Chính phủ đề nghị sớm nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp

22/03/2011 00:06 GMT+7

Hôm qua, Kỳ họp thứ 9 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội (QH) khóa XII đã khai mạc, với nội dung trọng tâm trong ngày đầu tiên là nghe các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH, Chủ tịch nước, Chính phủ (CP), Thủ tướng CP, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Một trong những kiến nghị CP đề xuất với QH khi trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007 - 2011 của CP, Thủ tướng CP trước QH chiều 21.3 là sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm quyền dân chủ của công dân và tăng cường pháp chế, kỷ luật kỷ cương.

Trình bày báo cáo trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, nhiệm kỳ qua, hoạt động quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) được thực hiện trong điều kiện kinh tế - chính trị thế giới biến động hết sức phức tạp, tác động rất mạnh đến nền kinh tế nước ta. CP, Thủ tướng CP luôn xác định ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo trước QH - Ảnh: Ngọc Thắng

Đã có nhiều kết quả, thành tựu đạt được, từ việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7% GDP trong 5 năm qua, GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD, vượt mục tiêu đề ra… đến tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,1% năm 2006 xuống còn 9,45% năm 2010, tương ứng với thời gian đó là tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm từ 4,82% xuống còn 4,43%. Đáng chú ý, mức chi ngân sách cho an sinh xã hội từ gần 39.000 tỉ đồng năm 2006 lên 77.000 tỉ đồng năm 2010 (tăng 98,8%), chưa kể 283.000 tấn gạo hỗ trợ giúp dân vùng bị thiên tai và cứu đói giáp hạt. Nhiều thành tựu trong các lĩnh vực khác cũng đã được nêu rõ trong báo cáo.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin nghiêm túc nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Bên cạnh những tiến bộ và kết quả đã đạt được, trong báo cáo, CP, Thủ tướng CP cũng đã “nghiêm túc nhìn nhận về những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, lãnh đạo chỉ đạo điều hành”.

Theo đó, công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế chính sách vẫn còn lúng túng, chưa đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất; các loại thị trường hình thành còn chậm và chưa đồng bộ; quản lý điều hành kinh tế vĩ mô chưa thật sự hiệu quả, còn những hạn chế, yếu kém; cơ chế, chính sách quản lý tài nguyên, khoáng sản và vốn có mặt chưa phù hợp; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển chưa bền vững.

Theo CP, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong công tác nhiệm kỳ qua, trong đó “nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu”. “Sự phối hợp giữa các cơ quan, giữa T.Ư và địa phương hiệu quả chưa cao. Tổ chức thực hiện chưa thật tốt, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong việc giải quyết những khâu đột phá, then chốt và những vấn đề xã hội bức xúc. CP, Thủ tướng CP xin nghiêm túc nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

CP đề nghị “QH giao cho CP chịu trách nhiệm chủ động điều chỉnh một số chỉ tiêu cụ thể và báo cáo với QH tại kỳ họp gần nhất”.

Báo cáo bổ sung tình hình KT-XH năm 2010 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011 trước QH sáng 21.3, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng điểm lại những kết quả đáng chú ý đạt được trong thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm qua, đồng thời chỉ rõ những “hạn chế, yếu kém lớn còn tồn tại” trong phát triển KT-XH 2010, đó là môi trường kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thể hiện ở chỉ số lạm phát tăng cao (11,75%), cao hơn chỉ tiêu QH thông qua (7%), nhập siêu còn lớn, bội chi ngân sách cao, nợ công có xu hướng tăng, mặt bằng lãi suất cao, tỷ giá chưa ổn định…

Chính phủ đặt ra 6 nhóm giải pháp để thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2011 (đã được nêu trong nội dung Nghị quyết số 11 ngày 24.2.2011 - PV).

Lạm phát tăng cao đột biến

Trong báo cáo thẩm tra Báo cáo bổ sung nói trên của Chính phủ, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết, UB này đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2010 với 16/21 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch. Tuy nhiên, bản báo cáo cũng đưa ra nhận định trong hai tháng cuối năm 2010 đã xuất hiện một số diễn biến mới, tác động xấu đến KT-XH nước ta, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân và cộng đồng các DN, biểu hiện rõ nhất ở mức lạm phát tăng cao đột biến; thị trường tiền tệ, thị trường vàng và ngoại tệ diễn biến phức tạp. Cung - cầu trên thị trường ngoại hối tiếp tục mất cân đối, gây nhiều sức ép lên tỷ giá.

UB Kinh tế cho rằng, ngoài sự lo ngại về tính không vững chắc của các cân đối lớn của nền kinh tế, còn những yếu tố mới ảnh hưởng xấu đến kinh tế nước ta năm 2011, đó là lạm phát tiếp tục chịu nhiều sức ép tăng cao, nhất là sau khi điều chỉnh tỷ giá và tăng giá một số mặt hàng là đầu vào quan trọng của sản xuất như xăng (tăng 17,68%), điện (tăng 15,28%); cộng với những bất ổn và xung đột chính trị tại một số nước cộng với mất mát, thiệt hại lớn của Nhật Bản do ảnh hưởng của thiên tai cũng sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế VN thời gian tới.

Giảm mặt bằng lãi suất

Tán thành 6 nhóm giải pháp trọng tâm Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 11 để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, UB Kinh tế nhấn mạnh thêm một số vấn đề CP cần đặc biệt chú trọng trong thực hiện các giải pháp phát triển KT-XH năm 2011 cũng như giai đoạn 5 năm tới.

Theo đó, trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cần từng bước giảm mặt bằng lãi suất. Đồng thời, “cần kiên quyết thực hiện các biện pháp quản lý thị trường vàng và ngoại tệ bảo đảm hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật hiện hành; sớm khắc phục tình trạng sử dụng vàng và ngoại tệ làm phương tiện thanh toán bất hợp pháp trên lãnh thổ VN, nhưng phải có lộ trình thích hợp, phù hợp với đặc điểm thị trường VN, bảo đảm hiệu quả, không phát sinh phức tạp mới”.

Trong điều hành chính sách tài khóa, theo UB Kinh tế, CP cần kiên quyết không chi ngân sách nhà nước vượt dự toán chi đã được phê duyệt, đưa mức bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP.

UB này cũng đồng thời đề nghị CP thực hiện các biện pháp quyết liệt giảm tỷ lệ nhập siêu xuống dưới 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đi liền với đó, việc điều chỉnh giá những mặt hàng do nhà nước quản lý theo cơ chế thị trường phải theo lộ trình, chọn thời điểm thích hợp để không gây sự cộng hưởng tâm lý tăng giá té nước theo mưa trên thị trường. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình bảo đảm an sinh xã hội.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.