Chính sách đuối sức

26/09/2011 02:51 GMT+7

Nhập khẩu vàng" - liều thuốc cắt cơn hiệu nghiệm nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hết tác dụng khi giá vàng trong nước cuối tuần qua vẫn bỏ xa giá thế giới tới khoảng 3,5 triệu đồng/lượng. Sự đuối sức của chính sách trong cuộc chạy đuổi với thị trường đã bộc lộ rõ rệt và để lại nhiều hệ lụy.

Mỗi lần giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới, NHNN lại cho nhập khẩu vàng để điều tiết bởi lập luận, giá cao hơn là do nguồn cung không đủ. Liều thuốc này đã đắc dụng khi giảm nhiệt thị trường ở một vài thời điểm. Tuy nhiên lần này, thuốc đã nhờn khi độ vênh giữa giá vàng trong nước và giá thế giới được kéo quá xa như nói trên. Điều đó cũng chứng minh, cung vàng trong nước không hề khan hiếm. Bản chất thực sự của vấn đề là cái bắt tay "đỡ lưng giá vàng" của những nhà đầu tư tổ chức để "neo" giá, hòng giảm lỗ do đã mua giá cao trước đó. Những nhà đầu tư và người dân đang "say vàng" rất dễ bị sập bẫy bởi niềm tin "chỉ tăng không giảm" mà vàng đã duy trì lâu nay. Như vậy có thể khẳng định, nếu NHNN tiếp tục cấp quota nhập khẩu vàng thì điều mang lại duy nhất là... tốn ngoại tệ chứ không thể giải quyết được gốc rễ vấn đề. Đó là chưa kể, việc xuất USD nhập vàng còn dẫn đến hàng loạt các hệ lụy khác như nhập siêu, tỷ giá, lãi suất... gây tác động tiêu cực đến lạm phát, đến nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra hiện nay là, nếu giá vàng trong nước và thế giới vẫn duy trì khoảng cách trong tuần này, NHNN sẽ sử dụng biện pháp gì để điều tiết thị trường khi "liều thuốc" gần như duy nhất là cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng đã không còn hiệu nghiệm?

Hiến kế thì nhiều nhưng trả lời câu hỏi trên thì các chuyên gia, các nhà đầu tư đều bó tay vì lâu nay, việc điều hành, quản lý thị trường vàng của NHNN hầu như chỉ dựa vào các biện pháp hành chính. Trong đó, cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng được coi là "kháng sinh liều cao" để giải quyết căn bệnh thị trường. Nên khi thuốc này hết tác dụng, có cảm giác, cơ quan quản lý rơi vào bế tắc. Không cho nhập khẩu vàng thì sợ cảnh điên loạn, xếp hàng mua vàng tái diễn. Cho nhập khẩu thì đối mặt với nỗi lo chảy máu ngoại tệ mà không giải quyết được vấn đề. Bối cảnh "tiến thoái lưỡng nan" này đã bộc lộ rõ sự lúng túng trong quản lý điều hành cũng như sự đuối sức của chính sách so với diễn biến thị trường. Lỗi này bắt nguồn từ nghịch lý giữa sự lề mề, chậm trễ của chính sách với độ thanh khoản cực cao của thị trường vàng. Chúng ta đều biết, vàng biến động từng ngày, từng giờ nhưng Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng sau nhiều lần bàn cãi, lấy ý kiến, trình... đến giờ này vẫn chưa ban hành. Đề án huy động vàng từ dân cũng mới dừng lại ở việc tuyên bố.

Lịch sử mỗi lần bong bóng vỡ, giá vàng giảm khoảng 30%/lần. Theo các chuyên gia vàng trên thế giới, có nhiều dấu hiệu cho thấy, đây là thời điểm bong bóng vàng năm 2011 vỡ. Nếu đi đúng dự báo này, giá vàng sẽ còn giảm khoảng 10% nữa. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự thua lỗ của những người dân đã mua vàng giá cao do thị trường bị thao túng cũng như hàng loạt các hệ lụy mà vàng gây ra trong thời gian qua?

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.