Chiều về trên đồi Tăng Nhơn Phú

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
09/05/2020 08:12 GMT+7

“Ta ngồi đây mơ chiều Tăng Nhơn Phú. Nhìn hoa rơi nhớ người đến vô vàn. Ngựa hồng ơi bao năm rồi. Tàn cuộc vui sao quanh đời...” l à một đoạn của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, tôi nghe đúng vào ngày ông rời cõi tạm.

Vọng khúc hát ấy, Hát trên đồi Tăng Nhơn Phú, qua chất giọng nồng ấm của Elvis Phương, khi về lại chốn này!

... không còn thấy hoa rơi!

Tháng năm. Nắng lững thững thảng hoặc lại ngả màu vì mây xám và mưa. Chiều, với những thanh âm bây giờ đã quá xô bồ. Đi dài theo đại lộ Phạm Văn Đồng, băng qua ngôi chợ Thủ Đức, một con phố có trưng rải rác bảng bán nem đặc sản. Con đường Võ Văn Ngân hơi quanh co chút rồi chui qua dưới công trình metro đang hối hả để hoàn thành. Vậy là vượt qua phía bên kia. Thêm một quãng nữa vài ba cây số, ấy là nơi tọa lạc các phường phía tây của Q.9, nằm trên một dải đất giữa hai khu hành chánh trung tâm của hai quận, trong đó có Tăng Nhơn Phú…
Chẳng thấy hoa rơi đâu nữa. Nhưng tôi đã thấy bộn bề nhịp điệu sống sôi động, người xe tấp nập. Dừng lại một chút, tuyến metro hoành tráng đang hút tầm mắt xuyên ngoằn ngoèo cặp theo xa lộ Hà Nội dài về phía Long Bình. Nơi đây, vốn là một vùng đất lắm ruộng vườn, cũng từng có nhiều đình chùa do những người mở cõi thuở xa xưa xây dựng. Đang mùa Phật đản, nên lại thấy trên đường có người đi lễ chùa, với nhang trầm hoa quả.
Ở nơi này, có một ngôi đình đặt tên từ lâu là đình Phong Phú, được xây dựng đã hơn trăm năm, bây giờ thuộc P.Tăng Nhơn Phú B. Bao trọn một khuôn viên hơn 4 ha, đình là một di tích được công nhận cấp quốc gia, đặc trưng cho nếp thờ cúng tâm linh của người Nam bộ. Ngôi đình này là chứng nhân biết bao thăng trầm của miệt đất ven Sài Gòn xưa cũ. Đình thờ Thành hoàng, xây dựng cuối thế kỷ 19, đến năm 1937 được tu tạo lại bằng tường gạch, lợp ngói âm dương. Sau biết bao lần bị phá hủy rồi lại tái lập, đến năm 1975 được tu sửa hoàn chỉnh cho đến ngày nay. Không chỉ giá trị thiêng liêng được xem như một nơi để người dân gửi gắm vào bao ước vọng bình an qua mỗi kỳ lễ tết, đình Phong Phú từ lâu đã xác lập một giá trị tín ngưỡng lâu bền của người Sài Gòn suốt hơn một thế kỷ qua.

Ống khói lò nung nhà máy gạch Long Bình thập niên 90

Ảnh: T.T.B

Cũng theo nhiều nguồn sử liệu, cách đó không xa (nay thuộc địa bàn P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức) là vùng đất đã từng sinh ra người thiếu nữ có tên là Hồ Thị Hoa, vợ của Đông cung Thái tử Nguyễn Phúc Đảm, sau này là vua Minh Mạng, và là mẹ của vua Thiệu Trị. Bà là con gái của Phúc Quốc công Hồ Văn Bôi (gốc xứ Nghệ vào nam lập nghiệp), người rất nhiều lần vào sinh ra tử, xông pha trận mạc với vua Gia Long trong những lần đánh dẹp, mở cõi phương nam và lập nên một triều đại. Bởi vậy, sau khi xác lập ngôi báu, sự tôn vinh của triều Nguyễn đối với gia tộc họ Hồ ở Thủ Đức thuở ấy là một trong những câu chuyện đẹp còn truyền lại trong sử sách và tâm khảm của bao thế hệ người dân xứ này.

Thương hiệu gạch trăm năm

Vào khoảng những năm 1990, tôi được biết tại địa phận P.Long Bình (Q.9) có một nhà máy gạch lâu đời, nên đi tìm hiểu xem sao. Lui tới một thời gian, cứ tưởng rằng đây cũng chỉ là một thương hiệu gạch ngói bình thường, nhưng không phải vậy. Hóa ra đây là nhà máy được Pháp xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20 có tên tắt là Satic. Loại sản phẩm gạch nung này một thời đã chiếm ưu thế trên thị trường gạch xây dựng của xứ nhiệt đới.
Ông Phạm Văn Hưng, một giám đốc lâu bền nhất và cũng tâm huyết nhất với thương hiệu Satic của Công ty gạch ngói Long Bình, nay đã ngoài 75 tuổi, cho biết: “Gạch ngói Satic là một loại công nghệ nung khác biệt được Pháp lập ra để sử dụng cho các loại nhà biệt thự ở Sài Gòn. Cùng lúc với Sài Gòn, ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp cũng đã lập ra một nhà máy gạch có cùng thương hiệu”.

Gạch Satic được sản xuất lâu đời ở Long Bình (Q.9) được lưu giữ làm mẫu vật

Ảnh: T.T.B

Điều rất thú vị là tình cờ một ngày đọc hồi ký của nhà văn Tô Hoài, lại thấy ông nhắc đến một vài đoạn về loại gạch ngói này, trong những cuốn tiểu thuyết khác nhau của mình. Đó là một đoạn trong chương 5 có tựa là Băm sáu phố phường của tập hồi ký Chuyện cũ Hà Nội: “Việc ở đâu, cái gì Tây cũng làm cả và từ bên Tây đem sang... Cả đến hòn gạch, hòn ngói cũng đóng lò ở bên Mạc-Xây. Ngói gạch thời ấy thấy đề “làm tại Mạc-Xây”. Mãi sau mới có nhà máy gạch Satic của chủ Tây đường Quan Thánh, rồi mới đến gạch Hưng Ký chủ ta. Những ngôi nhà được làm từ giữa thế kỷ đổ về trước, cứ xem hòn gạch, hòn ngói, cái ống cống nước đều in hiệu đều rõ tuổi công trình…”.
Rồi ở chương 11 của quyển Chiều chiều, Tô Hoài trong đoạn nói đến ngôi nhà mà mình mua được từ nhuận bút kịch bản phim Vợ chồng A Phủ và tiền bán sách, lại nhắc đến gạch ngói Satic: “Trong ngõ có hơn mười cái nhà liền một bên, trước mặt là tường một cơ quan. Có mấy nhà tư, lẫn nhà thuê của thành phố. Ngõ cụt, không phải người ở trong ấy thì không ai đi vào làm gì. Bởi vậy, đi tìm phố, có khi hỏi công an trật tự cũng không biết phố này. Trên đầu tường nhà tôi - miếng lá vả trát giữa, hai cột trụ đắp nổi chữ số 1923 năm xây, mái lợp ngói Satic của nhà máy gạch Tây phố Quan Thánh”!
Xem ra, như vậy thì gạch Satic có cùng thương hiệu, mà tôi đã có dịp vào tận kho của nhà máy ở Long Bình Sài Gòn, lục lấy mấy viên đang lưu giữ làm mẫu vật xưa cũ, đem ra để ngắm nghía và chụp ảnh mấy chục năm trước, đã trải qua trăm năm mưa nắng, được nung từ những vỉa đất sét được chọn lựa rất kỹ ở gần bến đò Long Bình. Trên mỗi viên gạch đều in chìm hai chữ Satic. Còn những viên ngói thì rõ ràng có khắc nổi hai dòng chữ trên dưới: “Marseillaise” và “Tuileries del’ indo-chine”. Dấu hiệu để nhận biết một loại vật liệu đã được bảo chứng qua thời gian dài hơn cả một đời người!
Chiều về trên đồi Tăng Nhơn Phú

Ngói thương hiệu Satic sản xuất ở Long Bình

Ảnh: T.T.B

Dấu chân quá khứ

Vào khoảng năm 2010, thương hiệu gạch ngói Satic đã không còn tồn tại với một chủ trương quyết liệt từ quyết định xóa bỏ gạch tuy-nen (gạch nung lò) để chuyển sang sản xuất và sử dụng loại gạch không nung. Cho đến bây giờ, trên bãi đất của nhà máy hoang phế ấy, bên bờ sông Sài Gòn có cái tên gợi nhớ địa danh một bến đò, gần đó là một công trường tấp nập nơi đoạn cuối của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang được khẩn trương lắp đặt. Những dấu ấn để gây dựng một thế hệ kiến trúc cổ xưa của người Pháp ở Sài Gòn ngày nào, giờ lại song song tồn tại bên cạnh những công trình hiện đại.
Nhưng bỗng nhiên một hôm lang thang lướt web, tôi đọc và chú ý một mẩu quảng cáo khá thú vị: bên dòng kênh Nhiêu Lộc ngày càng xanh bóng nước, tòa cao ốc Screc Tower 22 tầng với 468 căn hộ tọa lạc trên con đường Trường Sa thuộc P.12, Q.3, cạnh những mô tả khác về diện tích, sử dụng các loại vật liệu gì, những người buôn bán bất động sản lại chèn vào đó một dòng rao ngắn: “Hệ thống tường bao che quanh khu căn hộ được xây dựng bằng gạch tuy-nen Satic Long Bình...”.
Lại tưởng như với một thương hiệu lâu bền qua năm tháng, dấu chân của nó đã lùi một bước dài về phía dĩ vãng. Có chăng, cái tên của những viên gạch, ngói thuở xa xưa chỉ còn trong những khuôn hình, tôi đã kịp lưu lại từ ngày ấy mà thôi!
Q.9 là một vùng đất cửa ngõ phía đông của TP.HCM. Hiện nay trên địa bàn quận có 9 di tích lịch sử, trong đó có 4 di tích lịch sử cấp quốc gia và 5 di tích lịch sử cấp thành phố. Những di tích này là tài sản vô giá, là bản sắc văn hóa được hình thành trong suốt quá trình mở đất khai phá, xây dựng và phát triển phương nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân địa phương mà còn mang lại nét đặc sắc về lịch sử cho mảnh đất này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.