Chiêu trò trục lợi chính sách ở Trà Vinh: Lãnh đạo có trách nhiệm nói gì ?

Bắc Bình
Bắc Bình
07/05/2020 05:00 GMT+7

Gần 100 cán bộ, công chức, viên chức ở Trà Vinh... sai phạm nhưng chỉ mới có 13 đối tượng bị khởi tố.

Như Thanh Niên ngày 4 - 6.5 phản ánh, gần 100 cán bộ, công chức, viên chức... trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có sai phạm gây ra các phi vụ trục lợi chính sách đất đai dành cho người có công, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 131 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có 13 đối tượng gồm cán bộ lãnh đạo, công chức, “cò” đất bị khởi tố trong vụ sai phạm xảy ra tại Phòng TN-MT (thuộc UBND TP.Trà Vinh).
Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức (nhiều cá nhân là chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện, và trong đó có nhiều người còn được “thăng quan” lên lãnh đạo cấp tỉnh) còn lại ở 7 huyện của tỉnh Trà Vinh, bao gồm Châu Thành, Cầu Ngang, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải (nay là thị xã) chỉ bị Thanh tra tỉnh Trà Vinh đề nghị kiểm điểm.

Kiểm điểm có “nhẹ tay” ?

Một nội dung quan trọng cần phải nói rõ, sau vụ án xảy ra tại Phòng TN-MT (thuộc UBND TP.Trà Vinh), từ tháng 2.2020 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh có văn bản nêu rõ quan điểm xử lý đối với các sai phạm tương tự tại 7 huyện khi Thanh tra tỉnh Trà Vinh thanh tra mở rộng: “Quá trình thực hiện thanh tra, nếu phát hiện trường hợp nghi vấn đến việc mua bán chế độ chính sách, lợi dụng chế độ chính sách của nhà nước để trục lợi..., thì cho tạm dừng, đồng thời trao đổi với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh để giải quyết”. Nội dung này được ban hành căn cứ theo Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ về quy chế phối hợp giữa Cơ quan CSĐT, Viện kiểm sát, cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua công tác thanh tra.
Quá trình thanh tra mở rộng tại 7 huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú và Duyên Hải, Thanh tra tỉnh Trà Vinh phát hiện sai phạm của hàng loạt cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, xã, “cò” đất trong 105 hồ sơ (được miễn, giảm tiền sử dụng đất cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng) sai so với quy định, bước đầu gây thất thoát ngân sách hơn 11 tỉ đồng.
Chính vì vậy, khi Thanh tra tỉnh Trà Vinh đề nghị kiểm điểm hầu hết cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức gây ra các phi vụ trục lợi chính sách tại 7 huyện trên, dư luận hoài nghi Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã thiếu khách quan hoặc “nhẹ tay” trong xử lý vi phạm khi chỉ đề nghị xử lý trách nhiệm hành chính.
Về vấn đề này, trả lời Thanh Niên qua điện thoại, ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, đề nghị PV trao đổi với Chánh thanh tra tỉnh, vì “tôi đã giao cho Thanh tra tỉnh xử lý vụ này”. Trong khi đó, về thẩm quyền chỉ đạo việc kết luận, thực hiện xử lý vi phạm theo luật Thanh tra năm 2010 với vụ việc sai phạm trục lợi chính sách đất đai trên địa bàn 7 huyện (gây thất thoát ngân sách hơn 11 tỉ đồng) là của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.
Ngày 6.5, ông Phạm Khải Trung, Chánh thanh tra tỉnh Trà Vinh, cho biết thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại công văn (mật) ngày 14.4 về việc kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh đối với các sai phạm trục lợi chính sách hơn 11 tỉ đồng, Thanh tra tỉnh đã đề nghị kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật (nếu có); và hiện các cơ quan, đơn vị có cán bộ bị đề nghị xử lý hành chính đang khẩn trương thực hiện.
“Khi các cơ quan đơn vị quản lý cán bộ có dính sai phạm kiểm điểm, xử lý kỷ luật xong và có thông báo đến, thì chúng tôi sẽ lập tức thông tin đến Báo Thanh Niên”, ông Trung nói nhưng thừa nhận không biết đến thời điểm nào thì các cơ quan, đơn vị liên quan mới thực hiện xong và có thông báo đến Thanh tra tỉnh Trà Vinh.

Đừng tự làm khó mình !

Theo luật sư (LS) Bùi Trung Linh (thuộc Đoàn LS TP.HCM), căn cứ bộ luật Hình sự 2015, khi quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, thì chỉ cần gây thất thoát từ 100 triệu đồng trở lên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước).
Song song đó, LS Linh còn cho rằng trong các phi vụ trục lợi chính sách xảy ra trong thời gian khá dài, lặp đi lặp lại mà Thanh Niên đề cập, còn xuất hiện một số dấu hiệu của tội phạm hình sự khác, như cố ý làm trái các quy định nhà nước; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; thông đồng, bao che cho người nộp thuế...
“Những vấn đề nêu trên chỉ được xác định sau khi cơ quan điều tra vào cuộc và có kết luận. Tôi nghĩ, các dấu hiệu từ các hồ sơ sai phạm bị phanh phui và đối chiếu với cách xử lý tại vụ án tại TP.Trà Vinh, thì cần thiết phải chuyển nhiều hồ sơ với đối tượng bao gồm cả cán bộ lãnh đạo sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh xem xét. Việc Thanh tra tỉnh Trà Vinh chỉ đề nghị các cơ quan nơi cán bộ công tác có hình thức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật mà không kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra sẽ rất dễ rơi vào tình trạng khó xử lý trước các nguyên tắc “không ai bị xử lý 2 lần đối với một hành vi phạm tội”, LS Linh nói thêm.
Theo phân tích của LS Linh, trong các vụ trục lợi chính sách ở 7 huyện trên, Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã chuyển 18 vụ với 25 đối tượng nhưng chỉ là “cò” đất, chủ đất sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh rất dễ khiến cho dư luận thắc mắc, đặc biệt là khi dư luận đối chiếu với vụ sai phạm có nhiều dấu hiệu tương tự tại TP.Trà Vinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.