũng chẳng thể nào làm được những bộ hồ sơ không đúng đối tượng hưởng chính sách.
Chiêu trò trục lợi chính sách ở Trà Vinh: Cần xử lý nghiêm cán bộ sai phạm1

Ông Trần Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Trà Vinh, ký nhiều hồ sơ sai phạm gây thất thoát hàng chục tỉ đồng

ẢNH: B.B

Cụ thể, chủ đất hoặc “cò” đất muốn hoàn tất một bộ hồ sơ không đúng đối tượng hưởng chính sách để trục lợi, thì buộc phải chuyển đổi đối tượng hưởng quyền sử dụng đất (ít nhất 2 lần), chuyển đổi mục đích sử dụng đất (ít nhất 1 lần). Như vậy, mỗi bộ hồ sơ được hưởng chính sách phải qua tay mỗi cán bộ từ cấp xã đến lãnh đạo UBND huyện ít nhất 3 lần trong vòng 3 tháng. Trong khi đó, chỉ cần 1 trong số hàng loạt cán bộ tiếp xúc, xử lý hồ sơ mà phát hiện, thì hành vi trục lợi của chủ đất hoặc hành vi làm dịch vụ “cò” đất trái pháp luật sẽ ngay lập tức bị ngăn chặn.

Nhiều cán bộ đã có dấu hiệu phạm tội hình sự ?

Trong phần kiến nghị - xử lý sai phạm trục lợi chính sách, Thanh tra tỉnh Trà Vinh nhắc tới hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật xử lý các hành vi liên quan lĩnh vực đất đai và Nghị định 34 năm 2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sai phạm... Đặc biệt là Quy định 102/QĐ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị về hành vi “thiếu trách nhiệm, thực hiện không đầy đủ, không đúng, không kịp thời về chính sách an sinh xã hội”; Thông báo 473 năm 2018 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư đề nghị Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ triển khai thanh tra diện rộng sau khi có kết luận sai phạm về miễn, giảm cho đối tượng chính sách cải thiện chỗ ở xảy ra tại TP.Trà Vinh…
Chiêu trò trục lợi chính sách ở Trà Vinh: Cần xử lý nghiêm cán bộ sai phạm2

Ông Diệp Văn Thạnh, Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh, bị khởi tố do sai phạm trong quản lý đất đai

ẢNH: B.B

Cũng liên quan đến sai phạm trục lợi chính sách xảy ra phổ biến trên toàn địa bàn tỉnh Trà Vinh, bao gồm 7 huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải và TP.Trà Vinh, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Văn phòng Tỉnh ủy Trà Vinh đã ra thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh, ghi rõ: “Cán bộ, công chức, viên chức môi giới sẽ bị xử lý đồng bộ với cán bộ đã sai phạm tương tự tại TP.Trà Vinh. Số cán bộ ký sai hồ sơ nếu thiệt hại số tiền ít thì kiểm điểm trách nhiệm, nếu sai với số lượng lớn thì xem xét xử lý theo pháp luật như tại TP.Trà Vinh”.
Đối với gần 100 cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức ở 7 huyện có sai phạm, hầu hết đều được Thanh tra tỉnh Trà Vinh đề nghị kiểm điểm trách nhiệm.
Trước đó, trong vụ sai phạm trục lợi chính sách xảy ra tại Phòng TN-MT TP.Trà Vinh gây thiệt hại khoảng 120 tỉ đồng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố vụ án và 13 bị can về hành vi “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trong số các bị can có cả người đương chức Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND TP.Trà Vinh; Trưởng, phó, chuyên viên Phòng TN-MT...
Trả lời Thanh Niên, luật sư Bùi Trung Linh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu xét về quy mô thì các sai phạm xảy ra tại 7 huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải (nay là thị xã) vừa được Thanh tra tỉnh Trà Vinh công bố (qua các hồ sơ thanh tra, bước đầu xác định thiệt hại tổng số tiền ngân sách khoảng 11 tỉ đồng) không bằng sai phạm tại TP.Trà Vinh (khoảng 120 tỉ đồng), nhưng xét về chiêu trò trục lợi thì khá giống nhau, tức là cũng có chủ đất trục lợi, “cò” đất làm dịch vụ phi pháp, cán bộ tham mưu sai, lãnh đạo “ký bừa”…
Theo luật sư Bùi Trung Linh, việc Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh kết luận “nếu sai với số lượng lớn thì xem xét xử lý theo pháp luật như tại TP.Trà Vinh” là khá mơ hồ. Trong khi đó, nếu căn cứ quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự 2015 mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đã áp dụng khởi tố đối với vụ án “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại TP.Trà Vinh, việc hàng loạt cán bộ lãnh đạo UBND cấp huyện “ký bừa”, thì chỉ cần gây thất thoát từ 100 triệu đồng trở lên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.  

“Điểm danh” cán bộ dính sai phạm

Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND H.Trà Cú, ký 7 hồ sơ, thất thoát gần 400 triệu đồng.
Ông Nhan NaNi, Phó chủ tịch UBND H.Trà Cú, ký 7 hồ sơ, thất thoát 314 triệu đồng.
Ông Ưng Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND H.Càng Long, ký 1 hồ sơ, thất thoát 811 triệu đồng.
Ông Đoàn Trung Thống, nguyên Phó chủ tịch UBND H.Càng Long (đã về hưu), ký 5 hồ sơ, gây thất thoát hơn 1,1 tỉ đồng…
Ông Lâm Sáng Tươi, Bí thư Huyện ủy Châu Thành (nguyên Chủ tịch UBND H.Châu Thành), ký 1 hồ sơ, gây thất thoát 423 triệu đồng.
Ông Trần Văn Diều, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy (nguyên Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành), ký 26 hồ sơ, gây thất thoát hơn 2,6 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Nguyền, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh (nguyên Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành), ký 9 hồ sơ, thất thoát hơn 1,2 tỉ đồng.
Ông Thạch Chiên, Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành, ký 2 hồ sơ, thất thoát 451 triệu đồng.
Ông Ngô Thanh Xuân, Phó chủ tịch UBND H.Cầu Kè, ký 7 hồ sơ, thất thoát 924 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đức Mậu, Phó chủ tịch UBND H.Cầu Ngang, ký 2 hồ sơ, thất thoát 227 triệu đồng.

Ký sai gây thất thoát dưới 100 triệu đồng:

Ông Kim Ngọc Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh (nguyên Chủ tịch UBND H.Trà Cú).
Ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh (nguyên Chủ tịch UBND H.Trà Cú).
Ông Đoàn Minh Phương, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trà Vinh (nguyên Chủ tịch UBND H.Cầu Kè).
Ông Kiên Văn Dung, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trà Vinh (nguyên Phó chủ tịch UBND H.Duyên Hải).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.