Chính thức giảm nhiều khoản thu từ phí, giá để hỗ trợ doanh nghiệp

Chí Hiếu
Chí Hiếu
29/05/2020 19:37 GMT+7

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết trong đó đồng ý giảm nhiều khoản thu về phí, giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó đáng chú ý là việc đồng ý giảm nhiều khoản thu từ phí, giá...

Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô lắp ráp trong nước

Trong đó, Chính phủ đưa ra 3 nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền. Một là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch.
Miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31.12.2019; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9.2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9.2020.
Giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.
Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3.2020; thời gian gia hạn không muộn hơn thời điểm ngày 31.12.2020. Nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước.
Cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, kinh phí thực hiện năm Chủ tịch ASEAN 2020 và các hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.
Chính phủ cho phép các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch COVID-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Giảm hoạt động thanh tra

Hai là về thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, Chính phủ giao các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp; tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; chủ động khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.
Đồng thời, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép: phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo giai đoạn. Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như: công tác quy hoạch; hạ tầng; công tác đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo về năng lượng; cải cách thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với quy định về phòng chống dịch Covid-19. Chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ngành thanh tra thực hiện nghiêm Nghị quyết số 35 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và các chỉ thị của Thủ tướng, rà soát lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra để hạn chế, giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời kỳ dịch bệnh, không thanh tra ngoài kế hoạch, chuyển từ phương pháp tiền kiểm sang hậu kiểm. Đối với những dự án đã thanh tra, khẩn trương hoàn thành kết luận, tham mưu, đề xuất hướng xử lý theo quy định của pháp luật.
Ba là đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó Chính phủ cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020.
Tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.
Nghị quyết cũng nêu rõ: Chính phủ cho phép các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch.
Gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp; cấp giấy phép lao động mới cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài để thay thế cho những người không được nhập cảnh hoặc không nhập cảnh trở lại Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.