Chính sách văn hóa - quyết nhanh, làm chậm

13/06/2013 03:20 GMT+7

Một quyết sách văn hóa nếu được cân nhắc kỹ ngay từ ý tưởng soạn thảo sẽ đỡ mất công, mất tiền, mất thời gian tranh cãi hơn cho người thực hiện.

Sửa nghị định ? 

Trong buổi trực tuyến về chứng chỉ hành nghề biểu diễn  vừa qua, các đại biểu từ nhiều đầu cầu đã ước giá như mình có trong tay một văn bản cụ thể của đề án. “Như thế chúng tôi sẽ đóng góp ý kiến tốt hơn”, ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM nói. Tuy nhiên, một văn bản cụ thể chắc phải chờ tới lần thảo luận sau bởi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vẫn muốn xin ý kiến về một số vấn đề nguyên tắc, chẳng hạn chứng chỉ hành nghề biểu diễn sẽ có hiệu lực trong bao lâu. Nó cho thấy Cục cũng đang lúng túng trong hình dung cụ thể về một phương thức quản lý.

Chính sách văn hóa - quyết nhanh, làm chậm
 Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc đưa ra các quyết sách văn hóa vội vàng với Đường Lâm sẽ dẫn đến việc thực thi chúng thiếu hiệu quả - Ảnh: Ngọc Thắng

Còn nhớ, việc “tái sử dụng” một loại giấy tờ để quản lý nghệ sĩ đã được đưa ra khá nhanh, trong một phản ứng tức thì khi NTBD có nhiều điều phản cảm. Kèm theo ý tưởng về một loại giấy tờ mới, nghệ sĩ biểu diễn cũng có thêm “hình phạt bổ sung” như không được tham gia các chương trình biểu diễn phát trên truyền hình. Sau đó, sân khấu biểu diễn dường như êm lại, có chuyển biến tích cực, theo đánh giá của ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD. Tuy nhiên, việc soạn thảo cơ chế giấy tờ quản lý mới vẫn trĩu trên vai đơn vị quản lý này.

Điều mắc mớ nhất, theo ông Nam hiện nằm ở khía cạnh pháp lý của đề án chứng chỉ hành nghề. Theo đó, Nghị định 79 về hoạt động biểu diễn, Nghị định 75 về xử phạt trong hoạt động này lại không hề có quy định về chứng chỉ hành nghề. Do đó, theo ông Nam, nếu muốn đưa chiếc thẻ mong muốn này vào thực tế, sẽ phải sửa các nghị định trên. Liệu Chính phủ có đồng ý hay không, điều này đến giờ chưa có câu trả lời.

Cộng thêm việc nhiều nghệ sĩ đang ái ngại cho tính khả thi của đề án chứng chỉ hành nghề, rõ ràng việc mau chóng đưa ra một quyết sách và việc sớm hoàn thành, đưa nó vào đời sống không đi liền với nhau. 

 

Ý tưởng vội vã

“Dùng chứng chỉ hành nghề để quản lý nghệ sĩ là một ý tưởng vội vã. Bởi có sinh ra rồi, cũng không thể quản lý được với ngành giải trí thay đổi từng ngày, đang theo xu hướng toàn cầu. Lần trước chúng ta đã nghĩ ra việc có quy định áo mặc cách rốn bao nhiêu, rồi tranh cãi. Nếu không khả thi thì không nên vội đưa ra”

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan
(nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc )

Quyết nhanh, nhưng thực tế lại khác

Mau chóng đưa ra một dự định rồi lại mắc, và phải thay đổi cũng là trường hợp của việc đi tìm quốc phục, quốc hoa. Vấn đề quốc phục, quốc hoa ngay lập tức đã gây “cháy” nhiều diễn đàn do chưa có đề bài cụ thể. Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh đã phải mời chuyên gia về trang phục, chuyên gia nông nghiệp nghiên cứu, chấp bút cho đề án suốt thời gian dài. Rốt cục, cũng theo Cục này, quốc phục sẽ chỉ thu gọn lại là lễ phục cho ngành ngoại giao chứ không phải toàn dân. Còn quốc hoa sẽ để cho người dân tự công nhận trong lòng. Có điều, tiền đã chi, công người đã bỏ ra.

Mới đây nhất, dự án cầu vượt khu vực đàn Xã Tắc đã có thỏa thuận với Cục Di sản, trước khi tranh luận về việc xâm hại di tích nổ ra. Chủ đầu tư phải dừng việc, để chờ cuộc họp góp ý kiến của các nhà khoa học. “Chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều tài liệu để mang đến đây, chứng tỏ giá trị của đàn Xã Tắc”, PGS-TS Tống Trung Tín nói trong cuộc họp mới tuần trước. Trong đó, ông liệt kê chùm di sản ở khu vực dự kiến làm cầu vượt này. Sau đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng xin ý kiến nhà khoa học về việc thực hiện quy hoạch khảo cổ của TP ngàn năm mà theo ý kiến “xây dựng, phát triển” thì đụng vào đâu cũng có di tích.

“Quy hoạch khảo cổ làm nền tảng cho việc phát triển. Nếu có quy hoạch, các dự án sẽ biết để tính toán công việc tốt hơn”, PGS-TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản cho biết. Việc quy hoạch có thể mất thêm thời gian. Bù lại, nó sẽ không gây ra những rắc rối kiểu Xã Tắc nữa, khi không còn phải tranh cãi di tích có hay không và quan trọng đến thế nào.

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nêu thêm một quyết định mà theo ông là vội vã, đó là quyết định về quy hoạch lễ hội. Theo ông: “Lễ hội là của dân, nhà nước không nên can thiệp. Chỉ nên hỗ trợ cho cộng đồng, dòng họ người ta làm. Bài học của Đền Hùng cũng vậy, Nam Định cũng thế. Việc nâng cấp lễ hội đã dẫn đến lộn xộn. Hay dự định việc sàng lọc bớt lễ hội làng có trùng lặp cũng vội vàng. Có 418 làng thờ Hai Bà Trưng thì sàng lọc chỉ để một làng thờ thôi à? Không thể vội vàng như thế. Cứ trả lễ hội về tự nhiên nhất của nó. Vừa đỡ tốn kém vừa giữ được lễ hội”.

Rõ ràng, những sự kiện nóng thời gian qua cho thấy, việc hoạch định cho một quyết sách liên quan đến văn hóa cần phải được thực hiện cẩn trọng hơn. Nó cần phải được thảo luận kín kẽ, thận trọng từ khi còn là ý tưởng. Các nhà khoa học phải được vào cuộc sớm hơn. Có thế, mới tránh được cảnh quyết sách vừa mới hé, công chúng đã thấy bất an hoặc bất bình mà phải lên tiếng.

Trinh Nguyễn

>> Nhà sử học Dương Trung Quốc: Căn bản là xác lập được giá trị đúng
>> Cầu vượt qua đàn Xã Tắc: Bài học lắng nghe dân
>> Đề nghị dịch cầu vượt qua đàn Xã Tắc
>> Khẩn cấp bảo tồn văn hóa Quảng Nam
>> Di tích văn hóa kêu cứu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.