Chính phủ đề xuất luật hóa tài sản số, trí tuệ nhân tạo

Lê Hiệp
Lê Hiệp
23/11/2024 11:16 GMT+7

Sáng 23.11, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Thành Long trình Quốc hội về luật Công nghiệp công nghệ số, với đề xuất luật hóa quy định về tài sản số, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn.

Theo Phó thủ tướng Lê Thành Long, tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Tài sản mã hóa là một loại tài sản số.

Chính phủ đề xuất luật hóa tài sản số, trí tuệ nhân tạo- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Thành Long trình bày tờ trình luật Công nghiệp công nghệ số, đề xuất luật hóa tài sản số, trí tuệ nhân tạo

ẢNH: GIA HÂN

Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn.

Chính phủ cũng sẽ quy định biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số.

Về trí tuệ nhân tạo (AI), ông Long cho biết, đây là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Tại dự thảo luật, Chính phủ dự kiến quy định về định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, đồng thời đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Luật dự kiến quy định nguyên tắc quản lý và phát triển AI. Theo đó, AI phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người phải đảm bảo minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và giúp con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế.

Chính phủ đề xuất luật hóa tài sản số, trí tuệ nhân tạo

Làm rõ quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng tài sản số

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về tài sản số, cơ quan thẩm tra nhận thấy, việc quy định về tài sản số trong luật là cần thiết.

Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng.

Chính phủ đề xuất luật hóa tài sản số, trí tuệ nhân tạo- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Lê Quang Huy trình bày thẩm tra dự án luật

ẢNH: GIA HÂN

Cùng đó, cũng cần làm rõ về biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.

Về trí tuệ nhân tạo (AI), ông Lê Quang Huy cho hay, một số ý kiến cho rằng, việc quy định như dự thảo luật về cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu toàn diện (cả những vấn đề về sở hữu và các quyền tài sản và quyền nhân thân đối với dữ liệu; vấn đề tôn trọng quyền tác giả…) để xây dựng một đạo luật riêng về trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, tại thời điểm này Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.

Do đó, cơ quan này cơ bản tán thành sự cần thiết và phạm vi, mức độ quy định về các hệ thống AI trong dự thảo luật. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế - xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, quy định mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ nhằm khuyến khích sử dụng và tạo thị trường.

Tại dự thảo luật, Chính phủ quy định, tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.

Tài sản mã hóa là một loại tài sản số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ chuỗi khối, công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ số khác tương tự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.