Chính quyền trên mạng xã hội

Thêm một tin vui về việc ứng dụng mạng xã hội để nâng cao hiệu quả của dịch vụ hành chính công ở VN. Lần này là trường hợp của UBND tỉnh Đồng Nai hợp tác với Zalo triển khai thêm kênh giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng xã hội này.

Nói “tin vui” vì đó là một dấu hiệu của một sự thay đổi hợp thời đại. Trên thực tế vẫn còn không ít các cơ quan chính quyền chưa mạnh dạn xem mạng xã hội như một kênh trao đổi thông tin với người dân rất thuận tiện và hiệu quả. Thậm chí có ngành còn dị ứng với mạng xã hội tới mức ra văn bản chính thức chỉ đạo các đơn vị trong ngành không sử dụng mạng xã hội vào công việc. Vậy nên việc một cơ quan chính quyền cấp tỉnh như Đồng Nai mạnh dạn hợp tác với mạng xã hội Zalo để khai thác môi trường này như một nền tảng kết nối và triển khai dịch vụ cho người dân là một minh chứng cho nhận thức mới.
Số tài khoản người dùng internet VN đến cuối năm 2016 đã là một con số ấn tượng, tương đương khoảng 50,5% tổng dân số. Và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong bối cảnh các đầu tư phát triển về hạ tầng công nghệ thông tin của VN vẫn được cam kết mạnh mẽ cả từ phía Chính phủ lẫn doanh nghiệp. Nếu dịch vụ hành chính công của chính quyền cho người dân lại tự cho phép tồn tại ngoài vòng ảnh hưởng của nền tảng internet, dị ứng với mạng xã hội thì chắc chắn đó là biểu hiện lỗi thời.
Chưa kể, internet và các dịch vụ trực tuyến trên nền tảng internet là một phần không thể thiếu của cách mạng 4.0 - cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang được nói đến như một nhân tố quan trọng đưa nhân loại vào một quỹ đạo mới của sự phát triển.
Thực tế hợp tác giữa Đồng Nai và Zalo lần này cho thấy, mạng xã hội có thể giúp triển khai một loạt tiện ích hành chính công cho người dân như tra cứu tiến độ hồ sơ giải quyết, gửi tin nhắn ZMS thông báo tiến độ giải quyết hồ sơ, biên nhận điện tử ZMS, thu thập ý kiến phản hồi của công dân, chấm điểm hài lòng đối với dịch vụ hành chính công. Đó dù mới chỉ là những bước đi ban đầu của việc triển khai cải cách hành chính theo hướng hiện đại hóa, nhưng chắc chắn sẽ thúc đẩy những bước đi tiếp theo dựa trên nền tảng mới của thời đại internet. Chúng ta cần những bước đi này để có thể sớm chứng kiến chính phủ điện tử VN thành hiện thực.
Nói “thêm một tin vui” vì Đồng Nai không phải là đơn vị đầu tiên có sự chuyển biến tích cực này. Chúng ta từng biết đến trường hợp ngành Y tế hợp tác với Zalo hỗ trợ thông tin cho người dân trong khủng hoảng không mong đợi về vắc xin năm 2015. Tháng 6.2016, Điện lực TP.HCM cũng đã triển khai một số dịch vụ khách hàng qua tiện ích Zalo, được khách hàng đánh giá cao. Còn Đà Nẵng được nhắc đến với sáng kiến áp dụng mạng xã hội Facebook vào việc quản lý đô thị.
Nghĩa là chúng ta có quyền hy vọng về một triển vọng lâu dài với nhiều tin vui tiếp theo tương tự trường hợp Đồng Nai trong tiến trình cải cách hành chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.