Chính phủ cam kết tháo điểm nghẽn cho TP.HCM phát triển

14/05/2021 04:56 GMT+7

Bên cạnh các cam kết tháo gỡ vướng mắc, Thủ tướng kỳ vọng TP.HCM phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo để tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước.

Ngày 13.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với TP.HCM để tháo gỡ các vướng mắc tạo đà cho TP phát triển nhanh và bền vững, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước. Đây là chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính với một địa phương sau khi được Quốc hội bầu hồi tháng 4.2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chống dịch Covid-19, muốn tấn công phải phòng ngự tốt

TP.HCM kiến nghị 5 nhóm vấn đề

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết việc Thủ tướng chọn TP.HCM làm nơi công tác đầu tiên là sự khích lệ, động viên lớn. Là địa phương có dân số đông nhất cả nước (khoảng 13 triệu người) và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách cả nước (27%), song ông Phong nhìn nhận TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn đến sự phát triển như: quá tải về hạ tầng, giao thông lạc hậu, chưa đảm bảo vai trò kết nối liên vùng. Nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn cho ngân sách, nhất là khi tỷ lệ điều tiết ngân sách giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017 - 2021. Ngoài ra, TP còn đối mặt với những thách thức như tỷ suất sinh thấp (khoảng 1,3 trẻ/phụ nữ), địa bàn phức tạp về các loại tội phạm, nền kinh tế dễ chịu tác động của đại dịch Covid-19

Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám nói

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến sự thống nhất, quyết tâm giữa lời nói và hành động. “Suy nghĩ phải kỹ càng, tư tưởng phải thông suốt, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy”, Thủ tướng nói và lưu ý đối với những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng và hiệu quả, được đa số đồng tình thì “cứ thế mà làm”. Với những vấn đề chưa có luật, hoặc có luật mà chưa có quy định, hoặc có quy định rồi mà thực tiễn vượt qua thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội. “Nếu làm không có động cơ xấu, không tham nhũng, tiêu cực, không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì Đảng, Chính phủ phải bảo vệ. Tinh thần chung là vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhưng vừa mở ra không gian đổi mới, sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám nói”, Thủ tướng chia sẻ. Bên cạnh đó, Thủ tướng khẳng định quan điểm sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Trước những thách thức nêu trên, ông Phong gửi tới Chính phủ và Thủ tướng 5 nhóm vấn đề cần tháo gỡ để TP.HCM phát triển, hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Thứ nhất, do một số nội dung trong Nghị định 93/2001 của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM không còn phù hợp, không tạo ra được cơ chế thuận lợi cho sự phát triển nên kiến nghị Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp các bộ ngành xây dựng nghị định thay thế.
Thứ 2 là nhóm vấn đề liên quan đến Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng ủng hộ chủ trương và quan tâm, chỉ đạo các bộ ngành liên quan hoàn chỉnh đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022 - 2025 (cho phép TP.HCM giữ lại 23% thay vì 18% như hiện nay), trình cấp có thẩm quyền thông qua trong năm 2021 để TP có nguồn lực phát triển nhanh và bền vững.
Về đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, ông Phong cho biết hồi đầu tháng 4.2021, Chính phủ thông báo mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP.HCM là 156.483 tỉ đồng. Qua đối chiếu nhu cầu vốn và khả năng cân đối của địa phương, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh lại mức vốn dự kiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn tăng lên 261.967 tỉ đồng; đồng thời bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án sử dụng vốn ODA vay lại là 43.391 tỉ đồng.
Liên quan TP.Thủ Đức, ông Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.Thủ Đức, trình Chính phủ trong quý 2/2021; đồng thời cho phép tiếp tục triển khai một số dự án như: xây dựng hạ tầng khu dân cư phía bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới.
Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phương án cổ phần hóa 4 khách sạn thuộc quản lý của Tổng công ty TNHH MTV du lịch Sài Gòn, cải tạo chung cư cũ, đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường vành đai 3, vành đai 4...

Chủ động tìm mọi nguồn lực

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng cần đầu tư nhiều hơn nữa cho TP.HCM để tạo động lực cho các địa phương khác trong vùng cùng đi lên. Về đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách, hiện tỷ lệ ngân sách để lại của TP.HCM thấp hơn so với bình quân 1 triệu dân nên cần có chủ trương tăng lên để TP có nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng đề nghị TP.HCM cần khai thác thêm các nguồn lực hiện có, mà trước mắt là nguồn thu từ thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng và dịch vụ cửa khẩu cảng biển. Đối với các dự án hạ tầng, TP có thể học hỏi Quảng Ninh khi triển khai, đó là sử dụng nguồn vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng, còn lại kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những thành tựu mà TP.HCM đạt được những năm qua, nhất là luôn giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, có tốc độ tăng trưởng cao, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới, sáng tạo. Trong 4 tháng đầu năm, TP.HCM triển khai tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh, thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư có nhiều điểm sáng, an sinh xã hội được đảm bảo, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi… “Những thành tích và thành tựu của TP.HCM rất cơ bản và tích cực”, Thủ tướng đánh giá.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế của TP.HCM như chưa phát huy hết những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và những cơ hội có được. Trong đó có nguyên nhân chủ quan là sự quan tâm của T.Ư chưa đúng mức và TP chưa cố gắng hết sức. Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM chưa đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế, 7 chương trình đột phá chưa đạt, giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm, cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, TP.HCM chưa trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, TP đã mắc một số sai lầm phải giải quyết.
Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của TP.HCM, Thủ tướng “đặt hàng” TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc gia. Thủ tướng khẳng định quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tháo gỡ vướng mắc để địa phương phát triển trên tinh thần 3 không: “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Về phân cấp, phân quyền, những công việc mà TP.HCM làm tốt hơn Chính phủ và các bộ ngành thì sẵn sàng giao cho TP; cái gì người dân, xã hội làm tốt thì sẵn sàng giao cho xã hội làm. Vai trò của Chính phủ là thiết kế chiến lược, quy hoạch, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, công cụ giám sát kiểm tra, khen thưởng kỷ luật.
Về phát triển hạ tầng, Thủ tướng nhấn mạnh đến hình thức đối tác công tư, trong đó khâu giải phóng mặt bằng do địa phương thực hiện, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Chính phủ căn cứ vào điều kiện cụ thể sẽ hỗ trợ phần xây lắp như vốn mồi. “Như hôm qua (12.5 - PV) tôi dự tổng kết ở Quảng Ninh, cái này đã làm rồi, mô hình có rồi, mà ta đong được, đếm được thì mạnh dạn làm”, Thủ tướng dẫn chứng.
Về các đề xuất cụ thể, liên quan đến Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, Thủ tướng đồng tình cần đánh giá lại xem những gì còn thiếu để bổ sung, quan trọng nhất là T.Ư cho cơ chế chính sách để TP.HCM phát huy tối đa không gian sáng tạo, tinh thần chủ động. Người đứng đầu Chính phủ ủng hộ đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách mà TP.HCM xây dựng và đề nghị TP cần tập trung nguồn lực cho 3 đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực và hạ tầng), cân nhắc các dự án cụ thể đảm bảo hiệu quả khi hoàn thành.
Thủ tướng cũng đồng tình với đề xuất điều chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội, còn việc chuyển từ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại thì phải đấu giá để thu hồi ngân sách; sửa nghị định liên quan đến cải tạo chung cư cũ để đẩy nhanh tiến độ, tổ chức tái định cư tại chỗ cho người dân.
“Chính phủ không giữ cơ chế chính sách, Chính phủ chỉ giữ kỷ cương, kỷ luật”, Thủ tướng nói và bày tỏ tin tưởng TP.HCM sẽ đi đầu trong việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.