Chính quyền địa phương tiếp tay cho “cò đất”! - Bài 2

28/11/2005 22:51 GMT+7

Thiệt hại lớn nhất: Dân mất lòng tin Những ai có mặt tại xã Thới Tam Thôn (TTT) trong lúc này có thể cảm nhận một không khí ảm đạm bao trùm lên cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây. Gần 1.000 hộ dân đa số là công nhân ngành may, thợ hồ, buôn gánh bán bưng và nhiều loại lao động phổ thông không tên khác đang đứng trước nguy cơ trắng tay nếu xảy ra chuyện đập bỏ những căn nhà xây trái phép. Dân đã nghèo sẽ lại nghèo thêm.

Đã nghèo lại mắc đủ thứ... eo

Một cán bộ có trách nhiệm trong vụ này nói với chúng tôi là nếu điều đó xảy ra thì thiệt hại là sẽ không lường hết được, nhưng thiệt hại lớn nhất là mất lòng tin trong nhân dân.

Có đi vào trong từng ngóc ngách cuộc sống của người "nhập cư" ở xã TTT mới thấy hết nỗi khổ mà họ phải gánh chịu. Những con đường ngoằn ngoèo, không có cống thoát nước, không có nước sạch. Anh Phạm An Bình, nhà ở gần một khúc quanh đường Trịnh Thị Miến chỉ xuống đường nói với tôi không biết là đùa hay thật: "Những ngày mưa các anh lên đây, câu cá ngay tại các... ổ trâu này". Đó là hậu quả để lại của những chuyến xe ben chở đá, cát lậu cho các đầu nậu nhà đất. Tại tổ 114 ấp Đông chúng tôi gặp cô Huỳnh Thị Thiên vừa đi chợ về với một bó rau và vài lon gạo trên tay. Thiên cười gượng và cho biết chồng cô là công nhân may của một xí nghiệp gần đó. Hai vợ chồng quê ở An Giang lên Sài Gòn được 2 năm nay. Tất cả vốn liếng của gia đình đều đã trút hết cho “đầu nậu” đất tên Hạnh để đổi lấy căn nhà cấp 4 đang ở, diện tích 4 x 11 mét. "Nhà mua giấy tờ tay, không biết có bị gì không anh?", Thiên nói như người mất của.

Có khoảng 40-50 căn hộ tại khu vực này cũng đều trong hoàn cảnh tương tự. Từ tổ 114 nhìn xa qua bên ấp Tam Đông là cả một cánh đồng "da beo", nhà cửa xen kẽ với cỏ dại. Anh cán bộ Ban Thanh tra nhân dân xã tên Hòa, phụ trách ấp Đông chỉ cánh đồng bỏ hoang không một bóng người cho biết, trước kia mùa mưa dân trồng lúa, mùa nắng thì trồng dưa leo, khổ qua hoặc thuốc lá. Nhưng vài năm trở lại đây dân không làm nữa do cánh đồng bị ô nhiễm. Các con đường nội bộ do mấy "đầu nậu" tự quy hoạch, không có cống thoát nước nên tất cả nước thải dân buộc lòng phải thải hết ra đồng. Một nông dân chính hiệu chỉ tay ra đồng phân bua: "Không canh tác được thì biết làm gì, nếu không bán quách cho cò đất?".

Ở xã này, gặp chúng tôi ai cũng than "khổ lắm". Nhưng có lẽ khổ nhất là sống, sinh hoạt ngay dưới đường dây điện cao thế 500 KV đi qua đây. Nhìn ngút mắt, suốt một quãng dài là hàng ngàn nhà cửa ken nhau bên dưới, bên trên là 4-5 đường dây điện to vắt ngang qua. Anh Hòa cho biết, đã có mấy trường hợp tai nạn do phóng điện xảy ra bên ấp Tam Đông. Tôi hỏi một anh quê ở miền Bắc đang ở trần đứng trước căn nhà lụp xụp dưới chân trụ điện: "Ở như vầy anh không sợ sao?". Anh này trả lời: "Lỡ rồi! Ban đầu thấy rẻ mua đại, có xã chứng đàng hoàng mà".

Đổ công nuôi béo cho... "cò"

Đứng trên một nền nhà vương vãi gạch, vữa hồ vụn nát, trơ ra mấy trụ bê tông, anh Hòa cho biết, chủ nhân của căn nhà này là hai vợ chồng một đảng viên hưu trí sống ở nội thành. Ông bà định về đây hưởng không khí đồng quê, an nhàn, không ngờ bị "cò đất" lừa bán cho miếng đất trong "khu sáu trăm". Hôm đang "đổ tấm" dở dang thì bị lực lượng quản lý đô thị cho phá dỡ, đình chỉ thi công. Tiếc đồng tiền hưu dành dụm được nay thành đống gạch vụn, bà nhà đã... ngất xỉu. "Nhưng sao gọi là khu sáu trăm?", tôi hỏi. Anh Hòa: "Khu này là của trùm đất tên Hương. Bất kỳ lô đất ở vị trí nào cũng được ông Hương rao bán với giá 600 ngàn đồng/m2, nên bà con quen gọi thế".


Sống chung với... lưới điện

Góp phần phá nát khu quy hoạch xã TTT là một đội ngũ "cò đất" tương đối hùng hậu. Để lừa dân nghèo, đa số là dân các tỉnh miền Trung, miền Bắc, các ông "cò", bà "cò" đứng ra thu gom đất của nông dân với giá 150-300 ngàn đồng/m2, sau đó san lấp sơ sài, xây gạch bao chung quanh nền đã phân lô, chừa đường nội bộ 3 mét tạo cảm giác như... đất dự án, rồi bán lại cho dân với giá tăng lên gấp 3, 4 lần, từ 600 ngàn đến 1,2 triệu đồng/m2. Trong đợt kiểm tra vừa qua, cơ quan chức năng của huyện Hóc Môn đã thu giữ tổng cộng 170 tấm bảng rao bán đất của những điểm kinh doanh, cò đất. Một cán bộ của huyện cho biết, đám "cò đất" rất ranh ma, sau khi ẵm... tiền tỉ chênh lệch đã cao chạy xa bay, bỏ lại nỗi khổ trăm bề cho dân gánh chịu. Nhưng người dân cũng đã khai báo và nhận mặt đám cò đất này với cơ quan chức năng. Theo chúng tôi, những cá nhân này không thể không chịu trách nhiệm trong thiệt hại vật chất của người dân.

Trách nhiệm trưởng, phó công an xã tới đâu?

Khi các ngành chức năng tiến hành "giải phẫu" tình trạng mua bán đất, xây dựng trái phép có tổ chức trên đất quy hoạch chi tiết 1/2.000 ở xã TTT, Huyện ủy, UBND huyện và các ngành chức năng của huyện Hóc Môn đã họp xác định: Trách nhiệm trực tiếp thuộc về ông Chủ tịch xã Tô Văn Đạo (đã bị đình chỉ công tác - Thanh Niên đã đưa tin), Phó chủ tịch xã phụ trách quản lý đô thị, cán bộ địa chính xã Cao Anh Tuấn, Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, cán bộ các ấp, Đội Quản lý trật tự đô thị huyện và kể cả lãnh đạo Đảng ủy xã TTT.

Chưa hết, trong hồ sơ vụ việc sai phạm nghiêm trọng này còn có tên của hầu hết những người đứng đầu trong cơ quan bảo vệ pháp luật ở xã TTT: công an xã. Đã có những chứng cứ cho thấy chính những người được giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật trên địa bàn xã TTT lại là những người tham gia... đắc lực vào việc phá nát khu quy hoạch được duyệt ở địa phương này bằng việc ký, đóng dấu, đề xuất cấp số nhà cho những căn nhà xây dựng trái phép, nhằm tạo thêm điều kiện để "cò đất" có cớ lừa dân là nhà đất đã được hợp thức hóa. Thể hiện trong hồ sơ chúng tôi có được cụ thể như sau: Trong tổng số gần 2.000 trường hợp lập thủ tục xin điện kế, trong đó có đơn xin cấp số nhà do công an xã ký chấp thuận cấp số nhà còn lưu tại Điện lực Hóc Môn, ông Lê Văn Chiều - Trưởng công an xã đã ký 103 trường hợp. Hai ông Phó trưởng Công an xã cùng tên Trọng, trong đó ông Nguyễn Văn Trọng (phụ trách hình sự) ký 1.188 đơn, ông Nguyễn Văn Trọng (phụ trách hành chính) ký 25 đơn; ông Nguyễn Ngọc Lợi - nguyên Trưởng công an xã ký 357 đơn, ông Nguyễn Văn Sáu - nguyên Phó trưởng công an xã ký 27 đơn. Điều đáng nói là cơ quan chức năng còn phát hiện ông Trọng - Phó trưởng Công an xã phụ trách hình sự còn ký và đóng dấu khống vào đơn xin cấp số nhà.

Chính những việc làm quá "sốt sắng" trên của những người có trách nhiệm tại TTT đã góp phần đẩy gần 1.000 hộ dân TTT vào tình cảnh như hiện nay.

Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.