Chính phủ yêu cầu sớm có ý kiến về đề án SEA Games 31

28/04/2018 09:56 GMT+7

Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT-DL, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng... sớm có ý kiến về đề án đăng cai SEA Games 31 năm 2021 tại TP.HCM để Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án này cho kịp tiến độ.

 Giữa tháng 4 vừa qua, Bộ VH-TT-DL và UBND TP.HCM đã trình đề án đăng cai nhưng Chính phủ chưa thể quyết ngay vì đây là hoạt động quan trọng, không chỉ nâng tầm thể thao VN mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của VN nói chung, TP.HCM nói riêng. Vì TP.HCM xin nhiều cơ chế đặc thù nên Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan phải có văn bản kỹ càng về từng “hạng mục” của đề án, trong đó lưu ý nhất là kinh phí tổ chức cũng như các môn thi đấu.
Nên chủ động lựa chọn 36 môn
Là cơ quan có phản hồi sớm nhất, Bộ VH-TT-DL yêu cầu TP.HCM nâng từ 30 lên 36 môn cho phù hợp với số lượng các môn thi ở các kỳ SEA Games trước đây. Được biết, 30 môn được đề xuất gồm: Nhóm 1: 2 môn thể thao bắt buộc: điền kinh, thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bơi nghệ thuật, bóng nước). Nhóm 2: 24 môn thuộc Olympic và ASIAD. Nhóm 3: cờ vua, vovinam, đá cầu, thể hình. Ý định của TP.HCM là chờ các nước đề xuất thêm 6 môn khác nhưng Bộ VH-TT-DL cho rằng, đơn vị đăng cai cần chủ động chọn luôn vì còn liên quan đến chuẩn bị lực lượng, nơi thi đấu và nhất là kinh phí.
Trong đề án đăng cai, TP.HCM cũng đã báo cáo cụ thể với Chính phủ về việc nếu không đăng cai SEA Games 31 thì TP cũng vẫn sẽ huy động kinh phí từ các doanh nghiệp để xây dựng 3 công trình quan trọng nhất của TP. Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc (có sân 50.000 chỗ ngồi), trung tâm thể thao Phú Thọ và Phan Đình Phùng là các hạng mục đã được đưa vào nghị quyết của Thành ủy TP.HCM tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa X năm 2012. TP cũng đề cập rõ trong đề án về việc sẽ hạn chế việc sử dụng ngân sách nhà nước, tổ chức tiết kiệm, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực từ các doanh nghiệp.

tin liên quan

TP.HCM xã hội hóa việc tổ chức SEA Games 31
Là đơn vị đăng cai SEA Games 31 vào năm 2021, TP.HCM chịu trách nhiệm chính trong công tác tổ chức, bao gồm giao thông, an ninh, hậu cần, cơ sở vật chất, y tế, tình nguyện viên, vận động tài trợ, tổ chức lễ khai mạc, bế mạc...
Nhiều nhà đầu tư vào cuộc
Hôm qua 27.4, một lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM cho hay, hiện tại đã có nhà đầu tư lớn ứng vốn (không tính lãi suất) để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc và xây dựng hạ tầng kỹ thuật (ước tính khoảng 1.200 tỉ đồng). Một nhà đầu tư có uy tín khác cũng vừa trình lên UBND TP bản quy hoạch 1/2.000 Trung tâm huấn luyện và thi đấu Phú Thọ (công trình sẽ xây mới các hồ bơi, trường bắn cung, 2 khối nhà dành cho đấu kiếm, các môn võ). Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng (nơi đặt trung tâm báo chí, trung tâm truyền hình, tổ chức các môn thể dục, billiards & snooker) cũng đã ký kết hợp đồng với nhà đầu tư về dự án xây dựng với tổng vốn khoảng hơn 1.900 tỉ đồng.
TP.HCM dự kiến tổng kinh phí khoảng gần 16.000 tỉ đồng, trong đó kinh phí chi trực tiếp để đăng cai SEA Games 31 vào khoảng gần 7.500 tỉ đồng. Nguồn kinh phí từ ngân sách TP, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai (hai đơn vị vệ tinh) vào khoảng gần 1.500 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.