Chim nhạn hay chim nhàn trong bản 'Dạ cổ hoài lang' mới đúng?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
09/05/2021 17:49 GMT+7

Hiện nay có một số quan điểm cho rằng trong bản Dạ cổ hoài lang , câu 3: “ Vào ra luống trông tin nhàn " và câu 20: "C ho én nhàn hiệp đôi" mới là viết đúng (chữ nhàn chứ không phải nhạn ). Vậy, thực hư ra sao?

Trước khi đi sâu vào phân tích chữ nhàn hay nhạn trong bản Dạ cổ hoài lang, hãy xem nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Khanh giải thích về chữ nhàn như sau: Từ thế kỷ 18 người Việt ở miền Nam đã xài chữ nhàn. Trong từ điển tiếng Việt - Latinh của Taberd (Từ điển Taberd) còn ghi: Nhàn được giải nghĩa là avis deferens epistolam (một loại chim đưa thư).
Cuốn Miscellanées ou Lectures Instructives (Thông loại khóa trình) tập số 5 của Trương Vĩnh Ký do nhà xuất bản Imprimerie Commerciale Rey & Curiol tại Sài Gòn in tháng 9.1888, trong bài Dĩ vật luận vật ca ở trang 14 có nói về chim nhàn: “Chim nhàn đứng dựa đó đăng/ Rình mò cá nhỏ bắt ăn tối ngày”.
Còn trên trang Facebook cá nhân của nhà nghiên cứu Phương Kiên Giang cho biết: "Chim nhàn là một loài chim biển, không phải chim nhạn đọc trại ra mà thành. Trong quần đảo Nam Du thuộc Kiên Giang có hòn Nhàn, do bởi trước kia chim nhàn làm ổ, đẻ trứng đầy trên hòn nầy. Trứng nhàn to và có bông giống y như trứng cút."...
Vậy có thật sự chim nhàn là “một loại chim đưa thư” và “không phải chim nhạn đọc trại ra mà thành” chăng? Chúng ta thử tìm hiểu vài nét về 2 loại chim này.

Chim nhạn xám, còn gọi là ngỗng xám (loài Anser anser)

Ảnh: T.L của tác giả

Chim nhàn: là một nhóm bao gồm các loài chim biển. Trong quyển Distribution and Taxonomy of Birds of the World của Sibley C.G. và Monroe B.L.J. (1990), chim nhàn có 45 loài trong 7 giống (Anous, Procelsterna, Gygis, Phaetusa, Larosterna, Chlidonias, Sterna), thuộc họ Sternidae, bộ Charadriiformes.
Chim nhạn: là “con mòng hay chim mòng, loại chim giống như vịt, hay bay xa” (Từ điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, 1970). Những từ điển khác trước năm 1970 cho biết chim nhạn còn gọi là “ngỗng trời”.

Nhàn hay nhạn trong 'Dạ cổ hoài lang', cái nào đúng ?

Trong Hán ngữ, chim nhạn được viết là 雁 hay 鴈. Dựa vào tích Tô Vũ bị đày, phải buộc thư vào chân chim nhạn để nhắn tin về cho vua Hán nên có chữ nhạn tín (雁信), còn nhạn bạch (雁帛) nghĩa là “thư tín”. Như vậy, chim nhạn mới là chim đưa thư chứ không phải là chim nhàn. Sở dĩ Từ điển Taberd giảng chim nhàn là “một loại chim đưa thư” vì người biên soạn có sự nhầm lẫn giữa 2 lọai chim này. Trên thực tế, Từ điển Taberd đã phân biệt chim “nhàn” và “nhạn” với 2 chữ Nôm khác nhau: nhàn 鳫 trong “chim nhàn” và nhạn 鴈 trong “tin nhạn”.
Xét về phân loại, chim nhạn thuộc giống Anser, họ Anatidae (họ vịt), trọng lượng cơ thể từ 2,5 kg đến 4,1kg; còn chim nhàn thuộc 7 giống kể trên, lại khác họ, tùy theo loài, chim nhàn cân nặng từ 30g đến gần 650g, do đó có thể khẳng định đây là 2 loại chim khác nhau.
Bây giờ trở lại vấn đề chính, loài chim trong bản Dạ cổ hoài lang chính xác là chim nhạn hay nhàn?:
Căn cứ vào bản gốc Dạ cổ hoài lang từ chữ viết tay của soạn giả Cao Văn Lầu năm 1974 thì có thể khẳng định đó là chữ nhạn (Vào ra luống trông thơ nhạn) – lưu ý là những bản hiện nay đều ghi là tin nhạn.
Trong bài tham luận Từ “Dạ cổ hoài lang” đến “vọng cổ nhịp 32" (2009), giáo sư Trần Văn Khê từng nhận xét: “…Về thanh giọng và câu ca thì “tin nhạn” không ổn vì theo bản đờn, chữ chót là chữ Hò, nếu để chữ nhạn, khi ca cho đúng thì nghe ra chữ Xự. Nếu muốn dùng chữ nhạn thì nên đọc là nhàn…”.

Bản gốc Dạ cổ hoài lang viết tay của soạn giả Cao Văn Lầu năm 1974

Ảnh: T.L

Như vậy, giáo sư Trần Văn Khê chỉ cho thấy sự trúc trắc khi dùng chữ tin nhạn, song vẫn công nhận là chữ nhạn, còn khi hát thì phát âm là nhàn. Riêng về câu 20, căn cứ vào bản viết tay gốc thì chính xác là én nhạn chứ không phải én nhàn.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý chi tiết, nếu cho rằng “quần đảo Nam Du thuộc Kiên Giang có hòn Nhàn, do bởi trước kia chim nhàn làm ổ” thì trên thực tế cũng có “núi Nhạn” - một ngọn núi nhỏ nằm trên bờ bắc sông Đà Rằng, thuộc TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tương truyền ngày xưa có nhiều chim nhạn sống ở núi này.
Vì vậy mà chữ nhạn trong  bản Dạ cổ hoài lang của soạn giả Cao Văn Lầu sử dụng tồn tại cho đến ngày nay là chính xác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.